📞

Quảng Ngãi mở rộng bầu trời thu hút đầu tư mới

Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Ngãi 15:41 | 12/11/2024
Sự góp mặt của doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ngãi đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong tương lai.
Khu công nghiệp VSIP Quảng Ngãi. (Ảnh: Hải Phong)

Điểm đến của nhà đầu tư khắp thế giới

Tại Hội nghị Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh diễn ra hồi đầu tháng 10/2024, ông Zhang Zhengze, Tổng giám đốc Công ty TNHH Techlink Pets Việt Nam cho hay, sau khi đầu tư ở Bình Dương, công ty tiếp tục chọn Quảng Ngãi là điểm đến đầu tư tiếp theo ở Việt Nam. Bởi nơi đây sở hữu Khu công nghiệp VSIP có dịch vụ vượt ngoài mong đợi của nhà đầu tư.

Ông Zhang Zhengze bày tỏ: “Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng hỗ trợ các thủ tục cho nhà đầu tư nhanh gọn. Được sự hỗ trợ của các cơ quan trong tỉnh, các dự án của công ty đã hoàn thành sau 227 ngày - vượt ngoài sự mong đợi của chúng tôi. Hiện tại chúng tôi đang chuẩn bị thủ tục để mở rộng nhà máy tại Quảng Ngãi”.

Trong khi đó, ông Michael Chiu, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Hong Kong (Trung Quốc) tại Việt Nam khẳng định, Quảng Ngãi có tiềm năng trở thành điểm đến đầu tư không chỉ cho các nhà đầu tư ở Hong Kong mà cho tất cả các nhà đầu tư khác trên thế giới.

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hoàng Giang trao đổi với các nhà đầu tư bên lề Hội nghị Quảng Ngãi gặp gỡ, tiếp xúc doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.

Số liệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ngãi đã chứng minh điều đó. Tính đến tháng 10/2024, Quảng Ngãi có tổng 73 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn hiệu lực, với tổng số vốn đầu tư hơn 2.335 triệu USD. 73 dự án này đến từ 14 quốc gia, vùng lãnh thổ như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Áo, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore, Philippines, Malaysia, Anh, Mỹ, Đức, Bỉ, Thái Lan. Trong đó, Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Hàn Quốc) là dự án FDI có vốn đầu tư cao nhất là 315 triệu USD.

Vì sao những nhà đầu tư này lại “ưu ái” Quảng Ngãi đến thế? Mảnh đất ven biển nằm ở vùng Duyên hải Nam Trung Bộ có tiềm năng lớn trong phát triển kinh tế biển, nhất là các ngành công nghiệp nặng gắn với cảng biển nước sâu Dung Quất.

Nơi đây còn được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam, thắng cảnh với địa mạo, địa chất độc đáo, là mảnh đất có bề dày văn hóa và lịch sử còn hiện hữu đến ngày nay thông qua hệ thống di tích, di sản văn hóa lễ hội, kiến trúc rất độc đáo. Đây là nguồn tài nguyên quý giá để phát triển du lịch Quảng Ngãi theo định hướng lấy du lịch biển - đảo làm mũi nhọn, du lịch văn hóa làm trọng tâm và du lịch sinh thái làm nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

“Quảng Ngãi luôn coi sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh, lợi ích của doanh nghiệp là lợi ích của tỉnh và tiềm năng của chúng tôi là cơ hội của các bạn” - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ngãi Bùi Thị Quỳnh Vân đã nhấn mạnh tại Hội nghị "Giới thiệu Quảng Ngãi" tại Hà Nội.

Quảng Ngãi còn là địa phương có nền kinh tế phát triển hết sức năng động, với sự phát triển đồng bộ của các lĩnh vực từ kinh tế biển, du lịch, công nghiệp, dịch vụ, nông - lâm - ngư nghiệp…. Thời gian qua, địa phương này không ngừng cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, phát huy nội lực, nỗ lực thu hút đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội và đã vươn lên nằm trong top 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có quy mô nền kinh tế lớn nhất cả nước.

Ngoài ra, với dư địa phát triển dồi dào, định hướng đúng đắn của lãnh đạo tỉnh đã và đang tạo ra động lực, nguồn lực cho thời kỳ phát triển mới của Quảng Ngãi. Đây là nơi hội tụ nhiều tiềm năng to lớn để phát triển năng động, bứt phá trong thời gian tới.

Sẵn sàng đón sóng đầu tư mới

Theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Quảng Ngãi phát triển dựa trên sự hài hòa giữa 3 trụ cột: Kinh tế - xã hội - môi trường; ưu tiên thu hút các doanh nghiệp, nhà đầu tư cả trong và ngoài nước nghiên cứu đầu tư vào các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế, có tính lan tỏa, kết nối, có giá trị tăng cao, phù hợp với quy hoạch tỉnh và tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn.

Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan Việt Nam (Hàn Quốc) là dự án FDI có vốn đầu tư cao nhất là 315 triệu USD.

Hiện tại, Quảng Ngãi ưu tiên kêu gọi đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2024 - 2025 với 34 dự án, trong các lĩnh vực như: Y tế, dịch vụ, du lịch, môi trường, hạ tầng đô thị, dịch vụ, thương mại, hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, công nghiệp sản xuất hóa dầu, hóa chất và các sản phẩm dầu khí, công nghiệp bán dẫn; công nghiệp sản xuất dệt, may mặc, sản xuất chế biến thực phẩm nước giải khát; cơ khí chế tạo, điện tử, công nghiệp phụ trợ, logistics...

Quảng Ngãi tiếp tục tập trung thu hút có chọn lọc, nâng cao chất lượng các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh có tiềm lực, thương hiệu mạnh, chú trọng thu hút những dự án mà tỉnh có tính loan tỏa mạnh mẽ nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển mạnh mẽ và bền vững trong giai đoạn đến.

Để đón thêm dòng vốn đầu tư mới, tỉnh đang áp dụng các chính sách ưu đãi đầu tư theo khung chính sách chung về ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ, đúng quy định của pháp luật về đầu tư của Việt Nam; ngoài ra, tỉnh còn có một số ưu đãi vào các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và lĩnh vực xã hội hóa.

Đơn cử như: Miễn giảm tiền thuê đất lên đến 25 năm đối với những dự án xã hội hóa trong khu vực đô thị; miễn giảm tiền thuê đất lên đến trọn đời đối với những dự án xã hội hóa ngoài khu vực đô thị. Về chính sách hỗ trợ nông nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ về xây dựng cơ sở hạ tầng xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án, xử lý môi trường, mức hỗ trợ này tối đa lên đến 60% chi phí đầu tư.

Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Ngãi tập trung công tác hỗ trợ các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong kết nối hạ tầng, hỗ trợ cung ứng nguồn nhân lực, hỗ trợ các thủ tục hành chính… cam kết đồng hành cùng các doanh nghiệp để tiếp cận và triển khai dự án được thuận lợi, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện của nhà đầu tư, tạo môi trường thuận lợi nhất, đem lại sự hài lòng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đầu tư vào tỉnh.

Toàn cảnh Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. (Ảnh: Hạ Vi)

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ; luôn đồng hành, hỗ trợ các nhà đầu tư đã và đang đầu tư, xem công tác hỗ trợ đầu tư là một hình thức xúc tiến đầu tư hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Bên cạnh tập trung thu hút các dự án từ các quốc gia truyền thống, như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Trung Quốc thì Tỉnh cũng chú trọng đẩy mạnh hoạt động xúc tiến để thu hút đầu tư từ các nền kinh tế thuộc Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Quảng Ngãi đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn; từng bước hình thành công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao tại các khu công nghiệp và cụm công nghiệp tập trung; xây dựng được thương hiệu về các loại hình dịch vụ chất lượng cao, với điểm nhấn là du lịch…

Sự góp mặt của doanh nghiệp, doanh nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài là một trong những yếu tố quan trọng để Quảng Ngãi đạt mục tiêu trên.

Quảng Ngãi luôn cam kết tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư thông qua việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng, cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục đầu tư và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đồng thời, sẵn sàng lắng nghe ý kiến và mong muốn của nhà đầu tư, để điều chỉnh phù hợp nhằm thu hút ngày càng nhiều nguồn lực đầu tư.