Nước lũ tại khu phố nhà anh Trầm có nơi lên cao đến hơn 1 m khiến việc di chuyển của người dân rất khó khăn. (Ảnh: Phạm Ngôn) |
Tút… Tút… Tút...
Liên tiếp những cuộc điện thoại của anh Nguyễn Đức Trầm (ngụ tại phường Phổ Văn, thị xã Phổ Đức, Quảng Ngãi) chỉ là tiếng im lặng kéo dài và kết thúc bằng 3 tiếng tút cụt lụt. Điện thoại chỉ còn đúng một vạch sóng, có lúc lại hiển thị “không dịch vụ”.
Người đàn ông 30 tuổi sốt ruột, xoay đi xoay lại giữa dòng nước lũ dâng đến ngực. Anh nhìn về phía 2 đứa con nhỏ 3 tuổi và 3 tháng tuổi, rồi lại đứng nhìn mực nước lũ dâng cao trong nhà, sốt sắng nghĩ cách giải cứu cho cả gia đình.
Trước khi cơn bão số 9 đổ bộ, anh rất vững dạ rằng nhà mình vẫn còn chắc chắn, lại có gác lửng nên không lo nếu nước lũ dâng. Nhưng nào ngờ, cơn bão đã cuốn phăng cả phần mái của căn gác, khiến căn nhà trơ trọi trong gió bão.
Nhà bay nóc, nước lũ ngập đến ngực
Rạng sáng ngày 28/10, cả gia đình anh Trầm bị đánh thức bởi tiếng gió rít ngoài cửa. Mái tôn rung lên theo từng đợt gió mạnh đập vào cánh cửa sắt nghe uỳnh uỳnh. Cả nhà ai nấy đều thấp thỏm lo lắng không yên.
Dù đã được cảnh báo là trận bão có cường độ rất mạnh, anh Trầm vẫn không thể hình dung sức gió lại có thể mạnh dữ dội tới vậy.
“Nhỏ tới giờ lần đầu tiên chứng kiến có cơn bão khủng khiếp đến vậy. Tiếng gió rít nghe kinh khủng. Mái đã bị gió mạnh thổi lật lên rồi lại thả xuống, ngói bay tứ tung”, anh Trầm kể lại, thật sự vẫn chưa hết bàng hoàng.
Khi thấy gió bắt đầu nhấc bổng cả một phần mái tôn lên, anh Trầm vội vàng đưa mẹ già cùng vợ con xuống tầng trệt để trú tránh bão. Cả nhà vừa di chuyển xuống dưới được một lúc thì một đợt gió mạnh đến thổi tung hết cả phần mái của căn gác lửng, nhẹ nhàng như bật một nắp lon.
Anh Trầm bàng hoàng kể lại nếu chậm một vài phút, không biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Mưa lớn đổ xuống xối xả, đồ đạc trên gác bị gió thổi bay tứ tán. Nhà đã bị mất nóc, mưa lớn dữ dội, trong nhà khắp nơi đâu đâu cũng đều là nước. Cả gia đình chỉ biết ngồi ôm nhau ở một góc nhà, cầu nguyện cho cơn bão nhanh chóng qua. Đứa bé 3 tháng tuổi nằm rúc vào lòng mẹ, sợ đến mức không bật khóc được tiếng nào.
12h30, trời đã hửng sáng, gió nhẹ dần, mưa vẫn chỉ còn lác đác. Anh Trầm mở cửa, nhìn ra phía ngoài trời, thật sự thở phào nhẹ nhõm. Anh lên gác, kiểm tra lại những đồ đạc bị thiệt hại và bắt đầu lau dọn nhà.
Nào ngờ, hơn 30 phút sau, anh nhìn ra cửa đã thấy mực nước tại con mương trước nhà cao đến gần mặt đường. Ngoảnh đi ngoảnh lại, nước lũ đã tràn vào nhà và liên tục dâng cao.
“Tầm 13h là nước lũ dâng lên ào ào, nhanh lắm. Chỉ trong vòng nửa tiếng đồng hồ là nước đã dâng lên tới ngực người lớn rồi”, người đàn ông 33 tuổi kể, tay chỉ vào phần ngực áo vẫn còn ướt sũng do lội nước.
Nghĩ đến cảnh lũ lụt lên đến nóc nhà ở các tỉnh miền Trung trong một tuần trước, người bố trẻ càng sốt ruột hơn. Anh cố gắng tìm mọi cách để gọi điện thoại đến số cứu hộ, cứu nạn của phường nhờ trợ giúp. Thế nhưng, các cuộc gọi gần như đều thất bại do sóng điện thoại yếu, gần như không có.
Không thể nào ngồi trông chờ vào các lực lượng cứu hộ, anh liều mình thử lội nước sang nhà người bác họ ở gần đó. May mắn, nước dâng chưa quá cao, anh nhanh chóng đã đưa được vợ con và ba mẹ già đến nhà người bác để tránh lũ. Nghĩ tới những món đồ nổi ngổn ngang trong nhà, anh Trầm chỉ biết thở dài, coi như “của đi thay người”.
“Giờ lo nhất đó là thiếu nước sạch sinh hoạt. Lúc đầu tôi có dự trữ nước, nhưng nước lũ dâng lên ào ào, tràn cả vào bể trữ nước. Mong đến sáng ngày mai, điện sẽ được mở lại để bà con có nước sạch dùng, chứ không thì mấy ngày tới không biết lấy đâu ra nước sạch”, anh than thở.
16h30, thấy nước lũ cũng đã chững lại rồi giảm dần, anh cố gắng lội nước ra phía bên ngoài, tìm mua cho con vài gói cháo và mua cho ba mẹ một ít thuốc cảm. Đứa trẻ 3 tuổi vốn rất thích món mì gói, giờ chỉ cần nhìn thấy gói mì là khóc, lắc đầu nguầy nguậy.
Ba mẹ anh cũng đã ngâm mình trong nước cả sáng, xương cốt cũng rệu rã. Anh mua sẵn một ít thuốc cảm để nhỡ ba mẹ bệnh là có thuốc uống ngay.
Ra đến đầu ngõ, anh Trầm bắt gặp một đội cứu hộ của bộ đội và công an đang hạ xuồng để vào sâu bên trong các khu phố, đưa trẻ nhỏ, người già trong những ngôi nhà bị ngập sâu đến nơi tránh trú an toàn.
"Thấy các anh công an, bộ đội cứu hộ dân, tôi đã cảm thấy yên tâm hẳn. Chỉ mong sao điện thoại đừng mất sóng nữa để đến lúc khẩn cấp có thể gọi họ đến cứu", anh Trầm bày tỏ.
3 đêm thức trắng của lực lượng cứu hộ
“Anh ơi, hiện nay nước lũ đang lên rất nhanh, phải ứng cứu khẩn cấp bà con gấp”, anh Huỳnh Hải Hưng, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã Phổ Văn, nghe tiếng đồng nghiệp gọi về báo gấp gáp qua điện thoại.
Khi ấy, anh Hưng vừa mới tranh thủ về nhà sau 2 đêm thức trắng trực bão tại đơn vị. Bão vừa đi qua, anh vội vàng chạy về nhà kiểm tra tình hình. Nhiều phần ngói của căn nhà đã bị bão hất tung, nước chảy lai láng khắp nơi.
Vừa lướt qua nhà trong tích tắc thì nhận điện thoại của đơn vị, anh nói một câu chào vội với gia đình rồi quay lại cơ quan để đi cứu hộ cho bà con.
“Vai trò của mình là cứu người trên hết. Trách nhiệm đó của mình đặt lên hàng đầu”, nam chiến sĩ chia sẻ.
Ngay khi nhận tin báo của người dân, đơn vị ngay lập tức huy động 2 xuồng máy và đề nghị công an thị xã chi viện thêm 2 cano, chia nhau để đi cứu hộ dân tại các khu vực lụt nặng.
Lực lượng chức năng đưa thuyền đến cứu hộ người dân tại khu vực nước lũ dâng cao. (Ảnh: Hải Hưng) |
Là một người chỉ huy, việc khó khăn nhất với anh Hưng chính là đưa ra những quyết định vào các tình huống nguy hiểm sao cho phải đảm bảo an toàn cho cả người dân lẫn an nguy của đồng đội.
Anh ấn tượng nhất tình huống khi phải tìm cách đưa một người đi cấp cứu tại bệnh viện khi nước lũ đang lên rất cao. Việc tiếp cận người dân trong vùng ngập sâu là rất khó khăn do các tuyến đường liên thôn gần như bị chia cắt.
Sau khi cân nhắc về nhiều phương án, anh Hưng cùng các đồng đội quyết định sẽ chằng kéo dây, đi ngược với dòng nước lũ lên khu vực người dân ở để ứng cứu người đi bệnh viện.
“Tình huống này dẫu biết rằng cực kỳ nguy hiểm nhưng anh em vẫn cố gắng hết sức, vì bà con đang cần mình”, nam chiến sĩ chia sẻ.
19h, các chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự xã Phổ Văn mới được nghỉ ngơi sau một ngày làm việc vất vả. Trong một buổi chiều, anh Hưng và các đồng đội cũng đã giải cứu 10 người già, gần 20 trẻ nhỏ và một trẻ sơ sinh từ vùng lũ đến nơi an toàn.
Theo dự báo, mực nước trên sông Trà Cau có thể dâng cao khiến nhiều nơi tại thị xã Đức Phú bị chìm trong biển nước. Nếu kết hợp với triều cường lên và lượng mưa từ vùng núi đổ về, mực nước lũ có thể sẽ lên rất cao. Anh Hưng cùng các chiến sĩ của Ban chỉ huy quân sự xã lại thêm một đêm trắng túc trực ứng cứu bà con lũ.
“Dù mực nước lũ chiều nay đã hạ xuống nhưng không vì thế mà chủ quan. Mình phải luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu bởi bà con có thể cần mình bất cứ lúc nào”, người chỉ huy nói, tay với vội chiếc điện thoại đang đổ chuông liên hồi.