📞

Quan hệ Việt Nam-Đức đang phát triển cả bề rộng và chiều sâu

Nguyễn Minh Vũ 13:00 | 23/09/2020
TGVN. Sau Tuyên bố Hà Nội năm 2011, quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam-Đức được thúc đẩy cả về bề rộng và chiều sâu.
Đại sứ Nguyễn Minh Vũ.

Vào những ngày này cách đây đúng 45 năm (23/9/1975-23/9/2020), Việt Nam và Đức đã chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra thời kỳ mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu

Trong suốt gần nửa thế kỷ qua, với tình hữu nghị, sự đoàn kết và cầu nối con người, hai nước đã cùng nhau thúc đẩy quan hệ hợp tác ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu trên nhiều lĩnh vực và đạt được những bước tiến vượt bậc, trong đó có việc nâng cấp quan hệ hai nước lên Đối tác chiến lược tại Tuyên bố Hà Nội năm 2011.

Nền tảng giao lưu hợp tác giữa hai dân tộc đã có ít nhất từ thế kỷ XIX khi Đức bổ nhiệm Lãnh sự đầu tiên tại Sài Gòn (nay là TP. Hồ Chí Minh) vào năm 1868. Từ thập niên 50 của thế kỷ XX, đoàn 150 học sinh đầu tiên của Việt Nam đã tới Moritzburg, bắt đầu chặng đường học tập của mình.

Cũng từ thời điểm này, quan hệ giữa hai nước được đẩy mạnh, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề, khi nước Đức tiếp nhận rất nhiều thế hệ người Việt Nam sang học tập và lao động.

Ngày nay, sự gắn kết giữa hai dân tộc vẫn tiếp tục được thắt chặt thông qua cộng đồng gần 200.000 người Việt tại Đức và cộng đồng hơn 100.000 người Việt nói tiếng Đức tại Việt Nam, các chương trình học bổng phía Đức dành cho thanh niên Việt Nam, thông qua các hội cựu lưu học sinh Việt Nam tại Đức...

Nhiều thế hệ lãnh đạo cao cấp, trí thức, doanh nghiệp, nhà khoa học, bác sỹ… của Việt Nam đã từng học tập tại Đức, đã và đang tích cực đóng góp vào sự phát triển của đất nước cũng như tăng cường giao lưu giữa hai dân tộc.

Sau Tuyên bố Hà Nội năm 2011, quan hệ Đối tác chiến lược giữa hai nước được thúc đẩy cả về bề rộng và chiều sâu. Các chuyến thăm Đức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc; chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Angela Merkel, Tổng thống Horst Köhler đã tạo ra các xung lực mới cho hợp tác hai nước.

Bên cạnh việc trao đổi các đoàn cấp cao, các địa phương và doanh nghiệp, hai nước đã mở ra nhiều kênh làm việc hiệu quả như Đối thoại chiến lược, Tham khảo chính sách đối ngoại, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, Ủy ban hỗn hợp về hợp tác khoa học – công nghệ, qua đó giúp hai bên tăng cường hợp tác, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau.

Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, để cụ thể hóa quyết tâm chính trị trong việc tăng cường quan hệ hợp tác, tháng 12/2019, hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động Đối tác chiến lược cho giai đoạn 2019-2022 với nhiều lĩnh vực hợp tác quan trọng như chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại, văn hóa - giáo dục - đào tạo nghề, luật pháp - an ninh - quốc phòng...

Sôi động các lĩnh vực hợp tác

Về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, Đức tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu với kim ngạch hai chiều tăng dần đều trong 10 năm qua và cho đến nay là nhà đầu tư lớn thứ 4 trong khối EU với hơn 300 doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Các dự án hải đăng trong quan hệ hai nước như Đại học Việt – Đức tại Bình Dương, Ngôi nhà Đức tại TP. Hồ Chí Minh, Dự án Tuyến đường sắt số 2 tại TP. Hồ Chí Minh và sắp tới đây là dự án Trung tâm Đào tạo nghề của Đức tại Việt Nam được Chính phủ hai bên quan tâm, phối hợp triển khai.

Tháng 8/2020, Hiệp định thương mại tự do giữa EU với Việt Nam (EVFTA) chính thức có hiệu lực, tạo ra xung lực mới và điều kiện thuận lợi để tăng cường quan hệ thương mại giữa hai nước.

Đức là một trong những nước cung cấp viện trợ ODA thường xuyên cho Việt Nam. Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp hơn 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và tài chính.

Các dự án của Đức tập trung vào các lĩnh vực quan trọng như phát triển năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường, đào tạo nghề, góp phần đóng góp thiết thực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Các dự án trong lĩnh vực dạy nghề, đào tạo điều dưỡng viên của Đức dành cho Việt Nam không chỉ giúp đáp ứng nhu cầu lao động đang thiếu hụt tại Đức, mà còn mở ra cơ hội cho thanh niên Việt Nam được học tập, trải nghiệm và làm việc trong môi trường tiên tiến tại Đức.

Hợp tác trong các lĩnh vực giáo dục, văn hóa - du lịch, khoa học - công nghệ và tư pháp - pháp luật cũng được hai bên tăng cường đẩy mạnh trong nhiều năm qua. Tháng 9/2018, trường Đại học Việt - Đức đã kỷ niệm 10 năm ngày thành lập.

Hàng ngàn sinh viên ra trường từ đây đã có việc làm ổn định và thu nhập tốt, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Với Chương trình Đối thoại Nhà nước pháp quyền, hai bên có cơ hội trao đổi nhiều hơn các lĩnh vực tư pháp, góp phần vào việc xây dựng, hoàn thiện và thực thi pháp luật trong các lĩnh vực dân sự, hình sự, hành chính, tư pháp của Việt Nam.

Đức cũng chú trọng tới việc hỗ trợ Việt Nam trong các dự án trùng tu, bảo tồn các di tích, đẩy mạnh hợp tác khoa học – công nghệ nhằm giúp Việt Nam chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng Đức Heiko Maas trong chuyến thăm làm việc tại Đức tháng 2/2019. (Nguồn: ĐSQ Việt Nam tại Đức)

Năm 2020 đánh dấu thời khắc toàn nhân loại phải đương đầu với hiểm họa từ đại dịch Covid-19. Như đại thi hào người Đức Johann Wolfgang Goethe từng viết “Chính những lúc gian khó làm chúng ta xích lại gần mục tiêu hơn” (Die Schwierigkeiten wachsen, je näher man dem Ziele kommt), trong những thời khắc khó khăn và thách thức gây ra bởi đại dịch, Việt Nam và Đức càng coi trọng vai trò của hợp tác song phương và đa phương trong việc đối phó với các thách thức của dịch bệnh cũng như tình đoàn kết, chia sẻ của những người bạn thật sự trong hoạn nạn.

Nhân dân Đức và Việt Nam vẫn luôn nghĩ về nhau, cùng động viên nhau vượt qua đại dịch thông qua các hoạt động đầy ý nghĩa như việc Chính phủ, các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam và cộng đồng người Việt tại Đức tặng khẩu trang và các thiết bị bảo hộ y tế, cung cấp các bữa ăn miễn phí cho các nhân viên y tế, nhà dưỡng lão tại nhiều địa phương của Đức…

Phía Đức cũng thường xuyên cung cấp học bổng cho các chuyên gia y tế của Việt Nam sang trao đổi kinh nghiệm phòng chống dịch, Trung tâm nghiên cứu y học Việt – Đức phối hợp với phía Đức cùng nghiên cứu các mẫu bệnh phẩm phục vụ việc điều chế vaccine.

Với nền tảng vững chắc của tình hữu nghị, đoàn kết và hợp tác giữa hai dân tộc, chúng ta tin tưởng hai nước sẽ sớm vượt qua những thử thách của đại dịch, cùng hướng tới một tương lai tươi sáng của hai dân tộc, vì hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.