📞

Quan hệ Myanmar – Trung Quốc sắp sang trang?

09:23 | 25/08/2016
Việc bà Aung San Suu Kyi - Cố vấn Nhà nước, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Văn phòng Tổng thống Myanmar,  chọn Trung Quốc thay vì Mỹ trong chuyến công du ngoài ASEAN đầu tiên (từ 17-21/8) cho thấy ưu tiên chính sách đối ngoại hàng đầu của chính quyền Myanmar hiện nay là phát triển quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.

Đặt lợi ích quốc gia lên đầu

Việc bà Suu Kyi – nhân vật được cho là “quyền lực hơn cả Tổng thống”, chọn đến thăm Trung Quốc trước hai đối tác quan trọng là Mỹ và Ấn Độ có thể khiến nhiều người ngạc nhiên nhưng hoàn toàn là điều dễ hiểu.

Một số người nhận định rằng, trước đây, Trung Quốc có ảnh hưởng khá lớn ở Myanmar. Sau khi Liên minh Dân chủ toàn quốc Myanmar giành thắng lợi trên chính trường, được Mỹ và các nước phương Tây ủng hộ trong tiến trình dân chủ, vai trò và tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ở đây dường như đã bị suy yếu đáng kể.

Tuy nhiên, lựa chọn Trung Quốc của bà Suu Kyi lại là một điều hoàn toàn có thể hiểu được, bởi vấn đề lợi ích luôn được đặt lên cao nhất trong quan hệ giữa các nước. “Trên thế giới này, không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia mới là vĩnh viễn”.

Trong khi đó, Trung Quốc cũng đặt ưu tiên hàng đầu cho việc nối lại quan hệ đối tác thân thiết với Myanmar. Chính vì thế, Bắc Kinh đã trải thảm đỏ đón bà Suu Kyi với nghi thức đón tiếp trọng thị không khác gì việc đón tiếp các nguyên thủ quốc gia.

Hướng ngoại để đối nội

Bà Suu Kyi đến Bắc Kinh với mục đích cao nhất là tìm kiếm sự giúp đỡ quan trọng của Trung Quốc cho tiến trình hòa giải dân tộc. Chính quyền mới ở Myanmar đặt quyết tâm cao cho mục tiêu ổn định chính trị - xã hội để từ đó hướng đất nước theo con đường phát triển bền vững, lâu dài. Hội nghị hòa bình dự kiến diễn ra vào ngày 31/8 tới tại Panglong với các đại diện của lực lượng phiến quân là bước đi mạnh mẽ đầu tiên trong chính sách tìm kiếm hòa bình của Chính phủ Myanmar.

Bà Aung San Suu Kyi gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ngày 19/8. (Nguồn: AP).

Trung Quốc sở dĩ có ảnh hưởng lớn trong tiến trình tìm kiếm hòa bình của Myanmar là vì hai nhóm phiến quân chính – người Kachin và người Wa, đều có gốc gác từ Trung Quốc và được cho là có hậu thuẫn từ Trung Quốc. Vì vậy, sự tham gia của Trung Quốc sẽ giúp cho hội nghị hòa bình Panglong thành công. Trong cuộc gặp với bà Suu Kyi, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cam kết sẽ “phát huy vai trò xây dựng” trong tiến trình hòa giải dân tộc ở Myanmar, đảm bảo cho “Hội nghị Panglong thế kỷ 21” về hòa giải dân tộc ở Myanmar sắp diễn ra đạt kết quả tích cực.

Cần tiền để khôi phục kinh tế

Ngoài mục tiêu hòa giải dân tộc, bà Suu Kyi còn đến Trung Quốc vì mục đích kinh tế. Chính quyền Myamar đang rất cần nguồn tài chính để khôi phục kinh tế và Trung Quốc là sự lựa chọn hàng đầu của họ bởi hai nước vốn có sẵn mối quan hệ kinh tế - thương mại truyền thống.

Tuy nhiên, Myanmar sẽ không thể có được một mối quan hệ dễ dàng với Trung Quốc nếu không chấp nhận những sự đánh đổi nhất định. Nhiều người lo ngại, bà Suu Kyi có thể phải chấp nhận thỏa hiệp trong dự án thủy điện Myitsone để có được sự ủng hộ của Bắc Kinh. Dự án trị giá 3,6 tỷ USD này bị đình chỉ từ năm 2011 do những lo ngại về ảnh hưởng môi trường quá lớn.

Trong cuộc gặp với các quan chức Trung Quốc, bà Suu Kyi đã hứa tìm ra giải pháp dung hòa lợi ích của cả hai bên. Nếu chấp nhận cho Trung Quốc khởi động lại dự án thủy điện Myitsone, bà Suu Kyi sẽ mất lượng lớn người ủng hộ bởi bà từng là một tiếng nói phản đối mạnh mẽ dự án đó. Tuy nhiên, khả năng cao là bà Suu Kyi sẽ tìm cách “đền bù” cho Trung Quốc theo cách khác thay vì khởi động lại dự án thủy điện gây tranh cãi đó.

Mỹ sợ “cốc mò cò xơi”

Trung Quốc vốn coi Myanmar là một đối tác cực kỳ quan trọng của họ. Kết thân được với Myanmar, Trung Quốc sẽ hạn chế được chính sách xoay trục, tăng cường sự hiện diện ở châu Á của Mỹ, đồng thời có thể tranh thủ thêm sự ủng hộ trong vấn đề Biển Đông.

Hợp tác với Myanmar cũng giúp Trung Quốc giữ ổn định vành đai an ninh và đẩy mạnh phát triển kinh tế ở khu vực phía Nam giáp biên giới với Myanmar, đảm bảo quyền lợi cho cộng đồng người Hoa cũng như các nhà đầu tư Trung Quốc ở Myanmar. Trung Quốc còn xem Myanmar là một lá bài địa chiến lược quan trọng giúp Trung Quốc hướng ra Ấn Độ Dương, rút ngắn quãng đường vận chuyển dầu khí từ Trung Đông.

Chuyến thăm của bà Suu Kyi đến Trung Quốc đã khiến Mỹ thực sự lo ngại. Việc Washington nỗ lực xây dựng một chính quyền dân chủ ở Myanmar, đưa đồng minh Suu Kyi lên cầm quyền vốn được xem là một trong những thắng lợi quan trọng trong chính sách châu Á của Mỹ. Vậy mà giờ đây, thắng lợi này có thể sẽ bị đánh mất vào tay Trung Quốc. Bắc Kinh coi lựa chọn của bà Suu Kyi là thắng lợi ngoại giao bước đầu của họ trong con đường giành giật lại Myanmar.

Tuy nhiên, con đường mà bà Suu Kyi chọn cho Myanmar là trung lập. Vì thế, bà được cho là sẽ phát triển quan hệ hợp tác với cả Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ và dùng các mối quan hệ này để làm đối trọng giúp Myanmar đạt được lợi ích cao nhất có thể.