Diễn biến này khiến các nhà phân tích nhận định nỗ lực đảo chiều chính sách trong quan hệ với Nga theo hướng cải thiện hơn của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ gặp nhiều khó khăn.
Đề nghị thành lập ủy ban điều tra đặc biệt nhằm vào Nga
Ngày 9/1, các nghị sĩ đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ đã kêu gọi thành lập một ủy ban độc lập để điều tra các động thái được cho là của Nga nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016. Theo đó, ủy ban này có mô hình hoạt động tương tự ủy ban điều tra vụ khủng bố 11/9/2001.
Mối quan hệ giữa Nga và chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama đang xuống cấp nghiêm trọng. (Nguồn: Getty Images) |
Quốc hội Mỹ cho biết các nghị sĩ Dân chủ đề xuất thành lập ủy ban độc lập theo “Đạo Luật Bảo vệ nền dân chủ”. Ủy ban gồm 12 thành viên đến từ cả 2 đảng này sẽ có nhiệm vụ phỏng vấn các nhân chứng, thu thập tài liệu, đưa ra các yêu cầu trình diện và thu thập chứng cứ, đánh giá về hoạt động được cho là của Nga cùng những thực thể khác nhằm tác động tới cuộc bầu cử vừa qua tại nước này. Các thành viên ủy ban nói trên sẽ không phải các nghị sĩ Quốc hội Mỹ.
Cùng ngày, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain và 2 Thượng nghị sĩ của đảng Dân chủ Ben Cardin và Robert Menendez cũng thông báo sẽ đệ trình một dự luật nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt "toàn diện" đối với Nga do các cáo buộc Moscow âm mưu can thiệp cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016.
Ngày 10/1, thêm một số thượng nghị sĩ Mỹ, trong đó có các thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã chỉ trích thái độ hoài nghi của Tổng thống đắc cử Trump về cáo buộc Điện Kremlin ra lệnh tấn công mạng và cùng công bố các biện pháp trừng phạt Nga vì can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Cụ thể, 5 nghị sĩ đảng Dân chủ và 5 nghị sĩ đảng Cộng hòa đã đưa ra các biện pháp trừng phạt mới mở rộng, trong đó có cấm thị thực và phong tỏa tài sản tài chính nhằm vào những nhân vật được cho là đã tiến hành các vụ tấn công mạng nhằm vào các văn phòng đảng Dân chủ Mỹ. Dự luật này sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt lên các hoạt động đầu tư vào phát triển các dự án hạt nhân dân sự Nga và các đường ống dẫn năng lượng Nga.
Quan hệ phức tạp và khó khăn hơn
Mối quan hệ giữa Nga và chính quyền của Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm Barack Obama xuống cấp nghiêm trọng sau khi ngày 6/1 vừa qua, các cơ quan tình báo Mỹ đã công bố bản đánh giá, trong đó nhận định rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ hồi tháng 11/2016.
Trong báo cáo giải mật dài 25 trang, giới chức tình báo Mỹ cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh thực hiện một chiến dịch nhằm vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi tháng 11/2016 với mục đích làm xói mòn niềm tin của công chúng đối với tiến trình dân chủ tại Mỹ, hậu thuẫn ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump giành chiến thắng trước bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ. Báo cáo còn nhận định rằng động thái của Moscow là một phần trong chủ trương làm xói mòn "trật tự dân chủ tự do" tại Mỹ.
Báo cáo cho hay các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) của Nga đã sử dụng các công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks, DCLeaks.com và Guccifer 2.0 để phát tán các bức thư điện tử thu thập được từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, cũng như từ các chính khách Dân chủ hàng đầu khác.
Đây là bản báo cáo tình báo đầy đủ do cộng đồng tình báo Mỹ thực hiện theo chỉ thị của Tổng thống Obama hồi đầu tháng 12/2016, ngay sau khi xuất hiện thông tin Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Cuối tháng 12/2016, chính quyền Tổng thống Obama đã siết chặt trừng phạt Moscow đồng thời trục xuất 35 nhà ngoại giao Nga, động thái làm trầm trọng thêm mối quan hệ song phương. Tuy vậy, Tổng thống Nga Putin đã quyết định không đưa ra biện pháp đáp trả tương tự như đề xuất của Bộ Ngoại giao nước này.
Ngay sau khi cơ quan tình báo Mỹ công bố bản đánh giá nhận định Nga tấn công mạng nhằm vào chiến dịch bầu cử tại Mỹ, Nga đã phủ nhận cáo buộc này đồng thời khẳng định cáo buộc của Mỹ là "vô căn cứ". Tổng thống Nga Putin coi việc Chính phủ Mỹ lôi kéo Moscow vào bầu cử tổng thống là nhằm đánh lạc hướng cử tri Mỹ.
Cũng trong ngày 6/1, Tổng thống đắc cử Trump đã có cuộc gặp "mang tính xây dựng" với các thành viên của các cơ quan tình báo Mỹ và có kế hoạch bổ nhiệm một nhóm công tác để soạn thảo kế hoạch đối phó với các cuộc tấn công mạng trong vòng 90 ngày kể từ khi ông nhậm chức vào ngày 20/1 tới. Tuy nhiên, ông Trump lại không đổ lỗi cho Nga liên quan đến vụ xâm nhập qua mạng nhằm ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.
Các cơ quan tình báo Mỹ tin rằng Cơ quan Tình báo Quân đội (GRU) của Nga đã sử dụng các công cụ trung gian như trang mạng WikiLeaks để phát tán các bức thư điện tử thu thập được từ Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ. (Nguồn: Mission Galactic Freedom) |
Trong một thông cáo đưa ra sau khi nghe báo cáo nhanh của lãnh đạo các cơ quan tình báo Mỹ, ông Trump nhấn mạnh: "Mặc dù Nga, Trung Quốc, các nước khác, các cá nhân và tổ chức bên ngoài luôn tìm cách xâm nhập cơ sở hạ tầng mạng của các cơ quan trực thuộc chính phủ, các doanh nghiệp và các tổ chức, bao gồm cả Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ, nhưng hoàn toàn không có tác động nào đến kết quả bầu cử, trong đó thực tế là không có bất cứ sự can thiệp nào đối với các máy bỏ phiếu tự động".
Bên cạnh đó, Tổng thống đắc cử Mỹ cũng từ chối coi Nga có liên quan đến việc can thiệp qua mạng vào bầu cử Mỹ và bày tỏ tin tưởng kết quả bầu cử không bị ảnh hưởng bởi tin tặc.
Tiếp đó, ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump đã lên tiếng chỉ trích những ý kiến phản đối một mối quan hệ tốt đẹp hơn với Nga. Trên trang mạng Twitter, ông Trump khẳng định một mối quan hệ tốt đẹp với Nga là điều tốt và chỉ những "kẻ khờ" mới nghĩ ngược lại. Tỷ phú địa ốc còn nhận định sau khi ông chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, Nga sẽ tôn trọng Mỹ hơn bây giờ, và hai nước có thể sẽ cùng hợp tác để giải quyết một số vấn đề lớn và cấp bách trên thế giới.
Tuy nhiên, chỉ ngay sau đó một ngày, Chánh Văn phòng Nhà trắng của chính quyền Mỹ sắp nhậm chức Reince Priebus cho biết, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã đồng ý với kết luận của cộng đồng tình báo Mỹ rằng Nga đã tiến hành tấn công mạng nhằm quấy rối cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, đồng thời cho biết "các biện pháp có thể được đưa ra" để phản ứng.
Phát biểu trên chương trình Fox News Sunday, ông Priebus cho biết ông Trump "chấp nhận thực tế rằng trong trường hợp cụ thể này, các thực thể ở Nga" đã đứng sau hành động xâm nhập vào các tổ chức và cá nhân của đảng Dân chủ. Theo ông Priebus, Tổng thống đắc cử Trump dự kiến sẽ chỉ thị cộng đồng tình báo đưa ra các đề xuất cần phải làm gì và dựa trên những đề xuất này.
Trước những diễn biến căng thẳng trong quan hệ Nga - Mỹ, hai nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hàng đầu của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đã bày tỏ hoài nghi về khả năng Nga có thể trở thành một đồng minh của Mỹ, ý tưởng mà Tổng thống đắc cử Trump theo đuổi. Trả lời chương trình "Fox News Sundays", nghị sĩ Cộng hòa Devin Nunes, chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ cho biết ông ủng hộ tình hữu nghị Mỹ-Nga nhưng không chắc điều này có khả thi hay không. Trong khi đó, phát biểu trên kênh CNN, nghị sĩ Dân chủ cấp cao nhất của Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ, ông Adam Schiff cho rằng sẽ rất tuyệt vời nếu Nga có thể trở thành đồng minh, song điều này là không thực tế.
Các nhà phân tích cũng cho rằng, việc Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 có thể khiến mối quan hệ giữa chính quyền kế tiếp của Washington và Điện Kremlin trở nên phức tạp và khó khăn hơn.