Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin ký kết văn bản sau hội đàm ngày 21/3 tại Moscow. (Nguồn: Getty Images) |
“Trật tự thế giới” mới
Trước hết, đó là tuyên bố chung của hai bên về “một trật tự thế giới” mới. Sau cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, các quan chức Trung Quốc cho biết: “Họ chia sẻ quan điểm rằng, mối quan hệ này đã vượt xa phạm vi song phương, có tầm quan trọng thiết yếu với bối cảnh toàn cầu và tương lai nhân loại”.
Điện Kremlin dẫn lời ông Putin nêu rõ: “Chúng tôi đang đoàn kết, làm việc để hình thành một trật tự thế giới đa cực công bằng và dân chủ hơn. Trật tự này phải dựa trên vai trò trung tâm của Liên hợp quốc (LHQ), Hội đồng Bảo an LHQ, các mục đích, nguyên tắc của Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế”.
Trong tuyên bố chung, cả hai lên tiếng chỉ trích phương Tây phá hoại sự ổn định toàn cầu và sự hiện diện của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tại châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, ông Tập Cận Bình và ông Putin đều nhấn mạnh rằng, mối quan hệ song phương “không có bản chất đối đầu… và không nhằm chống lại các nước thứ ba”.
Như vậy, có thể thấy lãnh đạo Nga và Trung Quốc cam kết hợp tác, phản đối trật tự thế giới do Mỹ và phương Tây dẫn dắt để hướng tới một trật tự “đa cực, công bằng và dân chủ hơn”, với ít quan hệ đồng minh hơn. Nó cũng gửi đi những tín hiệu mạnh mẽ về quan hệ hợp tác giữa hai nước, với ông Tập Cận Bình khẳng định rằng việc phát triển quan hệ với Nga là “một lựa chọn chiến lược”.
Trong tuyên bố chung, hai bên nêu ra nhiều đề xuất quan trọng về hợp tác kinh tế trong giao dịch thương mại, năng lượng, thực phẩm, khoa học… Đặc biệt, Tổng thống Nga Putin cũng ủng hộ “sử dụng đồng Nhân dân tệ để thanh toán giữa Nga và các nước châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh”. Điều này không chỉ giúp Moscow thoát khỏi “vòng kìm tỏa” của các hệ thống tài chính do phương Tây dẫn dắt, mà còn củng cố mục tiêu của Bắc Kinh giúp đồng Nhân dân tệ trở nên mạnh hơn, tham gia nhiều hơn vào các vấn đề kinh tế, chính trị toàn cầu.
Mặt khác, việc khẳng định quan hệ song phương không phải một liên minh là cách Bắc Kinh “giữ khoảng cách” trong mối quan hệ với Moscow, trong bối cảnh Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục lo ngại khả năng Trung Quốc cấp vũ khí cho Nga.
Đồng thời, bà Yu Jie, nhà phân tích cấp cao về Trung Quốc tại Chương trình châu Á-Thái Bình Dương của Chatham House (Anh) cho biết, không có nhân vật cấp cao nào thuộc Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) tháp tùng ông Tập Cận Bình trong chuyến thăm Nga. Chuyên gia này nói: “Điều này có thể gửi thông điệp rằng, Bắc Kinh khó có thể ủng hộ quân sự trực tiếp cho Moscow”.
Hai vấn đề nóng
Một điểm nhấn không thể bỏ qua là câu chuyện về Ukraine và vấn đề Đài Loan. Moscow tái khẳng định tôn trọng nguyên tắc Một Trung Quốc, công nhận đảo Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc. Trong khi đó, về vấn đề Ukraine, Tổng thống Vladimir Putin cho biết, ông sẽ sẵn sàng tiếp thu đề xuất hòa bình 12 điểm trước đó của Bắc Kinh “một khi phương Tây và Kiev sẵn sàng”. Moscow cũng phản đối thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân mới đây của AUKUS.
Ngay sau đó, các quan chức chính quyền Đài Loan (Trung Quốc) đã lên tiếng chỉ trích tuyên bố này, cho rằng Moscow đã “làm theo điều Bắc Kinh mong muốn”. Theo người phát ngôn của Cơ quan tình báo quốc phòng Ukraine Andrii Yusov, ngày 20/3, chuyến thăm cho thấy Nga đang ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc.
Trên thực tế, Moscow đã nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ nguyên tắc Một Trung Quốc và tuyên bố lần này đơn thuần nhắc lại lập trường.
Trong khi đó, nhận định về thái độ của Nga với đề xuất hòa bình 12 điểm của Trung Quốc, ông Andrei Kortunov, Tổng giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, tổ chức tư vấn thân Moscow cho rằng, nước này tự coi mình là một bên tham gia mang tính xây dựng; trách nhiệm đối với các hành động quân sự là thuộc về Ukraine. Ngoài ra, theo chuyên gia Nga, Trung Quốc sẽ không có thay đổi đáng kể nào trong lập trường về vấn đề Ukraine. Trong bối cảnh đó, khi điều kiện đàm phán giữa Nga và phương Tây còn nhiều khác biệt, khả năng đạt được giải pháp chính trị giữa Moscow và Kiev để sớm kết thúc xung đột là chưa nhiều.
Về phần mình, Bắc Kinh kêu gọi minh bạch vụ rò rỉ hai đường ống Nord Stream. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cũng kêu gọi Tòa án hình sự quốc tế (ICC) đưa ra lập trường công bằng, ít lâu sau khi tòa này ra lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin. Các tuyên bố nêu trên không chỉ là hành động “có qua có lại”, mà còn thể hiện sự ủng hộ khăng khít của Bắc Kinh với Moscow, đặc biệt khi xứ bạch dương đang đối mặt áp lực lớn từ phương Tây.
Như vậy, có thể thấy chuyến thăm Moscow của Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh cam kết về mối quan hệ khăng khít với Moscow. Tuy nhiên, liệu mối quan hệ song phương “đang ở điểm cao nhất trong lịch sử” theo lời của Tổng thống Vladimir Putin có giúp Nga và Trung Quốc hỗ trợ nhau vượt qua thách thức hiệu quả hay không, vẫn còn là điều khó nói.