Vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận là một trong những điểm đến nổi tiếng nhất của Việt Nam với du khách nước ngoài. (Nguồn: BQN) |
Với sự tham gia chủ động, tích cực và trách nhiệm của Việt Nam, 45 năm qua, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và UNESCO có những bước phát triển cả về lượng và chất, ngày càng đạt hiệu quả cao, trở thành một trong những điển hình về thành tựu của UNESCO.
Thành viên tích cực, có vai trò quan trọng trong UNESCO
Theo Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft, Việt Nam luôn là một thành viên hoạt động sôi nổi, tích cực và luôn làm việc với tiêu chí hướng đến một mục tiêu cao hơn.
Kể từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam đã, đang và vẫn sẽ tiếp tục đảm nhận những vai trò quan trọng trong các hội đồng thuộc UNESCO. Việt Nam là nước thành viên hoạt động rất tích cực trong công tác lãnh đạo thuộc nhiều ủy ban khác nhau. Việt Nam cũng hỗ trợ rất nhiều trong việc triển khai các nghị quyết và công ước mới thuộc lĩnh vực văn hóa.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thể hiện rất rõ với các quốc gia thành viên khác về các phương pháp để có thể tận dụng tốt nhất những danh hiệu được UNESCO vinh danh và có thể thấy rõ điều đó qua việc các danh hiệu Di sản thế giới, Công viên địa chất, Khu dự trữ sinh quyển thế giới trở thành phương tiện để Việt Nam phát triển.
Suốt 45 năm qua, kể từ khi gia nhập UNESCO, Việt Nam cũng luôn nhận được sự ủng hộ và giúp đỡ của UNESCO về ý tưởng, nhận thức và kinh nghiệm cũng như những đóng góp về tài chính và kỹ thuật ban đầu cho một số dự án của Việt Nam.
Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam-UNESCO phát triển tốt đẹp và hiệu quả cao trên các lĩnh vực giáo dục, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, thông tin, truyền thông và văn hóa.
Để hội nhập tích cực trong UNESCO, Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động, như: phê chuẩn một số Công ước quan trọng (Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể - Công ước 2003, Công ước Bảo vệ và phát huy sự đa dạng của các biểu đạt văn hóa - Công ước 2005…); chủ trì nhiều hội nghị, hoạt động lớn của UNESCO (Hội nghị cấp cao khu vực châu Á-Thái Bình Dương về Đối thoại giữa các nền văn hóa, Hội nghị Tư vấn các Uỷ ban Quốc gia khu vực châu Á-Thái Bình Dương...).
"Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa". (Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft) |
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đẩy mạnh đóng góp sáng kiến của mình trong các lĩnh vực chuyên môn như xóa mù chữ, Trung tâm học tập cộng đồng, áp dụng nội dung giáo dục vì sự phát triển bền vững vào mô hình khu dự trữ sinh quyển...
Những kinh nghiệm này được thế giới đánh giá cao. Một số đoàn chuyên gia nước ngoài đã đến Việt Nam tìm hiểu và học hỏi.
Điển hình về thành tựu của UNESCO
Cùng đồng hành trong suốt 45 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO đã góp phần không nhỏ cho sự phát triển của đất nước, đồng thời xây dựng hình ảnh của một đất nước Việt Nam mới, đậm đà bản sắc văn hóa, năng động và không ngừng vươn lên. Việt Nam đã trở thành một điển hình về thành tựu của UNESCO, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam Michael Croft từng khẳng định: “Tự bản thân Việt Nam đã đại diện cho những giá trị của UNESCO là đoàn kết, khoan dung, đa dạng và hài hòa”. Đây được coi là những giá trị nền tảng tạo nên bản sắc Việt Nam.
Năm 1976, sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng thông qua việc tham gia tích cực vào các chương trình của UNESCO, cộng đồng quốc tế đã hiểu rõ hơn về đất nước Việt Nam hòa bình và tươi đẹp.
Đặc biệt, những nỗ lực thúc đẩy hòa bình cũng được thể hiện rất rõ khi Hà Nội trở thành thành phố đầu tiên của châu Á-Thái Bình Dương vinh dự được trao tặng danh hiệu Thành phố vì hòa bình năm 1999. Đây được coi là phần thưởng cho những chính sách đa dạng, thúc đẩy sự thịnh vượng với sự chung tay của tất cả người dân, đặc biệt là có sự tham gia tích cực của giới trẻ.
Cũng từ đây, vị thế của Việt Nam không ngừng tăng lên trong phần lớn các quốc gia thành viên UNESCO và nhiều diễn đàn đa phương khác.
Việt Nam đã đặt cơ quan đại diện tại UNESCO vào năm 1982 và được tín nhiệm bầu vào: cơ quan hoạch định chính sách và tài chính UNESCO (1978-1983), Hội đồng Chấp hành UNESCO (2001-2005, 2015-2019), Phó Chủ tịch UNESCO (2001-2003), thành viên Ủy ban Di sản thế giới (2013-2017)...
Kỳ họp thứ 38 của Đại hội đồng UNESCO ngày 11/11/2015 tiến hành bầu các thành viên Hội đồng chấp hành nhiệm kỳ 2015-2019. Trong số các thành viên mới có Việt Nam. |
Qua các chuyến thăm Việt Nam của các Tổng Giám đốc UNESCO, hai bên đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác mang tính chiến lược lâu dài cho sự phát triển mối quan hệ hai bên.
Cũng thông qua quan hệ với UNESCO, Việt Nam tiếp tục nhận được những hỗ trợ quan trọng, mang tính chiến lược cho phát triển bền vững. Tuy không phải là tổ chức cung cấp tài chính nhưng những ý tưởng, kinh nghiệm của UNESCO góp phần thay đổi nhận thức, tư duy để sử dụng nguồn lực hiệu quả nhất.
Một trong những trường hợp điển hình là sự thay đổi trong nhận thức và lý luận cũng như chủ trương, chính sách về văn hóa của Việt Nam sau khi tham gia hưởng ứng “Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa”. Đó là nhận thức mới về tầm quan trọng của xây dựng nền văn hóa toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ, từ đó chấn hưng nền văn hoá dân tộc và tăng cường giao lưu với các quốc gia khác.
Nhận thức này cũng đã trở thành tài liệu tham khảo cho việc hình thành Nghị quyết Trung ương 5 khoá VIII về “Xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.
Bên cạnh đó, UNESCO và Việt Nam còn triển khai hợp tác mở rộng Chương trình ký ức thế giới; sử dụng công nghệ thông tin truyền thông vào việc bảo tồn di sản; tăng cường tiếp cận thông tin chất lượng; nâng cao năng lực cơ quan báo chí, truyền thông; mở rộng phạm vi phương tiện truyền thông tới vùng xa xôi, khó khăn cũng như khuyến khích sử dụng ngôn ngữ địa phương phát triển nội dung phục vụ bảo tồn bản sắc và đa dạng văn hóa…
Việt Nam cũng là một trong những nước có đóng góp tích cực và ủng hộ cho những nỗ lực bảo vệ di sản văn hóa. Việt Nam đã hiện thực hóa các sáng kiến và xây dựng hình ảnh Hà Nội “Thành phố sáng tạo” của thế kỷ XXI với tầm nhìn hướng về tương lai, phản ánh khát vọng quốc gia trở thành một thành viên năng động, sáng tạo, tích cực.
Đây được coi là một trong những định hướng mà UNESCO tiếp tục hợp tác và đồng hành cùng Việt Nam trong thời gian tới, phát huy các giá trị truyền thống được hun đúc từ hơn nghìn năm qua, đổi mới, sáng tạo để bắt kịp xu thế phát triển của thời đại - kỷ nguyên văn minh trí tuệ và toàn cầu hóa.
Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, với vai trò quan trọng trong UNESCO, Việt Nam đã đưa ra nhiều sáng kiến trong các cuộc thảo luận về vấn đề đảm bảo nền giáo dục, sự phổ cập giáo dục và chất lượng giáo dục, số hóa trong phát triển… để không ai bị bỏ lại phía sau.
Có thể nói, 45 năm qua, quan hệ hợp tác Việt Nam-UNESCO ngày càng phát triển tốt đẹp và bền chặt theo thời gian, góp phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong những năm tiếp theo, UNESCO sẽ tiếp tục là cầu nối và diễn đàn quan trọng để Việt Nam chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.