Tham dự Hội nghị có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và gần 200 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất tham gia Chương trình OCOP.
(nguồn: Báo Quảng Ninh) |
Sau 3 năm triển khai, Chương trình OCOP đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đáng chú ý, về phát triển sản xuất, toàn tỉnh đến nay có 198 sản phẩm, nhóm sản phẩm có chất lượng, đạt tiêu chuẩn, mẫu mã phong phú được thị trường trong và ngoài tỉnh đón nhận. Về tổ chức kinh tế, toàn tỉnh có 180 tổ chức kinh tế, cơ sở, hộ sản xuất tham gia chương trình. Quy mô, năng lực của các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình có sự tăng trưởng nhanh với tổng vốn pháp định đăng ký trên 117 tỷ đồng, thu hút 2.172 lao động.
Chương trình OCOP ngày càng khẳng định được thương hiệu và trở thành nét riêng của Quảng Ninh, góp phần tái cơ cấu nền kinh tế nông nghiệp tỉnh theo hướng phát triển sản xuất tập trung, gia tăng giá trị sản phẩm. Đặc biệt, thông qua các hội chợ, sản phẩm OCOP trở thành sản phẩm du lịch của tỉnh.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2017-2020, Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đưa Chương trình OCOP trở thành chương trình phát triển kinh tế quan trọng của tỉnh, phát huy thế mạnh của ngành nông nghiệp và quản lý, phát triển nhãn hiệu OCOP thành thương hiệu uy tín trong cả nước và quốc tế. Để đạt được mục tiêu này, tỉnh sẽ tổ chức sản xuất hàng hóa nông nghiệp với quy mô lớn hơn và duy trì chất lượng thương hiệu OCOP Quảng Ninh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong tỉnh và toàn quốc.
Thời gian tới, Quảng Ninh sẽ siết chặt quản lý các sản phẩm OCOP. Đối với sản phẩm không đạt tiêu chuẩn, sẽ bị đình chỉ sản xuất. Năm 2017, tỉnh cũng sẽ lựa chọn các sản phẩm chủ lực để có các chính sách riêng trong phát triển, từng bước tiến tới xuất khẩu. Tỉnh sẽ tiếp tục duy trì tổ chức Hội chợ OCOP Quảng Ninh 2 lần/năm, trong đó, giảm dần sự hỗ trợ của Nhà nước, nâng cao tính chủ động của các doanh nghiệp.