Nhỏ Bình thường Lớn

Quan hệ Việt-Nga: Sâu sắc, tin cậy, thực chất và chân thành trên mọi lĩnh vực

Nhân dịp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đặng Minh Khôi lên đường đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga nhiệm kỳ 2021-2024, hãng thông tấn Sputnik có cuộc phỏng vấn Thứ trưởng về chuyến công tác mang nhiều ý nghĩa, thúc đẩy hơn nữa hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trên các lĩnh vực nhằm tương xứng với tiềm năng và mong muốn của cả hai phía.
Quan hệ Việt-Nga: sâu sắc, tin cậy, thực chất, chân thành trên mọi lĩnh vực
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi trả lời phỏng vấn hãng Sputnik (Nga) trước khi lên đường đảm nhận cương vị Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga nhiệm kỳ 2021-2024. (Ảnh: Trung Hiếu)

Đại hội Đảng XIII đã khẳng định Việt Nam tiếp tục đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ. Trong đó, Liên bang Nga là đối tác truyền thống, đối tác chiến lược toàn diện và luôn là ưu tiên cao trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.

Xin chúc mừng Ngài Thứ trưởng trên cương vị mới là Đại sứ nước CHXHCN VN tại Liên bang Nga. Xin Ngài chia sẻ cảm xúc và kỷ niệm trong thời gian học tập và sinh sống tại Liên Xô/Nga.

Tôi rất vinh dự đã từng học tập và sinh sống tại Liên Xô trước đây (Liên bang Nga bây giờ). Lần đầu tiên tôi sang Liên Xô là vào năm 1982, học dự bị tiếng Nga tại trường Đại học Quốc gia Kiev mang tên Taras Shevchenko, Ukraine. Sau đó, tôi có 6 năm học tại Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva (MGIMO), khoa Phương Đông, chuyên ngành Trung Quốc. Cho nên có thể nói, tôi có thời gian sinh sống, học tập tại Liên Xô tương đối dài, từ năm 1982-1989.

Cảm nhận của tôi trong thời gian đó hết sức đặc biệt vì lúc đó tôi rời Việt Nam trong lúc rất khó khăn. Việt Nam lúc ấy vừa giành được độc lập và thống nhất đất nước vào năm 1975, lại trải qua hai cuộc chiến tranh biên giới phía Nam và phía Bắc, rất khó khăn do bao vây cấm vận nên lúc đó khi lần đầu đặt chân tiên đến Liên Xô và Moskva, đặc biệt khi đứng trên Đồi Lenin (Đồi Chim Sẻ) thì cảm giác rất khác biệt.

Lúc đó Liên Xô rất phát triển, con người rất thân thiện. Trong quá trình học tập, tôi rất nhớ các thầy cô đầu tiên dạy tôi tiếng Nga ở Kiev, Ukraine cũng như thầy giáo, cô giáo tại MGIMO. Đây là những người thầy, người cô có thể nói là rất giỏi và quan tâm đến lưu học sinh nước ngoài, nhất là sinh viên Việt Nam như chúng tôi. Điều này để lại ấn tượng hết sức sâu sắc trong lòng tôi.

Thời kỳ học tập tại Liên Xô, tôi có rất nhiều trải nghiệm. Thời gian đó, Liên Xô liên tục thay Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô, đồng thời thời kỳ cải tổ (Perestroika) đang diễn ra. Tôi cũng chứng kiến những khó khăn của Liên Xô trong khi cải tổ như đời sống người dân bị giảm đi rất nhiều, bánh mì cũng phải xếp hàng. Và khi tôi rời Liên Xô về nước thì hơn một năm sau Liên Xô tan rã. Có thể nói hoàn cảnh Liên Xô lúc đó hết sức khó khăn, thiếu thốn mọi thứ. Nhưng ấn tượng về con người, về tình cảm của người dân Liên Xô đối với người dân Việt Nam vẫn không hề thay đổi, hết sức sâu sắc.

Đây là thời kỳ mà tôi cảm thấy rất vinh dự và may mắn khi được học tập tại Liên Xô.

Vậy Ngài đánh giá như thế nào về lịch sử 70 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên bang Nga?

Lịch sử quan hệ ngoại giao Việt Nam - Liên Xô, cũng như Việt Nam - Liên bang Nga trong quá trình 70 năm qua là không có gì có thể thay thế được. Đối với Việt Nam chúng tôi, đất nước Liên Xô quả thật rất vĩ đại. Chúng tôi coi đó là thành trì của Chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi cũng đi thăm Khu triển lãm thành tựu kinh tế quốc dân (VDNKH) tại Kiev, tại Moskva, đã chứng kiến những thành tựu khoa học - công nghệ hết sức tiên tiến của Liên Xô. Chúng tôi được học tập dưới mái trường của Liên Xô, được dạy dỗ bởi đội ngũ thầy cô giáo hết sức ưu việt. Chúng tôi có cơ hội được tiếp cận với các thư viện với kiến thức khoa học khổng lồ. Đồng thời, chúng tôi cảm nhận được tình cảm của người dân Liên Xô đối với Việt Nam.

Về quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga, hai nước đã có quan hệ lâu đời từ thời Liên Xô. Liên Xô là một trong những quốc gia thiết lập quan hệ ngoại giao đầu tiên với Việt Nam (30/01/1950) mà khi đó chúng tôi hết sức khó khăn. Trước đó 20 - 30 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đến Liên Xô, tiếp xúc với người dân Liên Xô và có thể nói, chính tác phẩm của Lênin lúc đó đã gợi mở con đường giải phóng dân tộc cho đất nước Việt Nam. Như vậy, quan hệ giữa Việt Nam - Liên Xô không chỉ từ năm 1950 mà đã bắt đầu từ nhiều năm trước đó.

Trong suốt quá trình 70 năm, đến bây giờ chúng tôi vẫn cảm nhận được sự ủng hộ to lớn của Liên Xô và các nước XHCN lúc đó giúp Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nếu không có viện trợ của Liên Xô thì chắc chắn chúng tôi không thể chiến thắng được tại các trận đánh quan trọng như Điện Biên Phủ, cũng như giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam, thống nhất đất nước năm 1975.

Lúc đó chúng tôi còn mặc những bộ quần áo được may cho phi công Liên Xô mà người Việt Nam trìu mến gọi là “áo bay”. Gia đình chúng tôi còn dùng những chiếc bàn là, quạt “tai voi”, phích nước do Liên Xô sản xuất. Đó là những ấn tượng hết sức tốt đẹp.

Quan trọng hơn nữa, sau khi Việt Nam giành được độc lập, giải phóng đất nước năm 1975, Liên Xô lại tiếp tục giúp đỡ đất nước chúng tôi khôi phục, phát triển kinh tế. Rất nhiều dự án, công trình trọng điểm như Nhà máy thủy điện Hòa Bình - công trình thủy điện đầu tiên của Việt Nam, hay các cơ sở công nghiệp đầu tiên với trang bị hiện đại do Liên Xô giúp Việt Nam xây dựng. Bên cạnh đó, ngành dầu khí Việt Nam cũng được Liên Xô giúp đỡ xây dựng nên. Nếu không có sự ủng hộ của Liên Xô, của ngành dầu khí Liên Xô thì không có ngành dầu khí của Việt Nam như ngày nay.

Lĩnh vực quân sự, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo cũng nhận được sự hỗ trợ của Liên Xô. Hàng trăm ngàn người Việt Nam đã được học tập tại Liên Xô, Liên bang Nga và các nước XHCN khác. Hiện nay, đây vẫn là đội ngũ khoa học hết sức quan trọng của chúng tôi.

Quan trọng hơn nữa là quan hệ giữa hai nước gắn chặt với người dân hai nước. Khi tôi học ở Nga, Việt Nam - Liên bang Nga vẫn cùng một thể chế XHCN. Người dân Liên Xô rất hiểu người dân Việt Nam. Hiện nay, tuy chúng ta có thể chế chính trị khác nhau nhưng người dân Việt Nam và đặc biệt, thời gian tới tôi sẽ đảm nhận cương vị Đại sứ tại Liên bang Nga, và ngay cả nhiều người chưa đặt chân tới nước Nga bao giờ vẫn rất yêu nước Nga, rất yêu văn học Nga. Người Việt Nam có thể thuộc lòng những câu chuyện, tiểu thuyết như Sông Đông êm đềm, những bài thơ của đại thi hào Pushkin.

Quan hệ hai nước Việt - Nga là quan hệ: sâu sắc, tin cậy, thực chất và rất chân thành trên tất cả các lĩnh vực.

Quan hệ Việt-Nga: Sâu sắc, tin cậy, thực chất và chân thành trên mọi lĩnh vực
Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Đặng Minh Khôi chụp ảnh lưu niệm với Lãnh đạo Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga, ngày 27/4. (Ảnh: Trung Hiếu)

Vậy điều gì Ngài cho là quan trọng trong chuyến công tác sắp tới?

Tôi rất vinh dự và bất ngờ. Thực sự, đây là điều tôi không ngờ đến. Càng vinh dự hơn nữa khi tôi đã từng học tập tại Liên bang Nga. Nơi đây cũng là nơi tôi gặp người bạn đời của mình cũng tại trường Đại học. Bây giờ được quay trở lại đất nước bạch dương trên cương vị Đại sứ, tôi cảm thấy rất vinh dự và tự hào.

Tôi mong đợi nhất chính là làm sao đóng góp một phần nhỏ bé của mình để tăng cường hơn nữa quan hệ giữa hai nước vốn có bề dày truyền thống lịch sử. Trong tình hình mới, chúng ta phải tăng cường và thúc đẩy hơn nữa, thúc đẩy một cách thực chất trên nhiều lĩnh vực. Hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga có rất nhiều tiềm năng; nhưng trong những năm gần đây, do thể chế, cơ chế khác nhau giữa hai nước và bối cảnh thế giới phức tạp, mỗi nước đều có khó khăn riêng, mức độ hợp tác song phương chưa thực sự như mong muốn của Lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Hợp tác song phương mang lại nhiều lợi ích cho cả hai nước. Tôi rất mong muốn trong nhiệm kỳ của mình, thông qua các kênh báo chí để người dân Nga, nước Nga hiểu rõ hơn về Việt Nam. Đây là điều hết sức quan trọng.

Theo Ngài, mặt tích cực và điểm cần khắc phục trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga là gì?

Trong quan hệ Việt – Liên bang Nga, mặt tích cực rất nhiều, trên mọi phương diện. Quan hệ Việt Nam - Liên bang Nga là quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập từ năm 2012, vì vậy năm 2022 sẽ là kỷ niệm 10 năm. Rất đặc biệt vì lần đầu tiên Việt Nam triển khai Năm chéo với một quốc gia và Liên bang Nga cũng vậy. Ngoài hợp tác kinh tế - thương mại, quân sự, khoa học công nghệ, giáo dục, văn hóa thì hiện nay Việt Nam và Liên bang Nga còn có hợp tác về vaccine chống Covid-19.

Tuy nhiên, hai nước vẫn tồn tại một số điểm cần phải làm tốt hơn để thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Thứ nhất, làm sao để hài hòa được sự khác biệt giữa các thể chế của Liên bang Nga và Việt Nam để hai bên đẩy mạnh hơn nữa hợp tác vì tiềm năng hai nước rất lớn. Rõ ràng quy mô hợp tác, đặc biệt là quy mô thương mại chưa tương xứng với tiềm năng. Hiện nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và một số nước lên tới hàng trăm tỷ đô la/năm. Tuy nhiên, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Liên bang Nga mới chỉ xấp xỉ khoảng 5-6 tỷ USD/năm. Đây là con số rất khiêm tốn.

Thứ hai, rất lâu rồi chưa có một công trình lớn của Liên bang Nga đầu tư vào Việt Nam giống như thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Đà hay Vietsopetro của Liên Xô trước đây. Tôi cho rằng, quan hệ kinh tế thương mại giữa hai nước phải có những dự án lớn, mang tính biểu tượng và thực sự đem lại lợi ích cho người dân hai nước. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực từ cả hai bên trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay rất khó khăn do đại dịch Covid-19, ảnh hưởng rất lớn đến việc thúc đẩy quan hệ song phương giữa hai nước.

Thứ ba, chúng tôi muốn mở rộng hơn nữa hợp tác giáo dục đào tạo vì giáo dục là cái gốc. Bên cạnh đó là tăng cường hợp tác văn hóa. Làm thế nào để càng ngày càng nhiều người Nga đến Việt Nam, hiểu Việt Nam hơn. Tôi rất mong các cơ sở giáo dục, học viện nghiên cứu về Việt Nam tại Liên bang Nga không ngừng lớn mạnh. Chúng tôi được biết có rất nhiều chuyên gia Nga rất am hiểu về Việt Nam nhưng thế hệ trước cũng đã có tuổi. Chúng ta rất cần thế hệ trẻ tiếp nối, biết tiếng Việt, đã từng học tập, sinh sống tại Việt Nam, hiểu Việt Nam tham gia vào nghiên cứu bộ môn Việt Nam học và mở thêm nữa những trường như vậy.

Hiện nay có hàng trăm ngàn người Việt Nam sinh sống và học tập tại Liên bang Nga, chúng tôi mong muốn Chính phủ Liên bang Nga, người dân Nga sẽ tạo điều kiện thuận lợi để họ hòa nhập cuộc sống, trở thành cầu nối gắn bó mật thiết giữa 2 nước.

Chúc Ngài có thật nhiều sức khỏe. Sputnik tin tưởng trong nhiệm kỳ này, với tinh thần làm việc trách nhiệm và tình cảm yêu mến đối với nước Nga, Ngài sẽ hoàn thành xuất sắc trọng trách được giao, tiếp tục thúc đẩy và củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Xin cảm ơn Sputnik!

TIN LIÊN QUAN
Thứ trưởng Ngoại giao, Đại sứ Đặng Minh Khôi làm việc với Hội Hữu nghị Việt Nam-Liên bang Nga
Thứ trưởng Ngoại giao Đặng Minh Khôi tiếp nhận tranh tặng các Đại sứ quán
Hội thảo kỷ niệm 90 năm thành lập Đoàn và giới thiệu sách về 70 năm quan hệ Việt– Nga tại Saint Petersburg
Việt-Nga: Thúc đẩy hợp tác thương mại đầu tư sau đại dịch Covid-19
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tiếp Đại sứ Nga Konstantin Vnukov chào từ biệt

(theo Sputnik)