Quảng Nam nỗ lực triển khai việc di dời, sắp xếp ổn định dân cư dân cư miền núi trên địa bàn 9 huyện miền núi. (Nguồn: Báo Quảng Nam) |
Huy động nguồn lực nhà nước và sức dân
Quảng Nam là địa phương có diện tích miền núi lớn, độ dốc giữa miền núi và đồng bằng chênh lệch cao, cùng với những ảnh hưởng tiêu cực của biến đối khí hậu, vùng miền núi thường xảy ra tình trạng sạt lở. Nghị quyết của HĐND tỉnh Quảng Nam về quy định sắp xếp, ổn định dân cư miền núi trên địa bàn 9 huyện miền núi của tỉnh đã triển khai trong gần 10 năm qua được xem là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Giai đoạn 2017-2021, Quảng Nam đã thực hiện sắp xếp, ổn định cho hơn 3,2 nghìn hộ dân. Qua đánh giá thực tế, các hộ dân được sắp xếp này đều không bị ảnh hưởng bởi các đợt lũ, lụt lớn trên địa bàn. Trên cơ sở thành công đó, nhiệm kỳ này, Quảng Nam tiếp tục thực hiện sắp xếp cho trên 7.000 hộ cùng với phát triển sinh kế cho bà con.
Là địa bàn miền núi có mật độ dân cư sinh sống thưa thớt, gây khó khăn cho công tác xóa đói giảm nghèo, huyện Nam Trà My đã rất quyết tâm quy hoạch sắp xếp 242 khu dân cư xuống còn 115 khu để tạo bước đột phá về dân sinh. Từ năm 2017 đến nay, toàn huyện đã sắp xếp được 62 khu với 2.857 hộ đồng bào Ca Dong, Xê Đăng, Mơ Nông với tổng ngân sách hỗ trợ lên đến 166 tỷ đồng.
Trước đây, bà con đồng bào thiểu số tại huyện miền núi cao Nam Trà My sống theo tập tục du canh, du cư nên việc ổn định cuộc sống gặp nhiều thách thức. Từ những nguyên nhân chủ quan như thiếu điều kiện sinh hoạt, nguy cơ sạt lở đất đá, dịch bệnh... đã khiến cho nhiều khu làng phải di dời tìm nơi ở mới. Dân số phát triển dẫn đến tình trạng tách làng cũ, lập làng mới thường xuyên diễn ra, khiến cho việc đầu tư hạ tầng phục vụ dân sinh gặp nhiều trở ngại. Năm 2017, toàn huyện Nam Trà My có 43 thôn (hiện nay đã sắp xếp còn 35 thôn) nhưng lại có tới 242 khu dân cư nằm rải rác trên các triền núi xa xôi, cách trở. Chính điều này đã khiến cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của người dân gặp khó khăn, việc học hành của con cái cũng bị trở ngại, cũng là nguyên nhân dẫn đến tỉ lệ nghèo đói cao.
Trước thực trạng này, huyện Nam Trà My đã quyết định xây dựng Đề án sắp xếp, bố trí lại dân cư theo hình thức Nhà nước và Nhân dân cùng làm. Trong năm 2017, huyện Nam Trà My tiến hành triển khai thực hiện Đề án bố trí, sắp xếp lại dân cư tại 15 khu với 475 hộ dân tại 10 xã. Tổng kinh phí thực hiện cho đợt này là hơn 71 tỷ đồng. Trong đó nhà nước đầu tư khoảng 49,2 tỷ đồng để đầu tư các hạng mục hạ tầng dân sinh như đường giao thông, nước sinh hoạt tập trung, trường học, nhà sinh hoạt văn hóa, công trình thủy lợi, hỗ trợ san nền, làm nhà, làm công trình vệ sinh, kéo điện và làm chuồng trại chăn nuôi...; còn lại kinh phí 21,8 tỷ đồng được huy động từ Nhân dân bằng hình thức đóng góp công tham gia thực hiện.
Khu dân cư mới được quy hoạch có đủ không gian sinh sống, chăn nuôi, sản xuất cho từng hộ gia đình và tiện cho việc triển khai đầu tư các công trình phục vụ dân sinh như điện, đường, trường, trạm. Huyện Nam Trà My đã huy động cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở vào cuộc để giải thích, tuyên truyền cho từng hộ nắm rõ chủ trương nên đến nay đã có những khởi sắc tích cực. Bà con đã mạnh dạn đăng ký tham gia vào đề án và một số hộ gia đình cũng nhiệt tình hiến đất đai để hình thành những khu dân cư đông đúc.
Còn đối với huyện miền núi Tây Giang, sau 18 năm thực hiện Đề án, huyện đã sắp xếp, bố trí được 123 điểm tái định cư với tổng diện tích 374 ha, bố trí trên 5.530 hộ đồng bào các dân tộc tái định cư ổn định, gắn với phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững.
Kết quả của chủ trương sắp xếp lại dân cư của tỉnh Quảng Nam từng bước thay đổi diện mạo các làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế. (Nguồn: Báo Dân tộc) |
Cuộc sống mới nhờ sắp xếp lại dân cư
Thôn Pơr’ning, xã Lăng là khu dân cư tập trung đầu tiên, cũng là khu dân cư đông đúc nhất của huyện Tây Giang. Đây là nơi quần tụ của 170 hộ đồng bào Cơ tu với khoảng 600 khẩu. Trên một khu đất bằng phẳng, ở giữa được xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng chung của khu dân cư và của riêng các dòng họ (Gươl lớn và gươl nhỏ), bao quanh là các hộ gia đình, trẻ con được vui chơi trên những khu đất rộng lớn. Ngày lễ, tết hay thường niên hằng tháng, bà con lại tập trung về Gươl để cùng nhau sinh hoạt.
Ông Bling Lâm, năm nay 75 tuổi không thể nào quên hình ảnh thôn Bơr’ning những ngày đầu thành lập gần 20 năm về trước. “Hồi xưa, khu đất này không bằng phẳng như thế này, nó là một quả đồi cao hơn 50m với vài ba nóc nhà. Nhà nước cho san ủi để tạo thành một khu đất rộng cho bà con xây dựng nhà cửa. Thôn Bơr’ning trước kia gồm 3 thôn rải rác, giờ thì tập trung ở một nơi. Hiện nay, toàn xã Lăng có 7 khu dân cư tập trung. Ở như thế này, bọn trẻ đi học rất tiện. Bà con đi làm trong rẫy có thể xa hơn trước nhưng chúng tôi cũng khắc phục được”.
Ông Bhling Mia, Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho biết, công tác quy hoạch, sắp xếp tái định cư có thể coi là một cuộc cách mạng mới đối với chính quyền và nhân dân huyện Tây Giang. Đồng thời, khi tổ chức, sắp xếp được dân cư tập trung thì huyện sẽ chỉnh trang lại, khai thác tối đa tiềm năng, dư địa về đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi các vị trí đất ở trước đây để khai thác trồng cây dược liệu, trồng cây ăn quả, chuyển đổi các hình thức sản xuất cho bà con.
Trước kia, bà con sống rải rác dọc theo con sông, con suối, những vùng trũng, nguy cơ sạt lở đất, lũ ống, lũ quét thì hiện nay, bà con đã được đưa về các vùng tái định cư một cách căn cơ. Thực tế, qua các trận mưa bão như các năm trước đây, tình hình biến đổi khí hậu khắc nghiệt, Tây Giang dù có thiệt hại về hạ tầng nhưng không thiệt hại, thương vong về người.
Theo ông Trịnh Minh Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Nam Trà My, “qua thực hiện sắp xếp dân cư đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiệu quả và phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; từng bước hoàn thiện mạng lưới cơ sở hạ tầng, đẩy nhanh công cuộc giảm nghèo nhanh, bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số”.
Nhấn mạnh đến hiệu quả của chủ trương sắp xếp lại dân cư miền núi, ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: “Từ thành công trong giai đoạn 2021-2025, Quảng Nam tiếp tục triển khai sắp xếp, ổn định cho hơn 7.820 hộ dân, với tổng kinh phí thực hiện dự kiến khoảng 968 tỷ đồng. Song song với việc sắp xếp dân cư nhằm phòng, chống thiên tai, sẽ gắn với phát triển sinh kế cho đồng bào vùng núi cao”.
Kết quả của chủ trương sắp xếp lại dân cư đã từng bước thay đổi diện mạo các làng, bản theo hướng khang trang, người dân có cuộc sống tại nơi ở mới tốt hơn, có điều kiện để ổn định sinh kế. Nhiều điểm quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư phù hợp với quy hoạch xây dựng xã nông thôn mới và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới, cũng như phòng, chống thiên tai, nâng cao chất lượng của người dân các huyện miền núi, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngày 25/10, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định 2289/QĐ-UBND triển khai thực hiện Nghị quyết số 13/2023/NQ-HĐND ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ xoá nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Từ nay đến năm 2025, toàn tỉnh dự kiến dành hơn 407 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh, quỹ an sinh xã hội và các nguồn đóng góp xã hội hóa để hỗ trợ xoá 15.735 nhà tạm, nhà dột nát, trong đó xây mới 8.675 nhà và sửa chữa 7.060 nhà. Riêng tại 6 huyện nghèo gồm Phước Sơn, Tây Giang, Nam Giang, Đông Giang, Nam Trà My, Bắc Trà My sẽ có 8.179 hộ được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát, trong đó hộ nghèo 7.606 nhà, hộ cận nghèo 573 nhà. Định mức hỗ trợ cho nhóm đối tượng này ngoài nguồn vốn hỗ trợ thực hiện từ Chương trình mục tiêu quốc gia sẽ được hỗ trợ thêm 14 triệu đồng/1 nhà xây mới và 7 triệu đồng/1 nhà sửa chữa. |