📞

Quan hệ Việt Nam - Ấn Độ ngày càng gắn bó và tin cậy

15:26 | 17/07/2012
Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (1972 – 2012) và 5 năm ngày thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn (2007 – 2012), ngày 17/7/2012 tại Khách sạn Melia, Hà Nội, Học viện Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Ấn Độ tại Hà Nội tổ chức cuộc Hội thảo “Quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Ấn Độ: Những định hướng tương lai”.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại Hội thảo

Cuộc Hội thảo là một hoạt động quan trọng trong năm hữu nghị Việt Nam - Ấn Độ (2012) đã được lãnh đạo cấp cao hai nước thống nhất nhân chuyến thăm chính thức Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tháng 10/2011.

Tham dự hội thảo, về phía Việt Nam, có Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc, Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam Đặng Đình Quý và nhiều cán bộ, học giả, nhà nghiên cứu của các Bộ, ngành và các viện nghiên cứu tại Hà Nội.

Về phía Ấn Độ, có ngài Ranjit Rae, Đại sứ Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam, 3 chuyên gia hàng đầu của Hội đồng các vấn đề quốc tế của Ấn Độ (IWCA) và đại diện một số doanh nghiệp Ấn Độ tại Việt Nam. Hội thảo cũng có sự tham dự của một số khách mời và đại diện một số Đại sứ quán nước ngoài tại Hà Nội.

Qua 5 phiên thảo luận với 14 tham luận và nhiều ý kiến trao đổi, các đại biểu tham dự Hội thảo đều khẳng định quan hệ Việt - Ấn là mối quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng J. Nehru dày công vun đắp. 40 năm qua, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Ấn Độ luôn là một người bạn tin cậy, thủy chung của nhân dân Việt Nam, luôn sẵn lòng ủng hộ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam trước đây cũng như trong sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước hiện nay.

Trong giai đoạn hiện nay, quan hệ Việt - Ấn lại càng trở nên gắn bó và tin cậy, đặc biệt kể từ sau khi lãnh đạo hai nước ký Tuyên bố chung chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn năm 2007. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, ký kết và triển khai có hiệu quả nhiều thỏa thuận, văn kiện hợp tác song phương và phối hợp tốt trên các diễn đàn quốc tế và khu vực.

Các cơ chế hợp tác như Ủy ban liên chính phủ Việt - Ấn về khoa học-kỹ thuật và văn hóa-giáo dục, cơ chế tham khảo chính trị, cơ chế đối thoại chiến lược giữa hai Bộ Ngoại giao… đã và đang phát huy tác dụng, góp phần tăng cường hơn nữa sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau cũng như góp phần đưa các dự án hợp tác giữa hai nước đi vào chiều sâu.

Quan hệ Việt - Ấn trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng trong những năm qua không ngừng được củng cố và phát triển. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn các cấp, duy trì cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác về huấn luyện đào tạo, hợp tác về hải quân và trong lĩnh vực công nghiệp quốc phòng…

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư Việt - Ấn đã phát triển rất nhanh chóng. Năm 2011, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Ấn đã đạt 3,9 tỷ USD, tăng gấp gần 4 lần so với 5 năm trước. Trong 6 tháng đầu năm 2012, tổng kim ngạch thương mại song phương đạt 1,89 tỷ USD. Trao đổi thương mại Việt - Ấn đã có khuôn khổ pháp lý ổn định. Ấn Độ đã công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Một loạt hiệp định hợp tác được ký kết đã tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư… phát triển mạnh mẽ.

Hợp tác công nghiệp thời gian qua đã có nhiều bước phát triển quan trọng, nhất là trong các lĩnh vực như dầu khí, năng lượng, hóa chất, công nghiệp thép… Nhiều dự án hợp tác đầu tư đã được thiết lập như Tổng Công ty dầu khí quốc gia Ấn Độ (ONGC) có dự án liên doanh thăm dò dầu khí với PetroViệt Nam, dự án thành lập liên doanh giữa Tổng công ty Thép Việt Nam và Tập đoàn Cao su Việt Nam với tập đoàn thép Tata đầu tư Nhà máy Liên hợp thép tại Hà Tĩnh…

Ấn Độ là đối tác có tiềm năng to lớn trên nhiều lĩnh vực như công nghệ thông tin, sinh học, nano, sinh học phân tử, công nghệ vũ trụ… Quan hệ hợp tác giữa hai nước về KHCN đã được tiến hành từ rất sớm (1978), thông qua việc ký kết các hiệp định hợp tác về KHCN giữa hai chính phủ. Tiểu ban hợp tác KHCN Việt - Ấn đến nay đã họp được 8 khóa và triển khai được 13 dự án hợp tác nghiên cứu chung thuộc các lĩnh vực công nghệ thông tin, nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp, viễn thám, bảo vệ môi trường… Ấn Độ cũng đã giúp Việt Nam đào tạo được nhiều chuyên gia và cán bộ nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng nguyên tử, đào tạo nguồn nhân lực về công nghệ thông tin...

Cũng tại Hội thảo, nhiều đề xuất, kiến nghị đã được đưa ra nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn trong thời gian tới như tăng cường giao lưu, trao đổi đoàn các cấp, nhất là các chuyến thăm cấp cao và trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu giữa các cơ quan, viện nghiên cứu hai nước, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý chung giữa hai nước, sớm thành lập Ủy ban thương mại hỗn hợp, hợp tác tiến hành xây dựng công viên KHCN tại Việt Nam, khai thác triệt để các trung tâm về công nghệ cao đã được xây dựng tại Việt Nam như Trung tâm siêu máy tính Pa-ram... Bên cạnh các nội dung song phương, Hội thảo cũng trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế và khu vực, đặc biệt là cấu trúc an ninh đang nổi lên ở châu Á – Thái Bình Dương.

Với quan hệ chính trị vô cùng tốt đẹp, với tình hữu nghị truyền thống gắn bó trong 40 năm qua và với tiềm năng hợp tác to lớn, mối quan hệ hữu nghị truyền thống và quan hệ đối tác chiến lược Việt - Ấn vẫn còn rất nhiều tiềm năng to lớn để phát triển và sẽ tiếp tục phát triển tốt đẹp trong thời gian tới.Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh có thể rút ra bốn bài học chính trong chặng đường phát triển quan hệ hai nước.

Thứ nhất, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn luôn khẳng định ưu tiên phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện với Ấn Độ là chính sách nhất quán của Chính phủ và nhân dân Việt Nam. Về phần mình, Chính phủ Ấn Độ luôn coi trọng Việt Nam là trụ cột trong Chính sách Hướng Đông; phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác toàn diện với Việt Nam cũng là chính sách của tất cả các chính đảng tại Ấn Độ. Hai nước cùng chung nhiều điểm đồng và hợp tác chặt chẽ trên các diễn đàn khu vực và quốc tế.

Thứ hai, Ấn Độ luôn là người bạn tin cậy, gần gũi và gắn bó của nhân dân Việt Nam. Chính phủ và nhân dân Ấn Độ đã luôn luôn góp phần giúp đỡ Việt Nam về chính trị, kinh tế-thương mại, giáo dục-đào tạo, giúp Việt Nam vượt qua các giai đoạn đầy khó khăn, thử thách trong quá trình phát triển đi lên của mình, trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm, khôi phục và tái thiết đất nước trước đây cũng như sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, xây dựng và phát triển đất nước hiện nay. Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn trân trọng, cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ quý báu đó của Chính phủ và nhân dân Ấn Độ.

Ba là, Ấn Độ luôn là nước tiên phong, giúp đỡ chí tình Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực, chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của Ấn Độ trong các lĩnh vực kinh tế, quốc phòng – an ninh cho Việt Nam thông qua các khóa học, các trung tâm đào tạo và các dự án kinh tế của Ấn Độ tại Việt Nam.

Bốn là, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, quốc phòng - an ninh. Những dự án đầu tư, liên kết, liên doanh giữa hai nước, những dự án ODA của Ấn Độ giành cho Việt Nam trong 40 năm qua luôn mang lại những kết quả thiết thực, cụ thể, đầy hiệu quả và hai bên cùng có lợi.

Trên nền tảng những bài học nêu trên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những vấn đề hợp tác sắp tới nhằm củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ đối tác chiến lược, toàn diện giữa Việt Nam và Ấn Độ cần theo năm định hướng:

Một là, hai bên tiếp tục trau dồi và tăng cường hơn nữa quan hệ truyền thống hữu nghị, hợp tác tin cậy tốt đẹp sẵn có giữa hai nước; định kỳ thường xuyên trao đổi các cuộc thăm viếng, tiếp xúc cấp cao, giữa các Bộ, ngành, địa phương và giao lưu nhân dân; phát huy triệt để các cơ chế hợp tác mới về chính trị, kinh tế và an ninh-quốc phòng.

Hai là, hai bên cần tiếp tục hợp tác và phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế nhằm thực hiện nghiêm túc các thỏa thuận khu vực và quốc tế, đặc biệt về vấn đề Biển Đông, trên cơ sở nhận định và đánh giá của lãnh đạo cấp cao Ấn Độ là Việt Nam có vai trò quan trọng, là trụ cột trong chính sách hướng Đông của Ấn Độ, góp phần giúp đỡ Việt Nam bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Ba là, làm sâu sắc và hiện thực hóa trên thực tế mọi lĩnh vực; làm rõ và mở rộng nội hàm của mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước dựa trên 5 trụ cột then chốt là chính trị, quốc phòng-an ninh, kinh tế-thương mại, văn hóa và đào tạo nguồn nhân lực trên cơ sở các thỏa thuận cấp cao đã đạt được trong chuyến thăm Ấn Độ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (10/2011) và của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (4/2012).

Thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư, thực hiện hiệu quả các Hiệp định/thỏa thuận hợp tác, các dự án đầu tư, liên kết đã ký kết, giúp đỡ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa quốc phòng và an ninh.

Bốn là, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ cao trong mọi ngành kinh tế, quốc phòng-an ninh có tầm quan trọng hết sức đặc biệt. Hai bên cần thực hiện triệt để nội dung 9 văn kiện hợp tác về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, hải dương học và thay đổi khí hậu, Ấn Độ học, Việt Nam học, trao đổi sinh viên, trao đổi giảng viên, đào tạo chuyên gia an ninh mạng và thực hiện 5 dự án nghiên cứu chung trong các lĩnh vực công nghệ sinh học, công nghệ thông tin và viễn thông, công nghệ nano, hải dương học, khuyến khích các doanh nghiệp Ấn Độ đầu tư vào các khu công nghệ cao tại Việt Nam; hỗ trợ Việt Nam ứng dụng công nghệ viễn thám vào nông-lâm- ngư nghiệp .v.v... vừa được ký kết trong chuyến thăm Ấn Độ của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (4/2012).

Năm là, khai thác triệt để các Trung tâm về lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ tiên tiến đã được xây dựng như Trung tâm Phát triển Nguồn nhân lực cao về công nghệ thông tin tại Hà Nội (ARC-ICT), Trung tâm Siêu máy tính Pa-ram, Trung tâm tiếng Anh tại Đà Nẵng, Trung tâm Đào tạo Năng lượng Hạt nhân Việt Nam – Ấn Độ tại Đà Lạt. Triển khai hoàn thành các Trung tâm đã được thỏa thuận như Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo công nghệ thông tin chất lượng cao ở Việt Nam mang tên Bangalore, Trung tâm tiếng Anh tại Học viện Ngoại giao (Hà Nội), Trung tâm “Dữ liệu và Trạm dò tìm và tiếp nhận dữ liệu vệ tinh”, Trung tâm “khôi phục dữ liệu, chứng cứ tội phạm mang tên Indira Grandhi” (TP.HCM-Bộ Công an) trong thời gian tới.

TGVN