Hình ảnh đảo ngọc Tuần Châu, Quảng Ninh nhìn từ trên cao. (Ảnh: Tuấn Trần) |
Sau 2 năm bị gián đoạn bởi đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã nhạy bén mở cửa lại du lịch trở lại. Địa phương này đã và đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch ở quốc tế, tích cực giới thiệu sản phẩm du lịch mới thu hút du khách.
Tỉnh cũng đã tổ chức các chương trình làm việc, kết nối kích cầu du lịch tại một số tỉnh, thành phố; đặc biệt, chú trọng vào các tập đoàn kinh tế nhà nước và tư nhân, các doanh nghiệp lữ hành lớn có uy tín, các hãng hàng không trong nước.
Du lịch "chắp cánh" nhờ hạ tầng
Xác định du lịch là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, một thập niên qua, Quảng Ninh đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới.
Năm 2015, bãi tắm dài 2 km đã được cải tạo và đầu tư ở trung tâm Bãi Cháy, tạo nên một bãi biển đúng nghĩa cho người dân Hạ Long và du khách. Sau đó, các dự án vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng sang trọng liên tục được đầu tư như tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Ha Long, khu nghỉ dưỡng 5 sao Premier Village Ha Long, khu tắm khoáng nóng chuẩn phong cách Nhật Yoko Onsen Quang Hanh, sân golf đẳng cấp…
Liên tục trong nhiều năm, địa phương này trở thành tâm điểm của du lịch miền Bắc. Năm 2019, Quảng Ninh đón 14 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,7 triệu lượt; doanh thu từ khách du lịch đạt gần 29.487 tỷ đồng.
Tính từ thời điểm 15/3 (khi mở cửa toàn diện du lịch) đến tháng 10/2022, Quảng Ninh đã đón được trên 10 triệu du khách, tăng gấp 3,55 lần; doanh thu du lịch tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, đường lối phát triển kinh tế xanh của Quảng Ninh đang được thực hiện quyết liệt và đã đạt được nhiều thành công qua hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ và ngành du lịch được đầu tư bài bản.
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, TS. Võ Trí Thành cho hay, một loạt các công trình lớn xuất hiện, chủ yếu do các tập đoàn kinh tế tư nhân đầu tư đã làm thay đổi diện mạo Quảng Ninh.
Năm 2019, chỉ sau một năm đi vào hoạt động, sân bay Vân Đồn đã đón 258.000 lượt khách. Và sau khi mở cửa hậu Covid, 8 tháng đầu năm nay, sân bay cũng đón 109.387 lượt khách, trong đó có hơn 2.500 khách quốc tế.
Trong khi đó, qua Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, hơn 32.000 lượt khách quốc tế từ đầu năm 2022 đến nay đã cập bến Hạ Long, nhiều nhất là dòng khách hạng sang đến từ Hàn Quốc, Mỹ, Pháp…
Mới đây nhất, cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đã góp phần hoàn thiện hệ thống hạ tầng không-thuỷ-bộ tại Quảng Ninh. Tuyến cao tốc này đã đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có chiều dài km cao tốc lớn nhất cả nước và mang lại hiệu ứng đặc biệt cho du lịch vùng địa đầu tổ quốc.
Chỉ trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc Khánh, Móng Cái đón lượng khách kỷ lục hơn 150.000 lượt chiếm hơn 60% trong tổng số 250.000 lượt du khách đến Quảng Ninh.
TS. Võ Trí Thành nhấn mạnh: “Có thể khẳng định, với những gì đã làm được, Quảng Ninh xứng đáng là một hình mẫu phát triển kinh tế du lịch nhờ đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng”.
Một thập niên qua, Quảng Ninh đã khoác lên mình diện mạo hoàn toàn mới. (Nguồn: Nhân Dân) |
Không ngừng "làm mới" sản phẩm du lịch
Cùng với việc khai thác tối đa hạ tầng sẵn có, Quảng Ninh còn nỗ lực mở rộng thị trường. Đến nay, trên địa bàn Quảng Ninh có gần 2.100 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 35.800 buồng. Nhiều công ty, tập đoàn lớn đã đến đầu tư khách sạn góp phần tăng thời gian trải nghiệm, lưu trú của du khách tại Quảng Ninh.
Riêng TP. Hạ Long sở hữu 2 sân golf tiêu chuẩn quốc tế, được đánh giá hàng đầu châu Á, cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn chính là lợi thế riêng biệt để Quảng Ninh thu hút dòng khách quốc tế, đặc biệt từ những thị trường có nhu cầu du lịch golf cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các đơn vị kinh doanh còn thường xuyên "tung" nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn. Đơn cử như khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Yoko Onsen Quang Hanh (TP. Cẩm Phả) đã xây dựng gói trải nghiệm nghỉ dưỡng trong ngày với giá 1.750.000 đồng/khách dành cho khách từ Hà Nội. Gói dịch vụ bao gồm hướng dẫn viên, xe đưa đón, chỗ nghỉ tại Premier Village Ha Long Bay Resort, trải nghiệm onsen kèm bữa chính.
Ngoài ra, đơn vị còn giới thiệu ưu đãi 10% trong khung giờ từ 14 giờ đến 20 giờ, giúp du khách có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu và kinh phí.
Có thể thấy, các yếu tố về hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng du lịch là một trong những lợi thế của Quảng Ninh để thu hút khách.
Song việc không ngừng cải thiện và nâng cao chất lượng dịch vụ cũng là lý do khiến Quảng Ninh trở thành điểm đến hấp dẫn, cạnh tranh với các địa phương khác trong khu vực, đồng thời, giữ chân và đưa du khách trở lại; kéo dài thời gian lưu trú và gia tăng trải nghiệm mới cho du khách tại Quảng Ninh.
Trong những tháng cuối năm, tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu sẽ thu hút 1,5 triệu lượt khách, phấn đấu cả năm đạt 11,5 triệu lượt khách. Theo đó, dự kiến TP. Hạ Long sẽ đón 1,1 triệu lượt khách; TP. Móng Cái đón 215 nghìn lượt; TP. Uông Bí đón 600 nghìn lượt…
Để đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Thị Hạnh cho biết, thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai các biện pháp xúc tiến, kích cầu du lịch; tăng cường kiểm tra công tác chỉnh trang đô thị, bảo đảm môi trường du lịch an toàn.
Còn theo Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy, các địa phương, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch cần chủ động kết nối các điểm, khu du lịch, xây dựng mạng lưới liên kết giữa các đơn vị cung cấp dịch vụ vận chuyển, lưu trú, nhà hàng. Đồng thời, tiếp tục làm mới các sản phẩm du lịch cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm du lịch…