Quảng Ninh phát huy lợi thế 'cửa ngõ bầu trời' |
Phát huy lợi thế "cửa ngõ bầu trời"
Có thể nói, Vân Đồn đang là địa phương có hạ tầng, phương thức giao thông đa dạng và đồng bộ nhất tỉnh Quảng Ninh, cũng như sở hữu nhiều lợi thế nổi trội. Không chỉ đang sở hữu "cửa ngõ bầu trời" của Tỉnh, với Cảng hàng không quốc tế hiện đại, đồng bộ, năng lực đón tiếp cao; địa phương này còn có tuyến cao tốc dọc tỉnh dài gần 200km Hải Phòng - Móng Cái, cũng chọn Vân Đồn là trung tâm kết nối.
Là cảng hàng không cấp 4E (theo mã tiêu chuẩn của ICAO), đứng hàng đầu về mức độ tiện nghi, sân bay Vân Đồn có thể đón được tất cả các loại máy bay hiện đại bậc nhất trên thế giới. Sau gần 4 năm chính thức đón các vị khách đầu tiên, cảng hàng không Vân Đồn càng chứng minh rằng, đây là một trong những hạng mục hạ tầng quan trọng, cần có, để thúc đẩy nền kinh tế.
Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, sân bay Vân Đồn là cửa ngõ kết nối Quảng Ninh với các địa phương trong nước và với quốc tế, từ đó mở rộng các không gian kinh tế, xã hội, văn hóa, du lịch nhằm thúc đẩy sự phát triển của khu kinh tế Vân Đồn nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung. Đây cũng chính là động lực cho sự phát triển của tam giác tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh cũng như cả vùng Đông Bắc.
Bên cạnh đó, sân bay Vân Đồn còn mang tính động lực, thu hút các nguồn vốn khác đầu tư. Với vai trò này, sân bay Vân Đồn đã sở hữu những lợi thế cạnh tranh vượt trội. Hơn nữa, mỗi sân bay đều có những sứ mệnh riêng, vừa góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại cho vùng, địa phương, vừa tạo thêm nhiều sự lựa chọn cho hành khách khi tham gia loại hình vận tải bằng đường hàng không.
Vốn là một huyện đảo, Vân Đồn còn sở hữu đường bao biển dài, bao quanh với nhiều cảng du thuyền, cảng tàu khách đồng bộ, hiện đại...
Cùng sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và nỗ lực của địa phương, đến thời điểm này huyện Vân Đồn đã có sự chuyển mình mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng. Nhiều công trình đầu tư hiện đại, hệ thống giao thông đồng bộ... đã mở ra nhiều cơ hội, thúc đẩy liên kết vùng, góp phần phát triển KT-XH địa phương. Trong đó, huyện chủ động xã hội hóa các nguồn lực, tích cực tìm kiếm, thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp vào địa bàn nhằm tạo ra các bước đột phá về cơ sở hạ tầng.
Năm 2021, toàn huyện tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công 115 công trình xây dựng cơ bản; tiến hành GPMB 60 dự án trọng điểm, tạo động lực, bứt phá về hạ tầng giao thông đồng bộ cho Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn. Trong số đó, nổi bật là các dự án Tổ hợp khách sạn và căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp Ao Tiên - Cát Linh Vân Đồn tại xã Hạ Long. Dự án tổ hợp khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao và căn hộ lưu trú cao cấp đầu tiên được cấp phép triển khai trên địa bàn KKT Vân Đồn với diện tích đất sử dụng 2,34ha, tổng vốn đầu tư 3.910,8 tỷ đồng. Dự kiến tháng 1/2024, dự án sẽ đi vào hoạt động.
Cùng với đó là Dự án Bến cảng cao cấp Ao Tiên - Vân Đồn (xã Hạ Long) - dự án xây dựng cảng cho tàu du lịch có công suất tối đa lên đến 4,2 triệu lượt khách/năm, đón được các tàu chở khách lên đến 300 ghế. Tổng vốn đầu tư thực hiện dự án là 613,3 tỷ đồng; dự kiến hoàn thiện và đưa vào hoạt động vào tháng 4/2022.
Vân Đồn hiện là KKT duy nhất nằm trong khu vực hợp tác kinh tế Việt-Trung, hợp tác liên vùng vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN - Trung Quốc, trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ (Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV cũng xác định cùng với Móng Cái, Vân Đồn là một trong 2 mũi đột phá chiến lược.
Mũi đột phá chiến lược
Để phát huy tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn, ngày 27/12/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1856/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH KKT Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh quy hoạch vào tháng 2/2020. Toàn bộ diện tích KKT nằm trong địa giới hành chính của huyện Vân Đồn, sẽ là KKT đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, bền vững.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đoạn qua huyện Vân Đồn. (Nguồn: BQN) |
Sở hữu nền tảng vững chắc bằng những định hướng, cơ chế rõ nét, song thời gian qua, Vân Đồn chưa thực sự bứt phá, nổi bật và hấp dẫn. Số lượng các dự án triển khai mới tại KKT Vân Đồn còn khá khiêm tốn. Việc kém hấp dẫn các nhà đầu tư thời gian qua, được Đại diện Ban Quản lý KKT Vân Đồn cho biết là do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, đã khiến công tác tổ chức lập quy hoạch phân khu và các hoạt động đầu tư chậm so với kế hoạch.
Vì thế thời gian tới, khi Quảng Ninh cũng như cả nước và quốc tế đã thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch bệnh Covid -19, Vân Đồn sẽ tập trung bứt phá, xác định trọng tâm, trọng điểm để phát huy thế mạnh là chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, công nghệ cao, kinh tế biển thông qua việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư và thu hút đầu tư. Đặc biệt là các dự án lớn có tác động lan tỏa, tạo đột phá cho KKT Vân Đồn phát triển trong tương lại gần như: Khu phức hợp đô thị nghỉ dưỡng giải trí cao cấp; Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng - giải trí cao cấp sân golf...
Ngày 9/3, đồng chí Cao Tường Huy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đã ký Quyết định số 610/QĐ-UBND về việc thành lập Cụm công nghiệp (CCN) Vân Đồn (xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn).
KCCN Vân Đồn có tổng diện tích gần 53ha và được chia làm 4 khu. Chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật là Công ty CP Phú Thịnh Vân Đồn (địa chỉ: Trung tâm điều hành CCN Cẩm Thịnh, TP Cẩm Phả).
Doanh nghiệp này có trách nhiệm đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại với tổng vốn đầu tư trên 486 tỷ đồng.
Trong quý III/2022-quý IV/2023, chủ đầu tư sẽ tiến hành san lấp, hoàn thiện đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và quý I/2024 sẽ triển khai thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Thời gian hoạt động của CCN Vân Đồn là 50 năm kể từ ngày CCN Vân Đồn được thành lập.
CCN Vân Đồn được thành lập để bố trí các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm; sản xuất đồ uống; sản xuất trang phục, sản xuất giày, dép; sản xuất da và các sản phẩm liên quan; chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, tre, nứa; sản xuất khí công nghiệp, sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; công nghiệp chế biến, chế tạo khác; sửa chữa, bảo dưỡng và lắp đặt máy móc, thiết bị, sản xuất các sản phẩm bằng kim loại; các dịch vụ xử lý gia công kim loại theo hướng chuỗi liên kết ngành...
Đồng thời, CCN Vân Đồn cũng sẽ để phục vụ cho việc di dời các cơ sở tiểu thủ công nghiệp gây ô nhiễm môi trường hoặc không phù hợp quy hoạch đô thị phải di dời trên địa bàn huyện theo Nghị quyết 201/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh ngày 30/7/2019.
Tin tưởng với vị trí chiến lược, lợi thế riêng có, Vân Đồn sẽ nhanh chóng định vị được mình, cùng với Vân Phong (Khánh Hòa), Phú Quốc (Kiên Giang), xứng đáng là 3 KKT trọng điểm, 3 điểm đột phá phát triển Bắc - Trung - Nam của đất nước.