📞
Thận trọng & Thực dụng

Quan hệ Trung – Nga:

15:12 | 24/11/2008
Quan hệ Trung - Nga gần đây đang bị soi xét rất kỹ bởi mâu thuẫn giữa Nga và Gruzia về vấn đề Nam Ossetia. Đối với các nước phương Tây, thái độ trung lập khá thận trọng của Trung Quốc chủ yếu xuất phát từ mối quan hệ chiến lược với Nga. Nếu chỉ xem xét quan hệ Trung - Nga trong bối cảnh mâu thuẫn Nga - Gruzia về vấn đề Nam Ossetia, người ngoài cuộc có thể hiểu sai về thực trạng quan hệ này mà không có một cái nhìn thấu đáo về mức độ, tính phức tạp và sự sâu xa của nó.

“Sự lập lờ có chủ ý”

Vào sáng sớm ngày 8/8, Gruzia tấn công bao vây và chiếm đóng Tskhivali, thủ phủ của Nam Ossetia, khi mà Tổng thống Nga Medvedev đang trong kỳ nghỉ và Thủ tướng Nga Putin đang dự Thế vận hội mùa Hè ở Bắc Kinh.

Ông Putin lúc đó đã lập tức thông báo với phía Trung Quốc trong cuộc gặp với Thủ tướng Ôn Gia Bảo. Theo ông Putin, phản ứng của Trung Quốc là “không ai muốn cuộc chiến đó xảy ra”. Tổng thống Mỹ Bush cũng cùng quan điểm trên.

Trong khi đó, Trung Quốc tỏ thái độ quan ngại về căng thẳng ngày một leo thang và xung đột có vũ trang ở Nam Ossetia, thúc đẩy hai bên cần có những hành động kiềm chế, ngừng bắn ngay lập tức và giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hòa bình. Trung Quốc không công khai ủng hộ Mátxcơva một cách rõ ràng.

“Sự lập lờ có chủ ý” của Trung Quốc, nếu không nói là trung lập, về mâu thuẫn giữa Nga và Gruzia đã khiến giới truyền thông và giới học giả quan tâm. Rất nhiều người điểm lại sự khác biệt và mâu thuẫn lợi ích giữa Nga và Trung Quốc. Động thái của Bắc Kinh được coi như nỗ lực nhằm gia tăng thêm lợi ích của nước này, trong khi Nga đang phải vượt qua khoảng thời gian khủng hoảng đối với phương Tây. Vấn đề Đài Loan có lẽ là lý do chính khiến Trung Quốc không công khai ủng hộ Nga trong cuộc khủng hoảng trên.

Hầu hết các quốc gia Trung Á cũng tỏ thái độ dè dặt trong chính sách đối với Nga, bởi hiện tại có số lượng lớn người dân Nga đang sinh sống ở khu vực biên giới.

Lựa chọn đối thoại

Vào thời điểm khủng hoảng Nga – Gruzia, một số vấn đề xung quanh Trung Quốc cũng trở nên bất ổn như sự từ chức của Tổng thống Pakistan Musharraf, biểu tình bạo lực ở Thái Lan, sự rút lui đầy bất ngờ của Thủ tướng Nhật Fukuda. Do lo ngại về nỗi ám ảnh của một nền chính trị thế giới đầy bất ổn, phản ứng thận trọng của Trung Quốc là khá tự nhiên và không phải là điều bất ngờ.

Trong hầu hết trường hợp, từ khủng hoảng quốc tế (bán đảo Triều Tiên, Iran, Kashmir…) đến căng thẳng song phương (vấn đề biển Đông với các quốc gia Đông Nam Á, vấn đề vùng biển phía Đông Trung Quốc với Nhật Bản, vấn đề cắm mốc biên giới với Nga, Việt Nam, Ấn Độ…), Trung Quốc đã chọn giải pháp đối thoại và đàm phán hơn là đơn phương đối đầu.

Ngoài thái độ có thể dễ dự đoán của Trung Quốc trong việc xử lý các mâu thuẫn và tranh chấp, việc tính toán thời gian của những cuộc mâu thuẫn cũng là một vấn đề khá nan giải đối với Bắc Kinh. Trung Quốc không muốn có mâu thuẫn nào trong thời gian đăng cai Olympic, dù Nga có liên quan đến cuộc xung đột hay không.

Thận trọng và thực dụng

Một điều không kém phần quan trọng là những gì Trung Quốc làm cũng là hợp lẽ trong bối cảnh quan hệ chiến lược với Nga. Đó cũng là điều mà Nga có thể thực hiện trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan. Tức là, Nga chắc chắn sẽ giữ quan điểm trung lập, dù vẫn bày tỏ thái độ thông cảm với Trung Quốc. Hồi năm 2001, Mátxcơva cũng tỏ thái độ tương tự khi một máy bay gián điệp EP-3 đâm vào một chiếc phi cơ chiến đấu J-8II của Trung Quốc ở ngoài bờ biển của nước này, dẫn đến khủng hoảng lớn giữa Trung Quốc và Mỹ.

Hơn 30 năm qua, chính sách ngoại giao của Trung Quốc, đặc biệt là với Nga, đã ngày càng trở nên phức tạp, có sắc thái, thận trọng và lớn mạnh hơn. Hiếm khi Trung Quốc phân biệt ranh giới bạn thù một cách rạch ròi, mà thực tế là ngày càng thực dụng hơn, độc lập và theo cách tiếp cận của từng vấn đề cụ thể. Thậm chí với nước gần kề của mình là CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc vẫn có thái độ chỉ trích nếu chính sách của nước láng giềng này có thể làm mất ổn định khu vực.

Thận trọng và thực dụng có thể là một trong những nền tảng trong quan hệ chiến lược Trung – Nga, sau thời kỳ hai nước có những kiểu quan hệ rất đặc biệt như “tuần trăng mật” (vào những năm 1950), “ly thân” (những năm 1960 và 1970) giữa Bắc Kinh và Mátxcơva. Ở phương Tây có ai đó đang mong đợi hoặc nghĩ là Bắc Kinh và Mátxcơva đang tiến tới một kiểu “chia rẽ”, nhưng thực chất không phải thế.

Vĩnh Tiến (Tổng hợp từ Asia Times)