Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào thăm Ga-bông |
Với gần 20 văn kiện hợp tác liên quan đến kinh tế - thương mại, đầu tư, năng lượng, kiểm tra chất lượng, y tế, văn hóa, xây dựng cơ sở hạ tầng..., chuyến thăm được Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Dương Khiết Trì tuyên bố là “thành công rực rỡ”, đưa mối quan hệ hai bên lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, quan hệ Trung Quốc – châu Phi không hẳn là êm đẹp như những gì được mong đợi từ sau buổi “đại yến tiệc” ở Bắc Kinh hồi tháng 11/2006 khi Trung Quốc tổ chức Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi. Công nhân Trung Quốc bị bắt cóc, giết hại ở một số nước và Bắc Kinh còn bị chỉ trích đang cướp bóc các nguồn khoáng sản và năng lượng của châu lục này.
“Phong trào vì sự giải phóng châu thổ sông Niger” (MEND) ở Nigeria đã dọa các công ty Trung Quốc hãy “tránh xa” khỏi khu vực này nếu không muốn bị tấn công...
Có lẽ sự tràn ngập của hàng hóa Trung Quốc giá rẻ đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng cho các nhà sản xuất của châu Phi. Nhưng sâu xa hơn, theo tờ Asia Sentinel (Hong Kong), chính sách “Một châu Phi” ban đầu của Bắc Kinh đã sai lầm vì không hiểu được rằng châu Phi là một trong những khu vực phức tạp nhất thế giới. Ngược lại, trong khi Trung Quốc ít nhất cũng có một chính sách về châu Phi thì các quốc gia châu Phi lại không có một chính sách về Trung Quốc. Hiệp định “Đối tác mới vì sự phát triển châu Phi” (NEPAD) của Liên minh châu Phi cũng không đủ để đối phó với xu hướng quan hệ ngày càng xấu đi kể trên. Ngoài ra, vấn đề đau đầu Darfur dường như không thuyên giảm dù Trung Quốc đã tiếp cận tích cực hơn với nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của LHQ tại khu vực.
Rõ ràng, Trung Quốc cần đến cả những nước “nghèo tài nguyên” như các điểm đến ở châu Phi lần này, để ít nhất là đa dạng hóa thị trường xuất khẩu trong khi nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ. Đấy là chưa kể dù đông dân gấp đôi lục địa này, nhưng Trung Quốc cũng chỉ có một phiếu bầu tại LHQ, so với 50 phiếu của khu vực. Chuyến công du do vậy có thể đáp ứng mục tiêu “thăm càng nhiều nước càng tốt”. Còn về phía châu Phi, họ không thể bỏ qua cơ hội phát triển quan hệ với một nước “tầm cỡ” như Trung Quốc.
Mai Anh