Ký kết bên bản ghi nhớ hợp tác tại hội nghị. |
Theo các đại biểu, Quảng Ninh có điều kiện tự nhiên đặc biệt thuận lợi cho nuôi trồng, phát triển dược liệu như: khí hậu ôn hòa, quỹ đất dồi dào, đường bờ biển dài với nhiều loài hải sản có tác dụng làm thuốc. Quảng Ninh là tỉnh có tính đa dạng sinh hoạt cao với trên 600 loài dược liệu trong đó có nhiều loại dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao. Những năm qua, Quảng Ninh đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ cá thể tham gia tích cực trồng phát triển dược liệu. Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình trồng cây dược liệu, là hạt nhân quan trọng để hình thành vùng dược liệu quy mô lớn. Các cơ sở của tỉnh cũng đã sản xuất được một số thuốc, thực phẩm chức năng từ dược liệu.Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, với điều kiện tự nhiên phù hợp, Quảng Ninh cũng đã chú trọng đưa ra các chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, người dân nghiên cứu trồng, phát triển các loại dược liệu và đã có những sản phẩm dược liệu đầu tiên được đưa ra tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng cho rằng, việc phát triển dược liệu vẫn chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh. Vì vậy, ông Đặng Huy Hậu mong muốn, sau Hội nghị lần này, các nhà đầu tư, các doanh nghiệp sẽ quan tâm nghiên cứu, đầu tư vào phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Quảng Ninh cũng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương tạo điều kiện hỗ trợ các chính sách đối với các doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh trên lĩnh vực này.
Tọa đàm về cơ hội phát triển dược liệu bền vững tại Quảng Ninh. |
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết trong nghiên cứu, đánh giá thực trạng nguồn dược liệu để phát động phong trào trồng dược liệu phù hợp tại Quảng Ninh cũng như trên cả nước. Các cơ quan Nhà nước có liên quan cũng cần nghiên cứu xu hướng phát triển nguồn dược liệu của thế giới, từ đó nghiên cứu xây dựng đầu ra cho các sản phẩm dược liệu trong nước. Cùng đó, trong cuộc trao đổi giữa các doanh nghiệp và lãnh đạo huyện Ba Chẽ, các bên đã chia sẻ về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình đầu tư phát triển dược liệu tại địa bàn huyện. Các đại biểu cũng mong muốn các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, tạo cây giống từ nguồn giống dược liệu của tỉnh Quảng Ninh để các đơn vị thuận lợi trong phát triển dược liệu và đảm bảo nguồn gen quý.Cũng tại hội nghị, lãnh đạo Bộ y tế đã công bố Quyết định thành lập Ban chỉ đạo xây dựng vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia Yên Tử; Quyết định thành lập Ban soạn thảo đề án xây dựng Vườn bảo tồn và phát triển cây thuốc Quốc gia Yên Tử. Tỉnh Quảng Ninh cũng đã tiến hành trao giấy chứng nhận đầu tư cho Trung tâm bảo tồn phát triển sinh vật cảnh và làm vườn Quảng Ninh. Trong khuôn khổ Hội nghị, đã có 13 biên bản ghi nhớ về hợp tác trồng, chế biến, tiêu thụ sản phẩm và đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tại Quảng Ninh được ký kết tại hội nghị.Thông qua Hội nghị lần này, Quảng Ninh khẳng định có đầy đủ các yếu tố để phát triển thành một trung tâm dược liệu lớn của cả nước và là tỉnh đầu tiên trong cả nước xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực này. Quảng Ninh cam kết sẽ hỗ trợ cho các nhà đầu tư để khai thác những tiềm năng thế mạnh của tỉnh, phục vụ đời sống dân sinh, góp phần đẩy nhanh mục tiêu chuyển đổi mô hình tăng trưởng của tỉnh từ "nâu" sang "xanh".
Cả nước hiện đang có khoảng 80 doanh nghiệp dược có sản xuất thuốc từ dược liệu và hơn 200 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu đăng ký hộ kinh doanh. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước. Những năm gần đây, các doanh nghiệp này đã nhập khẩu khoảng 400 loại dược liệu khác nhau với khối lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 17,6 nghìn tấn và giá trị đạt 12 triệu USD. |
Hoàng Nam