Nhỏ Bình thường Lớn

Quan hệ Nga - Mỹ: Hy vọng đột phá

Nga - NATO ngày 27/6 đã chính thức nối lại đối thoại chính trị và hợp tác quân sự lần đầu tiên sau 10 tháng gián đoạn vì cuộc chiến ở Nam Ossetia, tại cuộc họp Hội đồng Nga-NATO, nhóm họp tại đảo Corfu (Hy Lạp). Hai ngày sau đó, quân đội Nga tiến hành tập trận “Kazkav 2009” gần lãnh thổ Gruzia. Còn trước đó, tháng 5, NATO đã có cuộc tập trận rầm rộ tại đây kéo dài cả tháng.
Tổng thống Nga Medvedev và Tổng thống Mỹ Obama trong cuộc gặp tại London (ngày 1/4/2009)

Ẩn sau mối quan hệ căng thẳng giữa Nga - NATO vẫn là cuộc tranh giành ảnh hưởng Nga -Mỹ. Không chỉ liên quan đến vấn đề mở rộng NATO, kế hoạch xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ dự định triển khai tại Ba Lan, Czech cũng là chủ đề gây tranh cãi trong quan hệ Nga – Mỹ. Hệ thống phòng thủ tên lửa (NMD) tốn kém ở Đông Âu mà Mỹ ra sức tiến hành, bất chấp sự phản đối của Mátxcơva bấy lâu nay luôn là chủ đề khiến cho quan hệ hai bên chưa thể ấm êm. Các quốc gia vốn trước đây vẫn trong khu vực chịu ảnh hưởng của Nga như Ukraine, Gruzia đã thành các điểm nóng vì chính là nơi diễn ra xung đột lợi ích giữa Nga với các nước phương Tây, trong đó Mỹ thể hiện rõ nhất.

Sau nhiều thăng trầm, hết căng thẳng đến hòa dịu thời gian gần đây, quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây dường như chưa bao giờ thực sự suôn sẻ. Quan hệ Nga – NATO cũng không khả quan hơn, hai bên luôn trong tình trạng dè chừng lẫn nhau, nếu không nói là thường xuyên trong trạng thái căng thẳng. Ngay sự tồn tại của NATO cũng chính là một di sản của Chiến tranh Lạnh khi nó vốn là tổ chức được lập ra để bảo vệ an ninh của các nước Tây Âu, trực tiếp đối chọi với khối Hiệp ước quân sự Varsava của các nước Liên Xô và Đông Âu trước đây.

Sau cuộc xung đột vũ trang ở Gruzia tháng 8/2008, NATO đã đơn phương chấm dứt hoạt động của Hội đồng Nga - NATO. Cuối tháng 4, Nga ra lệnh trục xuất hai nhà ngoại giao Canada (nước thành viên NATO) để trả đũa NATO trước đó trục xuất hai nhà ngoại giao Nga. Sau đó, Ngoại trưởng Nga Lavrov tuyên bố không tham gia cuộc gặp cấp Bộ trưởng Ngoại giao Hội đồng Nga - NATO, khiến cho cuộc họp dự kiến diễn ra ngày 19/5 tại Brussels bị đổ vỡ. Cùng lúc, cuộc tập trận gần một tháng mà NATO tiến hành tại Gruzia bị Nga chỉ trích là có tính chất gây hấn không có lợi cho an ninh châu Âu, làm gia tăng thêm căng thẳng giữa hai bên.

Trong diễn biến khác, Nga rất bất bình khi ngày 23/6, Kyrgyzstan thông báo đã ký thỏa thuận với Mỹ cho phép Mỹ tiếp tục sử dụng căn cứ không quân như một “trung tâm quá cảnh” để vận chuyển hàng hóa quân sự không gây chết người tới Afghanistan. Thỏa thuận này trái hẳn với quyết định trước đó - ra lệnh đóng cửa căn cứ Manas - của Kyrgyzstan mà Tổng thống Kyrgyzstan thông báo vào tháng Hai khi thăm Mátxcơva.

Trong một phát biểu gần đây ông Lavrov khẳng định: “Nga sẵn sàng tiến hành phân tích bất kỳ mối đe dọa tên lửa chung nào không riêng gì với nước Mỹ mà là trách nhiệm với cả châu Âu” và “Cần vượt qua những ý tưởng đơn phương, cùng nhau thảo luận các phương án nhằm cố gắng đưa ra cách hiểu chung về vấn đề này cũng như các biện pháp áp dụng để vô hiệu hóa những mối đe dọa ấy; tất nhiên bao gồm cả những biện pháp ngoại giao chính trị, kỹ thuật”. Không phải ngẫu nhiên mà ông Lavrov nhấn mạnh đến “một cách hiểu chung”, bởi việc xây dựng một khuôn khổ an ninh mới cho châu Âu vẫn còn là thách thức lớn chừng nào những nghi kỵ hai bên vẫn tồn tại.

Trong bối cảnh đó, mọi hy vọng đang đổ dồn vào cuộc gặp rất quan trọng sắp diễn ra giữa hai nguyên thủ Nga và Mỹ, trong khuôn khổ chuyến thăm Nga của Tổng thống Mỹ Obama, dự kiến từ ngày 6-8/7. Chương trình nghị sự của cuộc gặp thượng đỉnh này chắc chắn sẽ đề cập đến tiến trình đàm phán Nga - Mỹ về Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược mới (START-2) nhằm thay thế START-1 và cùng với nó là thái độ của Washington trước đề nghị của Kremlin về việc ngừng triển khai hệ thống NMD, như một điều kiện để thỏa thuận START-2 được ký kết. Có thể nói, trong cuộc mặc cả thẳng thắn này, việc Mỹ giải quyết vấn đề lá chắn tên lửa triển khai tại Đông Âu thế nào sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến thỏa thuận START mới.

Ngọc Hùng