📞

Quan Họ: Liệu có giữ được sự tôn vinh...?

10:33 | 24/02/2016
Chúng ta sẽ gìn giữ, phát huy Dân ca Quan họ Bắc Ninh như thế nào trong thời kinh tế thị trường hôm nay...?                

Hát quan họ trên thuyền (Ảnh Cao Minh)

Dân ca Quan họ Bắc Ninh là vốn văn hóa truyền thống quý giá của dân tộc. Quan họ đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể thế giới ngày tel:30/9/2009. 

Ngày ấy và bây giờ

Những lễ hội quan họ của xứ Kinh Bắc vào mùa Xuân có: hội Lim, hội Ó, hội Diềm, hội Nhồi.... Nhưng nổi tiếng nhất và đông nhất là hội Lim, tổ chức vào ngày 13 tháng giêng hàng năm. Đến hẹn lại lên, niềm vui trẩy hội được nhân lên nhiều lần bởi, quan họ được thế giới công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Người quan họ, làng quan họ, du khách yêu quan họ từ muôn phương của Tổ quốc lại gặp nhau tay bắt mặt mừng, như lời câu quan họ: “Bây giờ gặp mặt nhau đây mà cứ ngỡ như là chiêm bao...”.

Quan họ có từ bao giờ, đến nay chưa có một nghiên cứu nào biết chính xác; nhưng theo một giả thiết, quan họ khởi phát từ những làn điệu, lời ca khi nhân dân trong vùng đón Vua Lý về thăm quê. Và, như thế, quan họ đã tồn tại hàng ngàn năm chứ không phải chỉ chừng vài trăm năm nay như một giả thiết khác đặt ra.

Một dòng dân ca ra đời và tồn tại hàng ngàn năm, bất chấp mọi biến thiên của trời đất, thăng trầm, ly loạn của đời sống con người; dòng dân ca ấy đương nhiên phải có những đặc điểm khu biệt, độc đáo mà vẫn mang được âm hưởng, hơi thở của cuộc sống và tình người vùng đồng bằng Bắc bộ; phản ánh được những nét tinh tế trong tâm hồn, tâm linh, trong phong tục và ứng xử... Quan họ vì thế đã được Hội đồng chuyên môn của UNESCO đánh giá cao về “giá trị văn hóa đặc biệt, về tập quán xã hội, nghệ thuật trình diễn, kỹ thuật hát, phong cách ứng xử văn hóa, bài bản, ngôn từ và trang phục”.

Lễ hội quan họ chia làm hai phần. Quan họ phần lễ là để thờ Thần, Phật; Quan họ phần hội là để các bọn quan họ (Câu lạc bộ, bọn không có nghĩa xấu) nam, nữ của các làng đến tham dự hội hát đối đáp giao duyên. Sau khi các bọn quan họ tham gia hát ở đình (hát ở hội), kéo nhau về nhà những ông trùm (Người đứng đầu mỗi bọn quan họ nam), bà trùm (Người đứng đầu bọ quan họ nữ) và ở đây diễn ra hát canh (1 thể loại quan họ). Vào canh hát bao giờ người ta cũng hát đôi và hát đối theo lề lối. Hát theo lề lối có nghĩa là các đôi quan họ bắt đầu hát bằng hệ thống giọng cổ như: Hừ la, La rằng, La hời, Tình tang, Cây gạo, Cái ả, Lên núi, Xuống sông... Hát chừng 10 bài giọng lề lối thì chuyển sang giọng sổng và tiếp đến là giọng vặt và cuối cùng là giọng giã bạn. Hiện nay các nhà nghiên cứu quan họ đã sưu tầm được gần 400 làn điệu và gần 1.000 lời ca quan họ.

Bản sắc quan họ

Quan họ là loại hình nghệ thuật dân gian ra đời từ trong đời sống, sinh hoạt của nhân dân vùng Kinh Bắc; quan họ cũng tồn tại và phát triển chính trong lòng đời sống của người dân vùng Kinh Bắc. Lâu nay, nhiều người thường hiểu và cảm nhận quan họ qua trình diễn trên sân khấu, hoặc hát trên sóng phát thanh, truyền hình; đây chỉ là một hình thức mới có của quan họ.

Quan họ tồn tại hàng nghìn năm cũng đã tạo nên một không gian quan họ, một văn hóa quan họ mà chỉ nơi đây mới có. Người quan họ rất coi trọng sự lịch thiệp, thanh nhã trong mọi việc, cử chỉ giao tiếp... Để khen bạn, người quan họ rất tinh tế “Thưa anh Hai, anh Ba... thật là thơm cây, thơm rễ, người giồng (trồng) cũng thơm đấy ạ”. Hay “Đôi tay nâng chén rượu đào/ Đổ đi thì tiếc uống vào thì say”, “Tay nâng đĩa muối, đĩa gừng/ Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”...

Trong sinh hoạt văn hóa quan họ thực sự tồn tại một tình người thắm thiết thủy chung. Nghệ nhân quan họ; liền chị, liền anh quan họ là ai? Họ là những người nông dân hàng ngày lao động vất vả trên đồng ruộng; tối hè trên mảnh sân nhà mình, trên sân đình, nơi cây đa, giếng nước... họ cất giọng, họ học nhau truyền khẩu từ đời này sang đời khác. Văn hóa quan họ làm cho con người Kinh bắc trở nên lịch lãm, tao nhã. Văn hóa quan họ như mạch nguồn không bao giờ vơi cạn trong đời sống người xứ Kinh Bắc.

Quan họ hát trong nhà (Ảnh Cao Minh)

Bao giờ cho đến ngày xưa

Từ nhiều năm nay, cứ đến ngày 13 tháng giêng người ta lại nô nức đến hội Lim, để mong được xem, nghe, cảm nhận được cái hay cái đẹp của quan họ. Tuy nhiên, hội Lim hầu như không đáp ứng được mong mỏi của du khách bốn phương, khi nghe hát quan họ trên chiếc thuyền nhỏ xíu, trong cái ao nhỏ xíu. Trên đồi Lim hàng chục chiếc lều tạm được dựng lên, mỗi lều là một bọn hoặc đại diện làng quan họ thi nhau hát qua loa phóng thanh. Còn đâu sự tinh tế, tao nhã thắm thiết tình người của quan họ? Trong khu vực lễ hội tràn lan các hình thức kiếm tiền mà bất cứ lễ hội nào hiện nay cũng có. Cứ như vậy, e rằng quan họ không tồn tại được bao lâu. E rằng, ngay chính những người đến với hội Lim cũng chán dần. Và, nếu như người nước ngoài đến với hội Lim để muốn được biết loại hình văn hóa phi vật thể của nhân loại được UNESCO công nhận, họ sẽ cảm thấy như thế nào?

Sau khi Quan họ được thừa nhận và tôn vinh trên thế giới, Việt Nam đã hoạch định một chiến lược về quan họ: Trong giai đoạn 2009-2015, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch (VH TT- DL) cùng Viện Âm nhạc, Sở VH TT-DL Bắc Ninh, Bắc Giang thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ di sản quan họ: Giúp cộng đồng nhận diện và kiểm kê Dân ca Quan họ định kỳ từng năm, hoàn thiện danh sách nghệ nhân, xây dựng chính sách đãi ngộ đối với nghệ nhân, hoàn thiện tư liệu, kết quả nghiên cứu, phân loại và hệ thống tư liệu, tổ chức các liên hoan quan họ Bắc Ninh hai năm một lần, xây dựng đồi Lim thành trung tâm văn hóa quan họ, có khu trình diễn, xây dựng hội Lim (huyện Tiên Du), lễ hội chùa Bổ Đà (Việt Yên, Bắc Giang) thành hội đối đáp, hát thi giải quan họ, Khôi phục hình thức hát thờ ở hội làng Viêm Xá (TP Bắc Ninh) để bảo tồn các giọng lề lối của quan họ Bắc Ninh, thành lập Hiệp hội nghệ nhân quan họ... Sự công nhận của UNESCO, những hoạch định của Nhà nước là điều đáng mừng đối với quan họ và người quan họ.

Để quan họ thực sự tồn tại, vươn xa với sự độc đáo có một không hai thì vai trò của Nhà nước là vô cùng quan trọng; nhưng quan trọng hơn là tạo môi trường để nó được “sống” như nguyên bản của nó và phát triển cùng với cây đa, giếng nước, sân đình, nền tảng đã làm nên những giai điệu mượt mà, đằm thắm... Tạo nên một không gian quan họ, một đời sống văn hóa quan họ như quan họ đã từng có; trong đó vai trò của người dân là cốt lõi, là trung tâm; tránh tạo ra những “sân khấu” chỉ để “diễn” thì quan họ mới thực sự đến với mọi người, mọi nơi. Lịch sử hàng nghìn năm đã chứng minh, quan họ tồn tại trong lòng người dân bất chấp mọi sự thay đổi, mọi biến cố của đời sống... GSTS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia, Phó Chủ tịch Hội văn hóa dân gian châu Á đã khẳng định: “... Không có ai bảo tồn văn hóa bằng chính người đã sáng tạo ra nó. Hãy trả lại vai trò chủ thể văn hóa cho người dân...”.

Mùa lễ hội 2016 vừa trôi qua, thế nhưng hầu như từ sau khi được vinh danh trên thế giới, cảm nhận của những người yêu quan họ và đến với quan họ vẫn là sự thất vọng. Đến với hội Lim vẫn là những cảnh chen lấn xô đẩy để xem hát qua loa; trên đồi Lim (khu trung tâm) thì từ vài hôm trước đã đầy dẫy những lều quan họ thi nhau hát qua loa, hát cả những bài không phải quan họ; và vẫn hàng quán la liệt bày hết cả lối đi. 

Cứ với tình trạng thiếu văn hóa, xô bồ hiện nay; cứ những hình thức trình diễn, biểu diễn vừa máy móc, lộn xộn, vừa xô bồ kiểu thị trường như vậy, sẽ không có một không gian quan họ thực thụ. Và liệu chúng ta có giữ được danh hiệu đã được tôn vinh...?