📞

Quan tâm hơn nữa đến xây dựng xã hội học tập suốt đời

17:00 | 22/12/2016
Ngày 22/12, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có cuộc làm việc với Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam về một số vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai đề án xây dựng xã hội học tập, vận hành trung tâm học tập cộng đồng, hệ thống giáo dục tiếp tục dành cho người lớn.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhấn mạnh trong nhiệm kỳ mới Hội xác định tập trung mạnh vào việc xây dựng hệ thống giáo dục cho người lớn. Bởi hiện ở Việt Nam hệ thống giáo dục ban đầu đã hoàn chỉnh từ bậc mầm non đến đại học dành cho 25 triệu trẻ em, thanh thiếu niên nhưng hệ thống giáo dục tiếp tục dành cho trên 60 triệu người lớn chưa được quan tâm đầy đủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng các bộ, ngành phải chủ động phối hợp với các hội, trong đó có Hội Khuyến học trong xây dựng xã hội học tập suốt đời. (ẢNh: VGP/Đình Nam)

“Người lớn, những người đi làm cần nhiều hình thức học khác nhau tại trung tâm học tập cộng đồng, thư viện, nhà văn hóa, câu lạc bộ, thậm chí tại nhà, tại nơi làm việc dựa trên lợi thế của công nghệ thông tin. Hiện có 7 đề án của các bộ ngành liên quan đến xây dựng xã hội học tập nhưng không triển khai được vì không có đầu mối quản lý tập trung để liên kết với nhau. Đây là vấn đề cần phải giải quyết”, bà Doan nói.

Theo lãnh đạo Hội Khuyến học Việt Nam, các trung tâm học tập cộng đồng có vị trí rất quan trọng trong hệ thống giáo dục tiếp tục nhưng hoạt động chưa hiệu quả do thiếu sự quan tâm của các bộ, ngành cũng như của địa phương. Hơn 11.000 trung tâm học tập cộng đồng cấp xã hiện đón khoảng 15-17 triệu lượt người đến học tập nhưng mới chỉ có 6.000 trung tâm có giáo viên, nhiều trung tâm chỉ hoạt động cầm chừng do thiếu cả kinh phí lẫn các chương trình đào tạo thiết thực, thu hút người dân.

Như nhận xét của nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là “có thiết chế nhưng lại thiếu cơ chế hoạt động”.

Nhằm tăng khả năng “cung ứng học vấn đại học”, cập nhật kiến thức cho người lao động, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đề nghị các bộ, ngành xem xét phương án thành lập các chi hội khuyến học trong các trường ĐH, CĐ, trường dạy nghề.

Cùng dự cuộc làm việc với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định trách nhiệm của ngành giáo dục trong xây dựng xã hội học tập suốt đời, giáo dục tiếp tục cho người lớn.

Đồng tình với ý kiến của Hội Khuyến học, Bộ trưởng Nhạ cho rằng cần phải dành thêm nguồn lực cho hoạt động giáo dục tiếp tục cho người lớn, trong đó có việc kiện toàn lại hoạt động, tổ chức của trung tâm học tập cộng đồng.

“Tới đây Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản chỉ đạo tới Sở GD&ĐT các địa phương bố trí nhân lực, kinh phí đầy đủ cho các trung tâm học tập cộng đồng, đánh giá cộng đồng học tập tại các xã phường. Cùng với đó là phối hợp với các bộ, ngành để đẩy mạnh việc biên soạn, xây dựng các chương trình đa dạng dành cho những đối tượng học tập khác nhau tại các trung tâm học tập cộng đồng”, Bộ trưởng Nhạ cam kết và cho biết Bộ sẽ “đặt hàng” Hội Khuyến học nghiên cứu, thí điểm các mô hình, cách làm mới nhằm xây dựng xã hội học tập toàn diện.

Ghi nhận ý kiến từ cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng để các hội nói chung, trong đó có Hội Khuyến học hoạt động hiệu quả thì các bộ, ngành phải chủ động phối hợp chặt chẽ, coi các hội vừa là đối tác, vừa là người đồng hành trong việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, nhiệm vụ của mình.

Phó Thủ tướng nêu ví dụ khi triển khai đề án xây dựng chương trình, sách giáo khoa mới, hay ban hành những thông tư, chính sách mới, Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể “đặt hàng” cho Hội Khuyến học đưa ra những nghiên cứu, góp ý, phản biện và cái gì đúng thì cùng tuyên truyền, vận động, cùng vào cuộc. Hay trong việc dạy thêm, học thêm; đánh giá học sinh, không chấm điểm, Bộ GD&ĐT có thể phối hợp với hội, mời phụ huynh học sinh đến các trung tâm học tập cộng đồng để giải thích tại sao cần làm vậy, các nước trên thế giới làm như thế nào. Bởi “có những thứ Bộ nói không được nhưng Hội nói lại có hiệu quả hơn nhiều”.

Đối với công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, Phó Thủ tướng đặt vấn đề Bộ LĐTB&XH cần có văn bản hợp tác cụ thể để huy động các cấp hội, trong đó có Hội Khuyến học, cùng tham gia với cách làm linh hoạt không chỉ góp phần chấn chỉnh, nâng cao hiệu quả cho công tác đào tạo mà cả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng.

“Tới đây, Bộ GD&ĐT cần rà soát toàn, bộ, đánh giá thực chất, phân loại toàn bộ các trung tâm học tập cộng đồng. Từ đó lựa chọn ra một số trung tâm để tập trung làm với một số chương trình phổ biến kiến thức, khoa học, công nghệ cho người dân”, Phó Thủ tướng đề nghị.