📞

Quan hệ Taliban với các nước vùng Vịnh: Thực tế hay thực dụng?

Hà Nam 09:43 | 09/09/2021
Với việc thành lập chính phủ mới ở Afghanistan, Taliban sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm đồng minh. Những bước đi đầu tiên hẳn sẽ là tìm kiếm quan hệ với các quốc gia vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE và Qatar.

Việc Taliban giành lại quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan, cũng như công bố thành lập chính phủ mới gồm những gương mặt kỳ cựu, từng chiến đấu nhiều năm trong lực lượng này đã tạo ra những hành động và phản ứng khác nhau từ phía các nước trên thế giới.

Chính phủ mới vừa được Taliban công bố với nhiều nhân vật chủ chốt trong chính quyền Taliban từ năm 1996. (Nguồn: AFP)

Chính quyền mới ở Afghanistan hiện đang muốn thúc đẩy nhanh chóng việc thiết lập quan hệ với các quốc gia khác, đặc biệt là với các nước Hồi giáo khác, trong đó là các quốc gia vùng Vịnh. Thế nhưng, đây không phải là điều dễ dàng.

Những bước tiến chậm rãi

Kể từ khi chính quyền tại Kabul sụp đổ vào hôm 15/8, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), những quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất tại khu vực, vẫn tỏ thái độ dè chừng trước Taliban và chưa đưa ra nhiều phát biểu công khai về các kế hoạch liệu có thiết lập quan hệ với chính quyền mới ở Afghanistan trong tương lai hay không.

Riyadh và Abu Dhabi đã hạn chế phản ứng trước sự tiếp quản của Taliban và đưa ra quan điểm rằng, họ sẽ tôn trọng sự lựa chọn của người dân Afghanistan và thúc giục Taliban đẩy mạnh an ninh và ổn định cho đất nước.

Bộ Ngoại giao Saudi Arabia chỉ đưa ra một thông cáo khẳng định: “Vương quốc Saudi Arabia luôn ủng hộ các lựa chọn do nhân dân Afghanistan đưa ra trên tinh thần tự nguyện”. Trong khi đó, UAE lại sẵn sàng cho cựu Tổng thống Ashraf Ghani và gia đình trú ẩn, sau khi ông Ghani buộc phải chạy trốn khỏi Afghanistan.

Việc Riyadh và Abu Dhabi ngần ngại với Taliban cũng khá dễ hiểu bởi quan hệ giữa hai quốc gia với lực lượng này đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng nghiêng về phần trầm hơn.

Trong quá khứ, Saudi Arabia và UAE là hai trong số bốn quốc gia duy nhất trên thế giới, bên cạnh Pakistan và Turkmenistan, công nhận tính hợp pháp của chế độ Taliban. Saudi Arabia vốn là một trong hai đồng minh quan trọng nhất của Taliban ngay từ khi mới thành lập. Những khoản hỗ trợ tài chính khổng lồ từ Riyadh đã giúp phong trào này lật đổ thành công chính quyền tại Kabul để thiết lập nên Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan (IEA) vào ngày 27/9/1996.

Tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên xuống dốc nhanh chóng trong năm 1998, sau khi Taliban từ chối yêu cầu của Saudi Arabia về việc dẫn độ Osama Bin Laden, công dân nước này và là thủ lĩnh của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Bin Laden thường xuyên kích động các phần tử đối lập chống lại Hoàng gia Saudi Arabia và đã bị tước quốc tịch từ năm 1994.

Các quốc gia vùng Vịnh sẽ không dễ gì mà sớm công nhận chính quyền mới của Taliban.

Sau cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, Saudi Arabia và UAE đồng loạt cắt đứt quan hệ với chế độ Taliban và chuyển sang hỗ trợ đắc lực cho chiến dịch can thiệp quân sự của Mỹ cùng đồng minh tại Afghanistan.

Kể từ đó tới nay, hai quốc gia có ảnh hưởng nhất vùng Vịnh này đều không duy trì bất kỳ kênh liên lạc nào với Taliban và cũng không tham gia vào các cuộc đàm phán có sự tham dự của lực lượng này tại Qatar.

Phản ứng trái ngược của Qatar

Khác với UAE và Saudi Arabia, Qatar - quốc gia từng đăng cai tổ chức nhiều vòng đàm phán giữa Taliban với Mỹ và chính quyền Kabul cũ - vẫn tiếp tục bày tỏ thái độ ôn hòa với phong trào này và hỗ trợ đắc lực cho quá trình tái thiết Afghanistan.

“Thế giới cần tôn trọng tình hình hiện tại ở Afghanistan và không nên áp dụng các biện pháp cô lập họ (tức Taliban)”, Cựu Ngoại trưởng Qatar Hamad Bin Jassim Al Thani viết trên trang Twitter cá nhân vào hôm 25/8.

Từ năm 2013, Taliban đã được cấp phép để thiết lập văn phòng đại diện duy nhất của mình tại thủ đô Doha nhằm mở đường cho các cuộc thương lượng với phía Mỹ.

Khi Taliban chiếm quyền kiểm soát thủ đô Kabul, Qatar đã nhận lời hỗ trợ phong trào này về mặt kỹ thuật và hậu cần trong quá trình vận hành sân bay quốc tế Hamid Karzai.

Doha cũng tích cực hỗ trợ Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hoàn thành chiến dịch sơ tán người dân ra khỏi Afghanistan. Ít nhất 43.000 người - tức hơn 40% trong tổng số 113.500 người được quân đội Mỹ di tản khỏi Afghanistan từ ngày 14/8 - đã quá cảnh tại Qatar.

Chính quyền nước này còn nâng cấp căn cứ quân sự Al-Udeid và một số khu căn hộ phục vụ cho giải bóng đá World Cup 2022, nhằm chuyển đổi mục đích sử dụng thành nơi tiếp nhận tạm thời người di tản. Hãng hàng không quốc gia Qatar Airways cũng điều động 10 phi cơ để đưa người di tản từ sân bay quốc tế Hamad sang các nước khác.

Việc duy trì quan hệ hữu nghị với cả Taliban và Mỹ vốn là một phần của chiến lược ngoại giao trung gian hòa giải do Doha triển khai trong nhiều thập kỷ trở lại đây.

Nhằm duy trì vị thế trung lập, ngoài Taliban, Qatar còn mở rộng quan hệ với nhiều chủ thể “gây tranh cãi” khác trong khu vực. Sự gắn kết với Iran, phong trào Huynh đệ Hồi giáo hay lực lượng Hamas là lý do chính đưa tới một loạt những căng thẳng ngoại giao giữa Doha và các nước Arab vùng Vịnh từ năm 2017 tới nay.

Triển vọng tương lai

Nhiều chuyên gia khẳng định, các nước Arab vùng Vịnh sẽ tiếp tục chờ đợi các động thái từ phía phương Tây, trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc công nhận chính quyền mới do Taliban lập nên.

Trên thực tế, chính quyền Qatar chưa bao giờ cho phép Taliban giương cờ tại cơ quan đại diện ở Doha và biểu ngữ “Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan” cũng bị cấm treo.

Qatar hiện là nơi đặt căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ tại Trung Đông, cho thấy mức độ phụ thuộc không nhỏ của Doha vào Washington. Để duy trì vị thế trung lập, Doha vẫn sẽ giữ liên lạc với Taliban, nhưng khả năng tiến xa hơn trong quan hệ giữa hai bên sẽ khó khả thi, nhất là khi Qatar vẫn còn phải chờ các động thái của Mỹ.

UAE và Saudi Arabia cũng sẽ không vội vàng trong quan hệ với chính quyền mới do Taliban lãnh đạo. Trong những năm gần đây, cả hai đều đang cố gắng thu hút thêm các nguồn đầu tư nước ngoài nhằm giảm bớt sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nguồn cung dầu mỏ.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thái tử của Saudi Arabia Mohammed bin Salman đã thực hiện nhiều chiến dịch cải cách văn hóa nhằm biến quốc gia này thành một xã hội tự do và cởi mở. Đơn cử, nước này đã dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe cũng như thu hẹp các quy định về “hệ thống giám hộ”.

Báo cáo do Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) công bố ngày 26/2/2021 cũng khẳng định, UAE đã đạt được rất nhiều thành tựu mới trong công cuộc cải cách nhằm trao thêm quyền cho phụ nữ.

Nối lại quan hệ với Taliban một cách công khai sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ tới các nỗ lực cải cách của Riyadh và Abu Dhabi.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng khẳng định, Saudi Arabia và UAE có thể sẽ sử dụng các phương thức gián tiếp để hối thúc Taliban theo đuổi chính sách tôn giáo ôn hòa.

Nền kinh tế Afghanistan hiện đang trên bờ vực sụp đổ nên quyền lực về tài chính của hai quốc gia vùng Vịnh là một công cụ hữu hiệu để ép buộc Taliban cải cách đường lối.

Giới phân tích sẽ cần thêm rất nhiều thời gian để đưa ra đánh giá về các thay đổi tiềm năng trong quan hệ giữa chính quyền tương lai tại Kabul và các quốc gia vùng Vịnh.

(theo DW/Reuters)