📞

Quan hệ Việt Nam-Brunei: Động lực mới cho những mục tiêu mới

Hà Phương 09:04 | 28/02/2022
Nhân dịp kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Burnei (29/2/1992-28/2/2022), Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Văn Khoa đã trả lời Báo TG&VN về những điểm nhấn quan trọng cũng như định hướng trong quan hệ song phương.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khội kiến Quốc vương Brunei Darussalam Sultan Haji Hassanal Bolkiah trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam từ ngày 26-28/3/2019. (Nguồn: Chinhphu.vn)

Xin Đại sứ cho biết những điểm nhấn nổi bật của quan hệ Việt Nam-Brunei trong thời gian vừa qua, đặc biệt từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện năm 2019?

Năm 2019 đánh dấu bước phát triển quan trọng trong quan hệ Việt Nam-Brunei khi lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cấp quan hệ lên Đối tác toàn diện nhân chuyến thăm cấp nhà nước của Quốc vương Brunei Sultan Haji Hassanal Bolkiah đến Việt Nam vào tháng 3/2019.

Kể từ đó, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Brunei đã có nhiều bước phát triển trên các trụ cột chính là chính trị - an ninh, thương mại - đầu tư và ngoại giao nhân dân.

Về chính trị, trong hai năm qua, tiếp xúc cấp cao giữa hai nước được duy trì thường xuyên, thông qua nhiều hình thức như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hội kiến Quốc vương Brunei bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN đặc biệt tại Jakarta tháng 4/2021; Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hội đàm trực tuyến với Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Brunei tháng 6/2021; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn điện đàm với Bộ trưởng Ngoại giao Dato Erywan tháng 4/2021; và trước đó là chuyến thăm chính thức của Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an Việt Nam tới Brunei vào tháng 2/2020.

Tại các cuộc trao đổi, lãnh đạo hai nước luôn đánh giá cao quan hệ hữu nghị, hợp tác tốt đẹp giữa hai nước, tin tưởng khuôn khổ quan hệ Đối tác toàn diện sẽ góp phần tạo động lực thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác ngày càng được củng cố và phát triển sâu rộng.

Về thương mại - đầu tư, kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 250 triệu USD trong hai năm 2020 và 2021. Trước những khó khăn, thách thức của đại dịch, giao thương hàng hóa giữa hai bên vẫn tiếp tục được duy trì và thúc đẩy, thể hiện tính bổ trợ hàng hóa của thị trường hai nước.

Hiện có 2 dự án lớn của doanh nghiệp Việt Nam đang triển khai tại Brunei. Dự án xây dựng nhà máy phân bón BFI tại Brunei do Tổng công ty LILAMA Việt Nam thi công phần thiết kế và lắp đặt máy móc bắt đầu từ năm 2018, đã hoàn thành thi công, dự án đi vào hoạt động vào tháng 10/2021. Hiện LILAMA đang triển khai một số gói thầu phụ như vận hành, bảo trì sau khi chuyển giao, dự kiến hoàn thành toàn bộ dự án vào đầu tháng 3 năm nay. Đây là dự án trọng điểm, góp phần thực hiện mục tiêu đa dạng hóa nền kinh tế trong chiến lược Tầm nhìn 2035 của Chính phủ Brunei.

Việc doanh nghiệp Việt Nam tham gia xây dựng dự án và nhà máy được hoàn thành đi vào hoạt động đúng vào dịp hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao là một dấu mốc đẹp trong lịch sử quan hệ ngoại giao hai nước.

Dự án tiếp theo là do PV Drilling Brunei, chi nhánh của Tổng công ty cổ phần Khoan và dịch vụ khoan dầu khí, thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Petro Vietnam khởi động, hợp tác với Brunei Shell Petroleum (BSP). Theo đó, từ tháng 10/2021, PV Drilling cung cấp giàn khoan tiếp trợ nửa nổi nửa chìm TAD cho BSP với thời hạn ít nhất là 6 năm.

Về ngoại giao nhân dân và công tác bảo hộ công dân, hai năm qua, đại dịch Covid-19 mang đến những trải nghiệm chưa từng có tiền lệ.

Công dân Việt Nam tại Brunei bị mắc kẹt do ảnh hưởng của lệnh đóng cửa biên giới. Chính phủ Brunei đã tích cực hỗ trợ bà con ta trong việc tạo điều kiện làm các giấy tờ pháp lý để ở lại trong thời gian chờ các chuyến bay về nước. Đại sứ quán luôn nhận được sự hỗ trợ nhiệt tình và chu đáo từ các đối tác sở tại trong công tác ngoại giao nhân dân và bảo hộ công dân ta.

Đại sứ Việt Nam tại Brunei Trần Văn Khoa. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Brunei)

Nhân dịp kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Đại sứ quán có những kế hoạch cụ thể nào, thưa Đại sứ?

Như đã được nhất trí về mặt chủ trương, một trong những trọng tâm hợp tác quan trọng nhất cần triển khai là việc sớm tổ chức Kỳ họp lần 2 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác song phương cấp Bộ trưởng Ngoại giao bằng hình thức trực tiếp tại Brunei vào khoảng nửa cuối năm nay.

Nhân dịp này, hai bên sẽ thúc đẩy và tiến tới ký kết Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện trong 5 năm tới; tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác sâu rộng, nhất là trên các lĩnh vực đã triển khai như năng lượng, nông nghiệp, giáo dục và tiếp tục khai thác các lĩnh vực tiềm năng khác như nuôi trồng, chế biến thủy sản, thực phẩm Hồi giáo Halal, xây dựng cơ sở hạ tầng và hợp tác biển.

Để tạo dấu ấn kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao trong năm nay, Đại sứ quán dự kiến tổ chức chuỗi các sự kiện ngoại giao kinh tế và văn hóa-xã hội, đặc biệt xoay quanh thời gian đón đoàn làm việc của Bộ trưởng Ngoại giao ta, với trọng tâm là Triển lãm Thương mại và Văn hóa Việt Nam-Brunei 2022.

Đây là sự kiện Đại sứ quán đã bắt đầu triển khai kế hoạch nhằm hợp tác với doanh nghiệp đối tác sở tại và xúc tiến mời doanh nghiệp trong nước sang tham gia nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước được trao đổi, tìm hiểu cơ hội đầu tư tại thị trường của nhau.

Ngoài ra, Đại sứ quán sẽ kết hợp tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa – thanh niên, với sự tham dự của các sinh viên Brunei từng sang Việt Nam học và thực tập tại Trung tâm hợp tác đào tạo FPT-UBD tại Đà Nẵng của trường Đại học Quốc gia UBD Brunei. Nhiều sinh viên Brunei đã chia sẻ rất ấn tượng về cảm nhận gắn bó đối với đất nước và con người Việt Nam và bày tỏ sẵn sàng được tham gia vào các sự kiện quảng bá văn hóa do Đại sứ quán tổ chức.

Với những nền tảng vững chắc trong quan hệ song phương như vậy, Đại sứ đánh giá như thế nào về triển vọng hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới?

Với việc tiến tới xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện trong năm năm tới, quan hệ hợp tác Việt Nam và Brunei sẽ có khuôn khổ mới, động lực mới để tăng cường mở rộng, phát triển.

Các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao sẽ sớm được nối lại, sau hai năm ảnh hưởng của dịch bệnh, tạo điều kiện cho hai bên duy trì trao đổi thường xuyên, tăng cường tin cậy và hiểu biết lẫn nhau. Bộ Ngoại giao Việt Nam đã đề xuất và hai bên nhất trí nghiên cứu sớm thiết lập cơ chế Tham khảo chính trị giữa hai Bộ Ngoại giao và ký MoU hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao.

Với việc tiến tới xây dựng Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác toàn diện trong năm năm tới, quan hệ hợp tác Việt Nam và Brunei sẽ có khuôn khổ mới, động lực mới để tăng cường mở rộng, phát triển.

Hai bên có nhiều lĩnh vực hợp tác kinh tế, thương mại tiềm năng cần được quan tâm thúc đẩy, tương xứng với quan hệ ngày càng gắn bó, phát triển giữa hai nước.

Một số nội dung triển vọng cụ thể gồm: sớm đưa kim ngạch thương mại hai chiều lên 500 triệu USD, tăng cường tạo điều kiện cho doanh nghiệp hai nước gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác nhằm đa dạng hóa nguồn cung và sản phẩm xuất nhập khẩu của hai nước; hỗ trợ doanh nghiệp hai bên liên kết, liên doanh để cùng tham gia vào chuỗi cung ứng hàng hóa, thực phẩm Halal toàn cầu.

Gần đây, Chính phủ Brunei quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực như sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản, xây dựng, phát triển hạ tầng nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, giảm phụ thuộc vào dầu mỏ. Đây chính là những lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Việt Nam. Thành công của dự án do LILAMA thực hiện và một số dự án xây dựng nhỏ lẻ do đối tác Việt Nam triển khai tại Brunei, chính là động lực để thu hút thêm nhà đầu tư Việt Nam vào Brunei để tìm hiểu và khai thác thị trường.

Về đa phương, Brunei và Việt Nam là những đối tác gần gũi, thường xuyên tích cực ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn đa phương mà hai nước là thành viên như ASEAN, Liên hợp quốc... và các khuôn khổ hợp tác liên quan.

Trong hai năm 2020 và 2021, Việt Nam và Brunei đã lần lượt đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN. Hai bên tích cực ủng hộ sáng kiến của nhau, cùng đóng góp trong xây dựng Cộng đồng ASEAN, củng cố vai trò trung tâm của ASEAN ở khu vực, ủng hộ lẫn nhau trong nỗ lực phòng chống dịch bệnh và hợp tác trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế khu vực.

Thời gian tới, hai bên sẽ duy trì triển khai các biện pháp trao đổi kinh nghiệm, phối hợp lập trường trên các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc ứng phó với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, thúc đẩy đàm phán đẻ đạt được Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất và phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!