TIN LIÊN QUAN | |
Nga-Mỹ khẳng định mong muốn bình thường hóa quan hệ | |
Tổng thống Nga và Tổng thống đắc cử Mỹ lần đầu tiên điện đàm |
Mở rộng trừng phạt
Trong bối cảnh chỉ còn ít ngày nữa là Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ rời Nhà Trắng, ngày 20/12, chính quyền của ông Obama vẫn tái khẳng định cam kết duy trì trừng phạt Nga liên quan đến vấn đề Crimea bằng việc công bố các biện pháp trừng phạt tài chính mới nhằm vào các doanh nhân và doanh nghiệp Nga. Theo đó, các biện pháp trừng phạt tài chính của Mỹ sẽ được áp đặt đối với 7 chủ ngân hàng và doanh nhân Nga cũng như 8 doanh nghiệp có hoạt động ở Ukraine.
Tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ nhấn mạnh, động thái trừng phạt này cho thấy Mỹ giữ vững cam kết duy trì trừng phạt cho tới khi Nga thực thi đầy đủ các cam kết của họ trong thỏa thuận hòa bình Minsk, qua đó nêu bật việc Chính phủ Mỹ phản đối Nga sáp nhập bán đảo Crimea.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama. (Nguồn: CNN) |
Cụ thể, trong số 7 chủ ngân hàng bị Mỹ trừng phạt có 6 người là lãnh đạo ngân hàng Bank Rossiya và hai tổ chức có liên quan gồm ABR Management và Sobinbank. Trong “danh sách đen” này còn có ông Kirill Kovalchuk, cháu của Yuri Kovalchuk- một cổ đông chính của Bank Rossiya. Mỹ cấm vận Yuri Kovalchuk từ năm 2014 vì ông này là cố vấn thân cận của Tổng thống Nga Putin. Ngoài ra, Mỹ cũng cấm vận thêm một số công ty và tập đoàn của Nga vì các hoạt động ở Crimea, trong đó có hai công ty đang tham gia xây dựng cây cầu trị giá hàng tỉ USD nối giữa bán đảo Crimea và các khu vực khác của Nga.
Phản ứng lại những biện pháp trừng phạt mở rộng của Mỹ, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã tuyên bố Nga có quyền lựa chọn thời gian, địa điểm và hình thức để đáp trả các biện pháp trừng phạt của Mỹ, đồng thời cho rằng các biện pháp trừng phạt mới chống lại Nga chính là hành động thù địch do vậy Nga cũng sẽ mở rộng danh sách trừng phạt trả đũa Mỹ.
Mỹ đã ban hành các lệnh trừng phạt chống Nga bắt đầu từ tháng 3/2014 sau sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Kể từ sau đó, Mỹ và một số quốc gia phương Tây đã áp đặt một số vòng trừng phạt khác đối với Nga với cáo buộc Nga dính líu vào cuộc khủng hoảng đẫm máu ở Ukraine - cáo buộc mà Nga nhiều lần bác bỏ. Ngược lại, Nga cũng đã áp đặt các lệnh trừng phạt đáp trả chống lại EU.
Hồi tháng 9/2016, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã gia hạn lệnh trừng phạt Nga, nhắm tới các công ty đang xây dựng cây cầu nối Nga với Crimea, đồng thời liệt hàng chục cá nhân và công ty vào “danh sách đen”.
Hoài nghi về tương lai quan hệ Nga - Mỹ
Nhìn lại mối quan hệ giữa Nga và Mỹ, có thể thấy mối quan hệ này đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm. Nếu thời kỳ Tổng thống Mỹ Bill Clinton (1993-2001), Nga được coi là “đối tác chiến lược” của Mỹ thì đến thời kỳ Tổng thống Geogre W. Bush (2001-2009), Nga lại trở thành “đối thủ cạnh tranh chiến lược”, thậm chí có nguy cơ bị coi là “địch thủ tiềm tàng” (đứng hàng thứ 5/6 trong quan hệ đối ngoại của Mỹ: bạn bè, đồng minh, đối tác, đối thủ cạnh tranh, địch thủ tiềm tàng, kẻ thù).
Trong hai nhiệm kỳ Tổng thống trước của ông Vladimir Putin (từ 2000-2008), quan hệ Nga-Mỹ cũng đã không ít lần "nổi sóng". Năm 2009, khi nước Mỹ bên trong thì vấp phải cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ, bên ngoài thì gặp khó khăn trong cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq, Tổng thống Barack Obama khi mới nhậm chức đã đề nghị tái khởi động quan hệ Nga-Mỹ và được Tổng thống Nga lúc bấy giờ là D.Medvedev hưởng ứng, nhờ thế quan hệ hai nước bắt đầu ấm dần lên.
Tuy nhiên, về thực chất quan hệ này vẫn tương đối lạnh nhạt. Mỹ chỉ tiến hành một số điều chỉnh về mặt sách lược trong quan hệ với Nga mà chưa có những thay đổi căn bản về mặt chiến lược. Hai nước chưa xây dựng được lòng tin thực sự, vẫn còn tồn tại những bất đồng trong cách giải quyết các vấn đề ở Trung Đông, cũng như việc Mỹ bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu.
Chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khó có thể tạo ra bước đột phá trong quan hệ Mỹ-Nga. (Nguồn: WCS) |
Đặc biệt, quan hệ giữa hai nước bắt đầu trở nên căng thẳng kể từ khi cuộc khủng hoảng Ukraine xảy ra năm 2013. Mọi việc càng tồi tệ hơn khi Mỹ và các đồng minh phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt nặng nề chống Moscow, nhằm phản đối việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi tháng 3/2014 và cáo buộc Điện Kremlin cung cấp vũ khí cho phiến quân ly khai và can thiệp quân sự vào cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Các biện pháp này bao gồm cấm nhập cảnh vào các nước EU và Mỹ với một loạt quan chức Nga cũng như đóng băng tài sản của họ. Ngoài ra còn có các biện pháp trừng phạt trong lĩnh vực quân sự, tài chính và thương mại.
Các nhà phân tích cho rằng, trong 2 năm qua, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU đối với Nga đã nhiều lần được mở rộng và gia hạn. Do đó, việc Bộ Tài chính Mỹ vừa mở rộng thêm danh sách các biện pháp trừng phạt Nga ngày 20/12 là điều không có gì bất thường. Tuy nhiên, nó lại gây sự chú ý lớn đối với dư luận nhất là vào thời điểm này, khi mà việc rời nhiệm sở của Tổng thống Obama chỉ còn đếm từng ngày. Trong khi đó, vị Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump qua quá trình tranh cử lại cho thấy một tương lai của mối quan hệ Nga-Mỹ dường như có thể sẽ ấm lên.
Chiến thắng của ông Donald Trump đã làm nảy sinh khá nhiều tranh luận của giới phân tích xung quanh chủ đề về chính sách đối ngoại của Mỹ trong quan hệ với Nga sẽ như thế nào. Báo chí Mỹ đã từng nhận định, việc tỷ phú Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 có khả năng dẫn đến thực tế rằng các biện pháp trừng phạt Nga sẽ được dỡ bỏ, ngay cả trước lễ nhậm chức chính thức của tân Tổng thống Mỹ vào ngày 20/1/2017.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, chính sách của Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ khó có thể tạo ra bước đột phá trong quan hệ giữa Mỹ với Nga. Bởi nếu dựa vào tính cách của ông Trump thì mọi thứ trở nên rất khó đoán định.
Hơn nữa, Mỹ là một quốc gia mà ở đó hệ thống chính trị có sức mạnh hơn bất cứ cá nhân chính trị nào. Do đó, hệ thống chính trị của nước này không cho phép ông Trump thay đổi triệt để chính sách đối ngoại của Mỹ.
Mới đây, trong danh sách các ưu tiên của ông Donald Trump vừa được công bố ngày 20/12, ông cũng không hề nhắc đến yếu tố Nga. Điều này tiếp tục làm dấy lên nghi ngờ về mối quan hệ giữa ông Trump với Nga trong tương lai. Những ưu tiên hàng đầu của ông Trump trong danh sách trên lại là vạch ra kế hoạch “tiêu diệt/phá hủy” tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, an ninh mạng, tăng khả năng phòng thủ.
Tất cả những điều này đang khiến người ta hoài nghi về tương lai chính sách của Mỹ đối với Nga cũng như về một cách tiếp cận thống nhất đối với các lệnh trừng phạt mà Mỹ đã áp đặt đối với Nga trong 2 năm qua.
Đại sứ Churkin: Căng thẳng Nga-Mỹ tồi tệ nhất kể từ 1973 Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc (LHQ) Vitaly Churkin cho rằng những căng thẳng hiện nay giữa Nga với Mỹ có thể là tồi ... |
Quan hệ Nga – Mỹ sẽ ra sao dưới thời Tổng thống Mỹ kế nhiệm? Trước những động thái gây căng thẳng quan hệ Nga – Mỹ gần đây, giới quan sát đang có nhiều dự đoán về hai ứng ... |
Căng thẳng Nga - Mỹ phức tạp hóa cuộc khủng hoảng Syria Căng thẳng giữa Nga và Mỹ đang leo thang nhanh chóng sau những biến động gần đây tại Syria, tạo bầu không khí u ám ... |