📞

Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Tây Ban Nha: Còn thiếu mảng đầu tư

15:36 | 06/06/2015
Trả lời TG&VN nhân kỷ niệm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Tây Ban Nha và Việt Nam (23/5/1977-23/5/2015), Đại sứ Tây Ban Nha Alfonso Tena García khẳng định lĩnh vực còn hạn chế trong phát triển quan hệ đối tác chiến lược hai nước là đầu tư.
Đại sứ Tây Ban Nha Alfonso Tena García.

Đại sứ đánh giá như thế nào về mối quan hệ giữa Tây Ban Nha và Việt Nam trong thời gian qua?

Tôi nghĩ có rất nhiều lý do để đánh giá lạc quan về mối quan hệ của chúng ta. Mối quan hệ song phương được khởi động bằng mốc thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1977, được tăng cường bằng việc mở Đại sứ quán tại Hà Nội năm 1996 và tìm thấy khuôn khổ phù hợp với việc thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vào năm 2009. Hai bên đã trao đổi các chuyến thăm song phương cấp cao nhất như chuyến thăm của Nhà Vua và Hoàng hậu Tây Ban Nha tới Việt Nam năm 2006 và chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tới Tây Ban Nha năm 2009.

Quan hệ thương mại song phương tăng trưởng hàng năm, đạt gần mốc 2.500 triệu Euro trong năm 2014. Lượng khách du lịch giữa hai nước cũng theo xu hướng tương tự với hơn 40 nghìn du khách Tây Ban Nha thăm Việt Nam trong năm ngoái. Thời gian qua, hai bên có nhiều hợp tác trong lĩnh vực phát triển như thực hiện các chương trình giảm nghèo, giới và môi trường. Không chỉ về số lượng, các chương trình còn tập trung vào chất lượng, đảm bảo thực hiện hiệu quả, phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan hợp tác của Tây Ban Nha với các cơ quan liên quan của Việt Nam.

Nhưng có lẽ, lĩnh vực còn thiếu để phát triển quan hệ đối tác chiến lược của chúng ta là đầu tư. Rõ ràng, mức độ đầu tư giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng quan hệ hai nước. Các công ty của Tây Ban Nha cũng chưa nhận biết hết những cơ hội to lớn mà thị trường Việt Nam mang lại. Để giải quyết hạn chế này, chúng ta nên tạo nhiều không gian và cơ hội đối thoại cũng như mạng lưới liên hệ giữa các đơn vị kinh tế của hai bên. Chuyến thăm Việt Nam năm ngoái của Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Jose Manuel Garcia-Margallo cùng một đoàn doanh nhân chính là để thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược và củng cố mảng đầu tư còn hạn chế này.

Công việc của Đại sứ quán là tập trung giới thiệu thế mạnh của các công ty Tây Ban Nha, đặc biệt trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, xây dựng, năng lượng tái tạo, công nghệ… và tiếp nhận thông tin về các lĩnh vực mà Việt Nam ưu tiên phát triển, để từ đó xác định làm thế nào để các công ty Tây Ban Nha có thể đóng góp vào quá trình phát triển của Việt Nam trong những năm tới.

Tiếng Tây Ban Nha đang được giảng dạy trong nhiều trường đại học tại Việt Nam, nhưng văn hóa của “xứ sở bò tót” thì chưa được biết đến rộng rãi. Đại sứ quán có những kế hoạch cụ thể nào để quảng bá cũng như thúc đẩy sự hiểu biết văn hóa Tây Ban Nha tại Việt Nam?

Chương trình Hành động văn hóa của chúng tôi bao gồm giới thiệu các nhạc sỹ, nghệ sỹ Tây Ban Nha, tham gia các liên hoan phim và hỗ trợ hoạt động của khoa tiếng Tây Ban Nha thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Trên thực tế, các buổi biểu diễn nhạc hay múa Tây Ban Nha do chúng tôi tổ chức đều đạt được thành công ngoài mong đợi.

Liên quan đến ngôn ngữ, hiện chúng tôi vẫn đang có một giáo viên người Tây Ban Nha tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP. Hồ Chí Minh. Chúng tôi hy vọng trong những năm tới có thể tăng số lượng giáo viên Tây Ban Nha và tiếp tục thúc đẩy các hoạt động văn hóa vốn đã chiếm được tình cảm của nhiều khán giả Việt Nam.

Tuy nhiên, khó khăn chính của chúng tôi là tiếng Tây Ban Nha không được giảng dạy tại các trường học công lập của Việt Nam. Tôi tin rằng việc giảng dạy ngôn ngữ của chúng tôi (ngôn ngữ đứng thứ hai trên thế giới về số lượng người nói) có thể tác động tích cực đến các thế hệ trẻ trong bối cảnh các nền kinh tế của khu vực Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam và nhiều nước Mỹ Latinh, đang phát triển nhanh chóng và ngày càng hội nhập.

Việt Nam và EU đang nỗ lực để ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) vào tháng Chín tới. Cộng đồng ASEAN (AC) dự kiến ra đời vào cuối năm nay. Trong bối cảnh đó, quan hệ hai nước sẽ được thúc đẩy và “làm mới” như thế nào, thưa Đại sứ?

Tôi nghĩ rằng năm 2015 thực sự là năm cơ bản để Việt Nam tiến những bước quan trọng trên con đường hội nhập quốc tế. Sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN cũng như việc kết thúc đàm phán hướng tới ký kết FTA với EU hay những bước tiến đạt được trong các cuộc đàm phán TPP đều là những sự kiện cơ bản để Việt Nam mở cửa nền kinh tế cũng như các mối quan hệ đối tác và bạn bè. Tuy vậy, điều này cũng yêu cầu Việt Nam cần có những bước tiến nhất định trong cải cách nền kinh tế nội bộ như cải thiện môi trường đầu tư, hiện đại hóa quản lý hành chính và phát triển các ngành công nghiệp chiến lược, theo như kế hoạch mà Chính phủ Việt Nam đề ra.

Khi châu Á được nhiều chuyên gia cho là trung tâm của thế kỷ XXI, ông đánh giá như thế nào về vai trò của Việt Nam trong khu vực năng động này?

Tôi vừa mới tham dự buổi tọa đàm của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh với chủ đề “Việt Nam sẽ là con hổ mới của ASEAN?”. Theo tôi, Việt Nam hội tụ đủ điều kiện để chuyển đổi và hiện đại hóa nền kinh tế của mình trong vòng năm năm tới, và sẽ đóng vai trò quan trọng trong ASEAN cũng như khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Tôi tin tưởng đất nước các bạn không chỉ như một sức mạnh kinh tế mà còn là nhân tố điều tiết sự ổn định trong địa chính trị khu vực, điều này tất nhiên sẽ nhận được sự ủng hộ của Tây Ban Nha và Liên minh châu Âu.

Hằng Phạm (thực hiện)