Từ năm 2019, TP. Hạ Long (Quảng Ninh) thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong các hoạt động du lịch, dịch vụ trên Vịnh Hạ Long. (Nguồn: BQN) |
Huyện đảo không rác thải nhựa
Huyện đảo Cô Tô nằm trong vịnh Bắc Bộ ở phía Bắc Việt Nam, đã và đang trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng, thu hút nhiều khách du lịch trong và ngoài nước.
Tuy vậy, cùng với sự phát triển nhanh chóng của du lịch, môi trường trên đảo bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi lượng rác từ sinh hoạt và hoạt động du lịch, đặc biệt là rác thải nhựa. Để phát triển du lịch, Cô Tô đang đang phải cố gắng từng ngày, từng giờ để làm sạch các bãi biển.
Thời gian vừa qua, Cô Tô nỗ lực tuyên truyền cho người dân, doanh nghiệp, khách du lịch về việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng túi nilon, hình thành thói quen trong người dân và du khách về sử dụng các vật liệu tái chế, vật liệu thân thiện với môi trường trong hoạt động du lịch.
Ngoài việc thí điểm áp dụng quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon, các vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch Cô Tô từ ngày 1/9, huyện Cô Tô cũng kêu gọi mỗi người dân trên đảo cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, tích cực tham gia, tổ chức các hoạt động chống rác thải nhựa bằng các hành động cụ thể, thiết thực.
Trong đó, thay đổi thói quen, nói không với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon thông qua việc mua sắm, trong sinh hoạt, làm việc, lao động thường ngày; sử dụng thay thế bằng các loại sản phẩm thân thiện với môi trường.
Đồng thời, tham gia tích cực các hoạt động bảo vệ môi trường tại nơi sinh sống bằng những hành động nhỏ nhất như phân loại rác thải tại nguồn, tái chế, tái sử dụng chất thải, sử dụng tiết kiệm nguyên, nhiên liệu; lên án kịp thời những hành vi gây ô nhiễm môi trường biển, thói quen sử dụng lãng phí tài nguyên, năng lượng.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô Nguyễn Việt Dũng cho biết, để xây dựng môi trường du lịch xanh bền vững, UBND huyện sẽ triển khai thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nilon và các vật liệu có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường khi du lịch đến huyện đảo Cô Tô.
Việc thí điểm sẽ được triển khai trong vài tháng, sau đó sẽ tổng kết để tiến tới áp dụng chính thức quy định này, bởi hiện nay tại huyện đảo các nhu yếu phẩm cơ bản đã được chuẩn bị, cung ứng đầy đủ để có thể đáp ứng nhu cầu của du khách...
Lực lượng thanh niên huyện Cô Tô tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ, làm sạch môi trường tại các tuyến đường, điểm du lịch trên địa bàn huyện. (Nguồn: BQN) |
Thành công của Vịnh Hạ Long
Trước đó, từ năm 2019, TP. Hạ Long đã thực hiện phong trào “Chống rác thải nhựa” trong các hoạt động du lịch, dịch vụ trên Vịnh Hạ Long.
Thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần (bao gồm cốc nhựa, ống hút nhựa, chai nước nhựa, hộp, bát, đĩa đựng thức ăn, túi nilon…), thay thế bằng các sản phẩm thân thiện với môi trường khi hoạt động du lịch, dịch vụ tại khu vực Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long.
Nhận thức rõ việc thay đổi thói quen sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần là rất khó khăn do sự tiện lợi của các sản phẩm này mang lại, tuy nhiên, ban quản lý (BQL) Vịnh Hạ Long đã chú trọng công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức tới nhân dân, du khách với mục tiêu thay đổi nhận thức, tiến tới thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm từ nhựa, đặc biệt là nhựa dùng một lần.
BQL Vịnh Hạ Long đã thường xuyên tuyên truyền bằng loa phát thanh tại các điểm tham quan trên Vịnh Hạ Long, tuyên truyền thông qua đội ngũ hướng dẫn viên nhằm nâng cao nhận thức của người dân, du khách về chất thải nhựa, tác hại do ô nhiễm chất thải nhựa, các hành động quản lý, giảm thiểu tác hại từ chất thải nhựa.
Từ đó người dân, du khách tự nguyện tham gia phong trào “Chống rác thải nhựa”, thực hiện nói không với sản phẩm nhựa sử dụng một lần, nói không với túi nilon, bỏ rác đúng nơi quy định…
BQL đã lắp đặt các loại biển cố định, biển di động, poster với nội dung thông báo “Không sử dụng các sản phẩm từ nhựa dùng một lần” tại các cảng tàu, các điểm tham quan du lịch trên Vịnh, trên các tàu thuyền du lịch...
Song song với đó, đơn vị này tổ chức ký cam kết “Không sử dụng sản phẩm từ nhựa dùng một lần trong các hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh Hạ Long” với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh tàu du lịch, dịch vụ kayak, doanh nghiệp, hộ nuôi trồng thủy sản; bố trí các thùng rác, có bộ phận thường xuyên thu gom, xử lý rác thải, vệ sinh môi trường; tăng cường phân loại rác thải tại các điểm tham quan, tạo điều kiện cho công tác thu gom, vận chuyển tái sử dụng, tái chế được thuận lợi và dễ dàng hơn.
Bằng nhiều cách làm đồng bộ, quyết liệt, đến nay phong trào "Chống rác thải nhựa" trên Vịnh Hạ Long đã góp phần làm giảm trên 90% rác thải nhựa trong các hoạt động tham quan, du lịch trên Vịnh; đồng thời làm thay đổi đáng kể nhận thức, hành động của cộng đồng doanh nghiệp, người dân cũng như du khách, hướng tới việc giảm thiểu chất thải nhựa trên Vịnh Hạ Long.
Có thể thấy, quyết tâm xây dựng “Du lịch Quảng Ninh nói không với rác thải” sẽ cần nhiều thời gian để tiếp nhận sự thay đổi. Tuy vậy, với những thành quả đã đạt được, có cơ sở để tin tưởng rằng các điểm du lịch tại Quảng Ninh sẽ dần sạch bóng các loại rác thải nhựa, đưa tỉnh đến gần hơn với mục tiêu phát triển du lịch bền vững.