📞

Quan hệ Mỹ-Hàn: Cơ hội vàng của Tổng thống Moon Jae-in

Minh Vương 17:53 | 21/05/2021
Chuyến thăm Washington là cơ hội vàng để Tổng thống Moon Jae-in mở rộng hợp tác Mỹ-Hàn, từ đó cải thiện hình ảnh của đảng trước bầu cử năm 2022.
Chuyến thăm Mỹ, gặp gỡ Tổng thống Joe Biden (trái), qua đó cải thiện quan hệ Mỹ-Hàn có thể giúp ông Moon Jae-in tìm kiếm giải pháp cho một số vấn đề ở trong nước. (Nguồn: Arirang)

Gỡ thế khó

Khảo sát của Gallup Korea trên 1.000 cử tri 3 tuần trước, công bố trên tờ Hankyoreh (Hàn Quốc) cho thấy tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống Moon Jae-in đã rơi xuống 29%, thấp kỷ lục trong nhiệm kỳ. Có tới 65% người được hỏi không đồng tình với cách ông chủ Nhà Xanh điều hành đất nước.

Đáng chú ý, theo Giám đốc Viện Nghiên cứu Zeitgeist Eom Gyeong-yeong, kết quả này cho thấy ông Moon đang đánh mất sự ủng hộ của cử tri trẻ, khi chỉ 21% ủng hộ Tổng thống đương nhiệm. Theo khảo sát, nhiều cử tri không tán thành chính sách của Tổng thống về bất động sản và cách phòng chống Covid-19, trong khi chưa có giải pháp triệt để nhằm cải thiện đời sống người dân.

Ông Moon Jae-in chỉ còn một năm nhiệm kỳ và theo Hiến pháp, ông không thể tranh cử. Tuy nhiên, đảng của ông thì có. Khi ấy, ông cần cải thiện tỷ lệ ủng hộ, củng cố uy tín, tạo tiền đề cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hàn Quốc chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2022.

Điều này phần nào giải thích cho quyết định thay đổi nhân sự nội các hồi tuần trước, với sự xuất hiện của tân Thủ tướng Kim Boo-kyum và Bộ trưởng Bộ Khoa học Lim Hye-sook. Có thể thấy việc bổ nhiệm Bộ trưởng Đất đai mới dường như là động thái xoa dịu cử tri và thể hiện cam kết về thay đổi trong chính sách bất động sản, vốn đã gây tranh cãi trong xã hội Hàn Quốc vừa qua.

Ông Moon Jae-in cần cải thiện tỷ lệ ủng hộ, củng cố uy tín, tạo tiền đề cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Hàn Quốc chiến thắng cuộc trong bầu cử năm 2022.

Nắm bắt thời cơ

Chuyến thăm Mỹ cuối tuần này của Tổng thống Moon Jae-in cũng hướng tới mục tiêu tìm kiếm sự ủng hộ trong nước, với hai trọng điểm lớn.

Thứ nhất, đó là vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Moon Jae-in, Seoul đã có tiến triển nhất định trong quan hệ với Bình Nhưỡng, với ba lần gặp gỡ giữa lãnh đạo cấp cao năm 2018.

Tuy nhiên, càng về sau, các nỗ lực này không đạt kết quả như trước, đặc biệt sau khi đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Washington và Bình Nhưỡng đi vào bế tắc.

Trong khi đó, chỉ tới cuối tháng 4 vừa qua, chính quyền Tổng thống Joe Biden mới kết thúc đánh giá lại chính sách về Triều Tiên.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki ngày 30/4 khẳng định Washington sẽ không tập trung vào “mặc cả lớn” như dưới thời ông Trump hay “kiên nhẫn chiến lược” như thời ông Obama, song chưa hé lộ thông tin chi tiết. Đây là điều Hàn Quốc rất muốn biết.

Tìm kiếm giải pháp, phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên và xây dựng quan hệ Seoul – Bình Nhưỡng là cam kết mang tính chính trị và cá nhân của ông Moon. Tiến triển tích cực trong hai vấn đề này sẽ cải thiện tỷ lệ ủng hộ đảng Dân chủ Hàn Quốc cầm quyền, đồng thời, giúp ông Moon hoàn thành cam kết cải thiện quan hệ liên Triều, qua đó tạo dấu ấn cho nhiệm kỳ của mình.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi tại cuộc họp báo chung ngày 20/5. (Nguồn: Reuters)

Thứ hai, đó là câu chuyện vaccine Covid-19. Dư luận Hàn Quốc đặc biệt quan tâm với vấn đề hợp tác vaccine Covid-19 giữa Seoul và Washington. Xứ kim chi đã khởi động chiến dịch tiêm chủng từ ngày 26/2. Đến nay, có hơn 940.000 người, tương đương 1,8% dân số tiêm đủ liều vaccine; gần 774.000 người, tức 7,3% dân số được tiêm một mũi vaccine. Con số này là tương đối thấp, song rõ ràng quốc gia châu Á không thể làm gì nhiều khi nguồn cung vaccine Covid-19 thiếu hụt.

Hợp tác với Mỹ, quốc gia sản xuất và có trữ lượng vaccine Covid-19 lớn có thể là đáp án. Để có miễn dịch cộng đồng vào tháng 11, Hàn Quốc muốn thực hiện thỏa thuận hoán đổi vaccine với Mỹ. Washington sẽ cung cấp cho Seoul một lượng vaccine Covid-19 cần thiết. Đổi lại, Hàn Quốc sẽ trả Mỹ bằng vaccine sản xuất trong nước sử dụng công nghệ Mỹ hay của chính Hàn Quốc.

Seoul ẩn ý nếu được chuyển giao công nghệ và nguyên liệu, với năng lực sản xuất dược phẩm đứng thứ hai thế giới, Hàn Quốc có thể trở thành trung tâm sản xuất vaccine toàn cầu.

Đó là lý do tại sao tháp tùng Tổng thống Moon Jae-in trong chuyến thăm lần này lại có quan chức các công ty dược phẩm hàng đầu Hàn Quốc như Samsung Biologics và SK Bioscience.

Đề tài vaccine Covid-19 đã được đề cập trong cuộc gặp giữa ông Moon Jae-in và Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi và dự kiến sẽ còn xuất hiện nhiều lần trong chuyến thăm của Tổng thống Hàn Quốc.

Có qua có lại – thỏa thuận hoán đổi trên mang lại nhiều lợi ích cho Hàn Quốc, vậy Mỹ thì sao?

Theo một số nguồn tin, trong chuyến thăm này, 4 tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc là Samsung, Hyundai, SK và LG dự kiến sẽ ký các thỏa thuận đầu tư 40.000 tỷ Won (35 tỷ USD) vào Mỹ.

Đáng chú ý, trong số đó có nhiều dự án về sản xuất chất bán dẫn. Nếu được ký kết và triển khai, những dự án này sẽ ít nhiều khắc phục tình trạng thiếu vi xử lý toàn cầu đang ảnh hưởng lớn tới các ngành chế tạo điện thoại, máy tính và oto của Mỹ và Hàn Quốc.

Riêng với xứ cờ hoa, những dự án này sẽ tạo công ăn việc làm cho một bộ phận người dân thất nghiệp sau đại dịch Covid-19, đồng thời giúp Washington xây dựng chuỗi cung ứng sản phẩm chủ chốt này, tránh phụ thuộc Bắc Kinh.

Khi ấy, chuyến thăm Washington là cơ hội vàng để Tổng thống Moon Jae-in mở rộng hợp tác Mỹ-Hàn, giải quyết tình trạng khan hiếm vaccine Covid-19 tại Seoul và tìm hiểu hướng đi mới của Washington trong câu chuyện phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên.

Từ đó, ông chủ Nhà Xanh hy vọng cải thiện tỷ lệ ủng hộ, để lại di sản đáng nhớ trước khi rời nhiệm sở năm tới.