📞

Quảng Ninh "cậy" khoa học, công nghệ phát triển nông nghiệp

18:35 | 18/12/2015
Khoa học và Công nghệ của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục đạt được nhiều thành tựu, nổi bật là góp phần xây dựng thành công thương hiệu nông sản "Mỗi xã, phường một sản phẩm" - OCOP Quảng Ninh.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh tham quan các gian hàng tại Hội chợ Mỗi xã, phường một sản phẩm - OCOP Quảng Ninh 2015.

Chiếm tỷ trọng không lớn trong kinh tế tỉnh Quảng Ninh nhưng nông nghiệp có vị trí đặc biệt quan trọng, bởi mang lại việc làm và thu nhập ổn định cho gần 50% người dân trên địa bàn, cung cấp một lượng lớn hàng hoá cho thị trường. Năm 2015 là năm tiếp theo, hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ; chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) trong nông nghiệp ở tỉnh Quảng Ninh... góp phần gia tăng giá trị sản xuất ở các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp, nâng cao thu nhập, phục vụ đời sống người dân.

"Chuẩn" từ bao bì

Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước xây dựng một chương trình riêng về phát triển thương hiệu nhằm nâng cao giá trị nông sản. Theo đánh giá, đây sẽ là sự chuẩn bị tốt cho các sản phẩm đặc thù, nhất là nông sản của Tỉnh để hội nhập kinh tế quốc tế, tạo cơ sở để các sản phẩm nông nghiệp tự tin cạnh tranh và phát triển thị trường xuất khẩu. Trong năm 2015, Quảng Ninh tiếp tục đẩy mạnh chương trình xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, chương trình OCOP… Đến nay Quảng Ninh đã xây dựng được 21 nhãn hiệu, trong đó có ba chỉ dẫn địa lý được bảo hộ, 13 nhãn hiệu chứng nhận, năm nhãn hiệu tập thể. Tất cả 21 nhãn hiệu đã được cấp văn bằng của Bộ KH&CN và được trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông sản.

Sở KH&CN Quảng Ninh đã chủ động hướng dẫn các địa phương, đơn vị phát huy hiệu quả các dự án xây dựng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp. Hiện các địa phương đã và đang đẩy mạnh công tác xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn vốn ngân sách để triển khai thực hiện vùng sản xuất tập trung đã được quy hoạch.

Quảng Yên, Ba Chẽ, Tiên Yên, và Bình Liêu là những địa phương đi đầu trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức bố trí nguồn vốn để triển khai thực hiện vùng sản xuất tập trung. Hiện nhiều thương hiệu đã góp phần gia tăng khoảng 50% giá trị sản phẩm. Trước khi thực hiện dự án, 1 ha rau chỉ bán được 50-70 triệu đồng. Sau khi thực hiện dự án, năm 2015 1 ha rau thu được 100-150 triệu đồng. Rau an toàn Quảng Yên đã không chỉ có mặt tại TP Hạ Long, Cẩm Phả, mà đã được xuất sang các thị trường lân cận như Hải Phòng với sản lượng tiêu thụ 10-11 tấn/ngày.

Ngoài ra, nhằm từng bước nâng cao chất lượng các thương hiệu nông sản, Tỉnh tổ chức cuộc thi thiết kế nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp bao bì cho các sản phẩm chương trình OCOP.

Công nghệ hóa nông nghiệp

Bên cạnh đó, chương trình nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi được chú trọng. Trong năm 2015, Quảng Ninh triển khai bảy dự án nối tiếp từ các năm 2012. Đồng thời thực hiện 30 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ của Tỉnh. Các dự án, nhiệm vụ KH&CN đã tập trung chuyển giao quy trình sản xuất giống, công nghệ tiên tiến có tính quyết định đến phát triển sản xuất của doanh nghiệp với tổng số trên 20 công nghệ như dây chuyền sản xuất, bảo quản bột dong để sản xuất miến, sản xuất chè Hải Hà theo hướng VietGap...

Tính đến nay, Quảng Ninh đã phê duyệt bảy dự án thuộc Đề án phát triển doanh nghiệp KH&CN Tỉnh đến năm 2020 với tổng kinh phí thực hiện trên 46 tỷ đồng. Hiện đã có bốn doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp KH&CN. Công tác quản lý nhà nước về KH&CN trong sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn đo lường chất lượng, hợp tác chuyển giao thông tin với các trường đại học, viện nghiên cứu… được tăng cường. Cùng với đó là chủ trương đầu tư, dây chuyền công nghệ cho các dự án trên địa bàn tỉnh; hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về KH&CN cho các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp; hoạt động tư vấn chuyển giao công nghệ tham gia mạnh mẽ vào quá trình hỗ trợ tái cấu trúc doanh nghiệp...

Chuẩn bị cho kế hoạch năm 2016, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành quyết định phê duyệt danh mục 21 nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh, trong đó 14 nhiệm vụ nghiên cứu khoa học phát triển công nghệ; sáu dự án ứng dụng tiến bộ KH&CN; một dự án chuyển giao tiến bộ KH&CN cấp tỉnh. Sở KH&CN cũng đã chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, xây dựng thực hiện các nhiệm vụ KH&CN này.

Nguyễn Hoa