Đổi mới từ cơ sở hạ tầng
Trước đây, một trong những lý do khiến nhà đầu tư “ngần ngại” khi đầu tư vào Quảng Ninh là do cơ sở hạ tầng, đặc biệt là cơ sở hạ tầng giao thông còn nhiều bất cập. Đây cũng là trở ngại chính khiến Quảng Ninh khó khăn trong việc kêu gọi vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư đã đến Quảng Ninh khảo sát thị trường nhưng đều rút lui vì lý do giao thông không thuận lợi.
Sớm nhận ra những bất cập đó, trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, Quảng Ninh đã hướng đến giải pháp đa dạng hóa các hình thức đầu tư, thu hút nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế, đặc biệt là sự tham gia của tư nhân. Đồng thời, tỉnh cũng xác định đây là giải pháp tối ưu giúp giảm áp lực lên ngân sách, thúc đẩy các dự án hạ tầng được triển khai thuận lợi, chất lượng, đúng tiến độ.
Với hướng đi đúng đắn, cách làm linh hoạt, sáng tạo, chỉ chưa đầy 3 năm, Quảng Ninh đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng (trong đó nguồn vốn đầu tư từ ngân sách 10.172 tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa 19.828 tỷ đồng). Nhiều dự án đã hoàn thành, đưa vào sử dụng như: Cầu Bắc Luân II; đường dẫn Cầu Bắc Luân II; cải tạo, nâng cấp QL18 từ Đông Triều đến Mông Dương; đường Đông Triều - Lục Nam (Bắc Giang); đường Khu công nghiệp cảng biển Hải Hà; đường giao thông kết nối đường Trới - Vũ Oai với QL18 qua KCN Việt Hưng...
Phối cảnh Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. (Nguồn: BQN) |
Nhiều dự án quan trọng cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2018 như: Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn; tuyến đường từ Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đến Khu phức hợp giải trí cao cấp Khu kinh tế Vân Đồn; cao tốc Hạ Long - Hải Phòng xuống KCN Nam Tiền Phong; cảng khách quốc tế Hòn Gai; Trạm kiểm soát liên ngành cầu Bắc Luân II... Chuẩn bị đầu tư một số công trình, dự án trọng điểm khác như: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, dự kiến sẽ khởi công trong quý III/2018, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả dự kiến khởi công quý III/2018…
Những công trình dự án trên đã làm thay đổi mạnh mẽ kết cấu giao thông, đô thị Quảng Ninh, góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh, góp phần liên kết vùng, tạo động lực phát triển toàn diện vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và quốc tế.
Không chỉ thành công trong thu hút nguồn lực nâng cấp, đổi mới cơ sở hạ tầng giao thông trọng điểm, Quảng Ninh cũng rất thành công trong thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư lớn để tập trung đầu tư hạ tầng du lịch và đô thị. Theo đó, hàng loạt khu đô thị mới đã được triển khai xây dựng, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng, làm thay đổi diện mạo đô thị.
Một loạt các khu nghỉ dưỡng, khách sạn đẳng cấp quốc tế đang góp phần thay đổi diện mạo của Quảng Ninh trong con mắt của nhiều nhà đầu tư quốc tế. Điển hình như Công viên Đại Dương của Tập đoàn Sun Group; Khu nghỉ dưỡng biển cao cấp Vinpearl Ha Long Bay Resort của Tập đoàn Vingroup; Quần thể du lịch nghỉ dưỡng của Tập đoàn FLC tại Hạ Long; Khu du lịch đảo Tuần Châu, cảng tầu Tuần Châu; các trung tâm thương mại Vincom, BigC, Mega Market; sân golf Ngôi sao Hạ Long...
Cùng với đó, các dự án hạ tầng văn hóa, thể thao như: Bảo tàng, Thư viện tỉnh; Cung Quy hoạch, hội chợ, triển lãm và văn hóa tỉnh; Nhà thi đấu đa năng 5.000 chỗ; Công viên hoa Hạ Long cũng đã hoàn thành và đang phát huy hiệu quả với những đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là du lịch.
Với mục tiêu phấn đầu trở thành một trung tâm du lịch đẳng cấp vào năm 2030, hiện thực hóa mục tiêu trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp vào năm 2020, Quảng Ninh xác định tiếp tục tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội, đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch, xây dựng các đô thị có kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, hướng tới mô hình đô thị thông minh, kiểu mẫu.
Thúc đẩy thu hút đầu tư quốc tế
Với cách làm mới và quyết tâm của chính quyền, những năm gần đây, môi trường đầu tư kinh doanh của Quảng Ninh liên tục được cải thiện và có những chuyển biến rõ nét. Không chỉ nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoạt động xúc tiến đầu tư, đặc biệt là thu hút nguồn đầu tư quốc tế luôn được tỉnh đẩy mạnh. Thay vì bị động “chờ” nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn.
Quảng Ninh và Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đã ký kết chương trình hợp tác Nhật Bản - Quảng Ninh với tầm nhìn 30 năm. Hai bên đã thành lập Hội đồng cố vấn để hỗ trợ, hợp tác thu hút đầu tư từ Nhật Bản vào Quảng Ninh và xây dựng chiến lược thu hút đầu tư của tỉnh.
Từ năm 2017 đến nay, Hội đồng cố vấn đã hỗ trợ, giới thiệu nhiều đoàn đại diện chính quyền địa phương và doanh nghiệp Nhật Bản đến thăm, làm việc tại Quảng Ninh; hỗ trợ tỉnh quảng bá tuyên truyền qua website của JETRO. Bên cạnh đó, JETRO cũng tư vấn cho Quảng Ninh thành lập Bộ phận hỗ trợ doanh nghiệp Nhật Bản (Japan Desk) trực thuộc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh.
Quảng Ninh cũng thường xuyên hợp tác chặt chẽ với 2 hãng truyền thông quốc tế lớn của Nhật Bản là JiJi Press và Nhật báo Nikkei để đưa hình ảnh một Quảng Ninh thân thiện và nhiều tiềm năng đầu tư đến các doanh nghiệp Nhật Bản và doanh nghiệp quốc tế.
Những năm qua, trong hợp tác đầu tư với Nhật Bản, Quảng Ninh đã có nhiều chương trình phối hợp, hợp tác phát triển, nổi bật: Ký kết hợp đồng lập Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 và ngoài 2050 với Công ty Nikken Sekkei (Nhật Bản); hợp đồng dịch vụ tư vấn lập Quy hoạch môi trường Quảng Ninh và vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với Công ty TNHH Nippon Koei (Nhật Bản); biên bản ghi nhớ với Công ty Seiwa Denko và Công ty Chodai (Nhật Bản) về việc hợp tác thực hiện dự án Cải thiện môi trường nước thông qua việc ứng dụng hệ thống xử lý nước thải độc lập không thu gom, không đảo trộn tại vịnh Hạ Long - Di sản thiên nhiên thế giới…
Thay vì bị động “chờ” nhà đầu tư đến với mình, Quảng Ninh đã chủ động kết nối, mời gọi nhà đầu tư có tiềm lực trong và ngoài nước đầu tư dự án vào địa bàn. (Nguồn: QTV) |
Ngoài ra, các ngành chức năng của tỉnh cũng ký kết biên bản ghi nhớ với nhiều công ty của Nhật Bản trên nhiều lĩnh vực, như: Ký kết với Công ty Green Tex, Công ty Chodai (Nhật Bản) về hợp tác thực hiện dự án thử nghiệm Ứng dụng công nghệ G-tex trong thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ thích ứng với điều kiện môi trường tự nhiên và phát triển thị trường nông sản giá trị gia tăng cao; Công ty CP Đầu tư xây dựng Việt Long với Công ty CP Green Wind (Nhật Bản) ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác liên doanh đầu tư phát triển sản xuất và xuất khẩu rau an toàn tại Quảng Ninh...
Các doanh nghiệp Nhật Bản cũng đang đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Quảng Ninh với nhiều dự án nổi bật như: Dự án nuôi cấy, sản xuất gia công và kinh doanh ngọc trai tại KKT Vân Đồn của Công ty Taiheiyo Shinju Việt Nam; Nhà máy chế biến dăm gỗ xuất khẩu tại KCN Cái Lân (Công ty TNHH Sản xuất nguyên liệu giấy Việt Nhật Cái Lân); Nhà máy gia công sản phẩm nhựa gia cường sợi thủy tinh tại Đông Triều (Công ty TNHH MTV Nhựa gia cường sợi thủy tinh); Nhà máy sản xuất hệ thống dây dẫn và thiết bị điện ô tô tại KCN Đông Mai (Chi nhánh Công ty TNHH Yazaki Hải Phòng Việt Nam.
Bên cạnh quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển, ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, Quảng Ninh cũng dành nhiều quan tâm cho các nhà đầu tư chiến lược, có thiện chí và đặc biệt tôn trọng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung cũng như thực hiện nghiêm những cam kết bảo vệ môi trường của Quảng Ninh trong triển khai dự án.
Đến nay, cùng với các nhà đầu tư Nhật Bản, tỉnh Quảng Ninh đã thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược quan tâm vào địa bàn tỉnh như Amata (Thái Lan), Công ty CP Trung Đông (UEA), Texhong (Hong Kong – Trung Quốc) và các tập đoàn hàng đầu của Việt Nam là Vingroup, Sun Group, FLC, MyWay, BIM Group, Tập đoàn Thủy sản Việt - Australia, Tập đoàn Thành Công...