Tàu ANNOU MAX trọng tải 176.364 tấn, lớn nhất từ trước đến nay hạ neo tại khu vực cảng Hòn Nét, TP. Cẩm Phả, Quảng Ninh ngày 5/6/2019. (Nguồn: Quangninh.gov) |
Trong đó, kinh tế biển được xác định đóng vai trò quan trọng đối với kế hoạch này. Định vị lại tiềm năng, lợi thế từ biển, ngày 23/4/2019, Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU, đặt quyết tâm, định hướng rõ nét các kế hoạch phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn. Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đã đặt ra 8 chỉ tiêu cụ thể trong 3 giai đoạn 2019-2025 và 2026-2030 và đến năm 2045.
Mục tiêu 25.000 tỷ đồng vào năm 2025
Quảng Ninh hiện có 6 khu vực cảng, sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển Quảng Ninh tăng trưởng trung bình 21,7%/năm. Cụ thể, năm 2018, tổng lượng hàng hóa thông qua các cảng đạt 81,79 triệu tấn, chủ yếu thông qua 2 cảng là Cái Lân và Cẩm Phả, chiếm 97,5% lượng hàng hóa trực tiếp. Cảng biển của Quảng Ninh đang khai thác phát triển 11 loại dịch vụ, trong đó nổi bật là dịch vụ bốc xếp hàng hóa tại cảng CICT được trang bị hệ thống xếp dỡ hàng hóa hiện đại với 4 cẩu bờ Panamax; dịch vụ đóng mới, sửa chữa tàu biển tại Nosco Vinalines; dịch vụ quản lý hải quan tự động… đem lại doanh thu tốt, năm 2018 đạt 1.801 tỷ đồng, tỷ trọng đóng góp giá trị tăng thêm của ngành dịch vụ cảng biển trong GRDP là 0,42%.
Tuy nhiên, theo đánh giá từ các chuyên gia tư vấn, dù có nhiều lợi thế, kết nối giao thương với các tỉnh trong vùng, cả nước và quốc tế ở cả 4 phương thức giao thông gồm đường bộ, đường thủy, đường sắt, đường hàng không là điều kiện tốt để thu hút hàng hóa biên mậu, hàng hóa từ các tỉnh lân cận, thu hút khách du lịch quốc tế. Tuy nhiên, đến nay dịch vụ cảng biển của tỉnh còn đơn giản, chất lượng chưa cao. Các cơ chế, chính sách phát triển dịch vụ cảng biển chưa hoàn thiện, thiếu ưu đãi để thu hút đầu tư. Đặc biệt, lợi thế của tỉnh trong việc phát triển dịch vụ cảng biển chưa được phát huy tối đa.
Từ yêu cầu thực tế, Quảng Ninh đã xây dựng Đề án phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên quan điểm gắn kết, phù hợp Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam.
Cụ thể, giai đoạn đến năm 2030 sẽ phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng nhanh, đồng bộ, hiện đại theo chuẩn quốc tế gắn với các khu kinh tế, khu công nghiệp; tập trung nguồn lực đầu tư các bến cảng tại khu vực tiềm năng; ưu tiên hình thành chuỗi dịch vụ cảng biển gắn liền với hoạt động kinh tế, giao lưu thương mại quốc tế, phát triển tối thiểu 15/20 dịch vụ.
Đến năm 2045, định hướng phát triển cảng biển và kết cấu hạ tầng theo hướng đồng bộ, hiện đại, ứng dụng mạnh mẽ khoa học kỹ thuật vào quản lý, khai thác, phát triển 20/20 dịch vụ, phát triển hậu cần sau cảng và logistics theo quy hoạch. Trong đó, tập trung khai thác tối đa quy hoạch khu bến Yên Hưng (Đầm Nhà Mạc), TX Quảng Yên, biến nơi đây thành trung tâm dịch vụ cảng biển của khu vực miền Bắc, mang đặc thù là nơi cung cấp các dịch vụ logistics cho hệ thống các cảng của TP Hải Phòng.
Trước mắt, giai đoạn 2019 - 2025, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%, đóng góp khoảng 1,2 - 1,5% trong GRDP của Tỉnh, sản lượng hàng hóa đạt 114,5 - 122,5 triệu tấn, lưu lượng hành khách vận tải biển đạt 250.000-300.000 lượt; phát triển dịch vụ cảng hành khách có giá trị tăng cao; phát triển thêm từ 2-3 dịch vụ cảng hàng hóa; ưu tiên hoàn thiện hạ tầng cảng biển. Giai đoạn 2026-2030, cảng biển phấn đấu doanh thu đạt khoảng 47.500 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 18,5%, đóng góp khoảng 3-3,5% trong GRDP của tỉnh; đầu tư Cảng khách quốc tế Vân Đồn, Vạn Hoa thành cảng lưỡng dụng...
Chiến lược cảng biển
Để triển khai thực hiện nghị quyết, tỉnh đã tổ chức xây dựng kế hoạch, bám sát, cụ thể hóa lộ trình, tiến độ, nhu cầu vốn đầu tư cho từng giai đoạn. Cùng với đó là các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, có trọng tâm, trọng điểm gắn với tình hình thực tế của tỉnh và từng địa phương, đơn vị.
Giải pháp chủ yếu của kế hoạch sẽ tập trung vào nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước; đầu tư phát triển hạ tầng cảng biển gồm kho bãi, khu hậu cần logistics, cảng cạn, đầu tư mới khu bến Vạn Ninh, Con Ong - Hòn Nét và hạ tầng giao thông kết nối. Về dịch vụ, sẽ phát triển cảng khách quốc tế theo hướng chất lượng cao, tầm cỡ quốc tế, nâng cao chất lượng 9 nhóm dịch vụ cảng hàng hóa thế mạnh, là: Dịch vụ công, dịch vụ kinh doanh trực tiếp, dịch vụ lưu kho bãi, dịch vụ xếp dỡ hàng hóa, cung ứng tàu biển lai dắt, kinh doanh gián tiếp, dịch vụ đa phương thức và dịch vụ khác.
Để thu hút nguồn hàng, Quảng Ninh sẽ ưu tiên xây dựng phương án thu phí hạ tầng cảng biển theo hướng ưu đãi; tiếp tục thu hút đầu tư cho phát triển hạ tầng cơ sở gắn với cụm, khu công nghiệp, khu kinh tế, mở thêm các tuyến vận tải hàng hóa, liên kết dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực, các giải pháp về marketing quảng bá, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khai thác cảng để hình thành chuỗi dịch vụ - du lịch đường biển kết nối chặt chẽ với nhau.
Trong quá trình thực hiện, Quảng Ninh xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển, khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề thành lập và tham gia hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng những lợi thế cạnh tranh, phấn đấu hình thành những tổng kho hàng hóa, cung ứng đầy đủ cho khu vực miền Bắc.
Nghị quyết 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển đã cho thấy được quyết tâm rất cao của cả hệ thống chính trị Quảng Ninh. Theo tinh thần Nghị quyết, trong tương lai gần, lợi thế về cảng biển của Quảng Ninh sẽ được khai thác một cách triệt để theo hướng đồng bộ, hiện đại, thông minh, phù hợp với vị thế của Tỉnh hiện nay và xu thế hội nhập, phát triển dịch vụ cảng biển hiện nay trên thế giới.