KCN Cảng biển Hải Hà, Quảng Ninh. (Nguồn: BQN) |
Quảng Ninh duy trì quan điểm không thu hút FDI bằng mọi giá, mà ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, giá trị gia tăng lớn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong năm nay, tỉnh đã xác định tăng cường và chủ động trong thu hút vốn FDI với mục tiêu đạt 3 tỷ USD và phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp.
Nỗ lực ngay từ đầu năm
Để góp phần hiện thực hóa mục tiêu 3 tỷ USD vốn FDI, ngay từ đầu năm, tỉnh đã ban hành kịp thời nghị quyết, kế hoạch về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, trong đó đề ra các chỉ tiêu, giải pháp thu hút đầu tư FDI trong các giai đoạn ngắn, trung và dài hạn.
Ông Châu Thành Hưng, Phó Trưởng Ban Quản lý (BQL) Khu kinh tế (KKT) tỉnh Quảng Ninh cho biết, ngay từ đầu năm, BQL đã xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể kịch bản tăng trưởng kinh tế; đồng thời phối hợp với nhà đầu tư hạ tầng khu công nghiệp (KCN) tổ chức gặp mặt doanh nghiệp đầu tư trong KCN nhằm kịp thời lắng nghe những vướng mắc, nắm bắt thời cơ, đón đầu làn sóng dịch chuyển vốn FDI.
Ông Phạm Xuân Đài, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh Quảng Ninh chia sẻ thêm rằng, đơn vị đã phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các KCN rà soát quỹ đất sạch hiện có, từ đó thống nhất lên danh mục mời gọi thu hút đầu tư. Đồng thời đề nghị chủ đầu tư các KCN tiếp tục phối hợp với chính quyền các địa phương liên quan đẩy nhanh giải phóng mặt bằng, thực hiện đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật trong KCN, tạo ra quỹ đất sạch để tiếp tục thu hút đầu tư.
Chính quyền tỉnh Quảng Ninh đã xác định việc thu hút được dòng vốn FDI chất lượng sẽ giúp tỉnh nhanh chóng mở rộng và tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo nhiều việc làm mới cho người lao động. Vì vậy, tỉnh luôn quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư và không ngừng gia tăng lợi thế tại các KKT, KCN trên địa bàn.
Bên cạnh các ưu đãi như các địa phương khác đối với nguồn vốn FDI về thuế, đất đai, thủ tục hành chính và lao động giá rẻ, Quảng Ninh còn có các ưu thế tỏ rõ tính ưu đãi riêng biệt về cơ hội tiếp cận thị trường trong và ngoài nước do vị trí địa lý và vị thế kinh tế thuận lợi đối với FDI thuộc nhóm công nghệ cao về bán dẫn, năng lượng xanh, kinh tế số và kinh tế xanh.
Nhờ đó, trong 7 tháng năm 2024, Quảng Ninh "rinh" về 1,56 tỷ USD vốn FDI, cao gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2023, đứng thứ 2 toàn quốc chỉ sau tỉnh Bắc Ninh.
Đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã có 130 dự án FDI của 20 quốc gia với tổng vốn đăng ký đạt gần 14 tỷ USD. Hiện đang còn gần 10 dự án đề nghị Quảng Ninh cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đến từ các nhà đầu tư Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).
Sân bay Vân Đồn. (Nguồn: Sức khỏe và Đời sống) |
Không ngủ quên trên chiến thắng
Hiện nay bối cảnh quốc tế đang thay đổi nhanh chóng, phức tạp và khó đoán trước với nhiều vấn đề chưa từng xảy ra, tác động mạnh mẽ đến chiến lược đầu tư của các tập đoàn đa quốc gia.
Tất cả những yếu tố nói trên đang ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng.
Nhận thức rõ điều này, tỉnh luôn xem thành công của nhà đầu tư là thành công của tỉnh và xác định luôn đồng hành, phục vụ nhà đầu tư, doanh nghiệp là phương châm hoạt động của các cấp, ngành.
Để nắm bắt thông tin, chủ động tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược, Quảng Ninh đã làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tìm hiểu nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư FDI lớn. Từ đó, trực tiếp kết nối, tiếp cận, mời gọi về nghiên cứu, đầu tư tại Quảng Ninh.
Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, chuyên sâu; nghiên cứu, lựa chọn các ngành nghề đúng định hướng thu hút đầu tư, dự án xanh - sạch - công nghệ cao.
Thời gian tới, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh thúc đẩy chủ đầu tư các KKT: (Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái), khu công nghiệp: (Đông Mai, Sông Khoai, Việt Hưng, Bắc Tiền Phong), tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà các nhà đầu tư gặp phải. Hệ thống cơ sở hạ tầng như cao tốc, sân bay, bến cảng… của Quảng Ninh đang tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện.
Không ngủ quên trên chiến thắng, các cấp, ngành, địa phương của tỉnh cũng chủ động khắc phục khó khăn, “nhìn về phía trước để tiến lên”, chấn chỉnh tình trạng một bộ phận cán bộ có biểu hiện sợ trách nhiệm, né tránh, trì trệ…
Tin rằng, với cách làm của Quảng Ninh, chắc chắn số lượng nhà đầu tư vào tỉnh giai đoạn những tháng cuối năm sẽ tiếp tục tăng mạnh và tỉnh sẽ "về đích" mục tiêu 3 tỷ USD vốn FDI trong năm nay.