Do địa bàn đa dạng, nên việc quy hoạch các tuyến luồng ĐTNĐ là yêu cầu bức thiết. |
Theo đó "Quy hoạch tổng thể phát triển GTVT tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030" (trong đó có quy hoạch GTVT đường thủy), có 25 luồng tuyến, sông do trung ương quản lý dài gần 425,6km (gồm 173km sông loại I; 146km sông loại II, còn lại là sông loại III), tạo điều kiện cho Quảng Ninh tiếp cận với các tỉnh phía Bắc và lưu thông với đường biển. Tỉnh cũng bổ sung các luồng tuyến như: Luồng ven biển Quảng Ninh - Ninh Bình (qua cửa Lạch Tray); các tuyến ĐTNĐ trên Vịnh Hạ Long... Đặc biệt, có rất nhiều tuyến quan trọng như: Tuyến ĐTNĐ từ Hạ Long đi Móng Cái là tuyến giao thông thủy nội địa huyết mạch, phục vụ đắc lực cho sự phát triển kinh tế biển vùng Đông Bắc; các tuyến luồng từ bờ ra các đảo như Cái Rồng - Cửa Đối, Hòn Đũa - Cửa Đối, Hạ Long - Cát Bà... có ý nghĩa đặc biệt quan trọng về mặt an ninh - quốc phòng trên vùng biển phía Đông Bắc.
Đối với các tuyến ĐTNĐ do địa phương quản lý, tỉnh có 10 tuyến dài trên 167km, đồng thời sẽ nhanh chóng đưa vào quản lý khai thác 5 tuyến luồng sông Cái Tắt; sông Hốt; luồng ra đảo Ngọc Vừng; luồng ra đảo Quan Lạn; luồng sông Má Ham dài 57km.
Mặc dù có hệ thống giao thông ĐTNĐ khá đa dạng, nhưng hiện nay việc khai thác một số luồng tuyến vẫn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của thuyền trưởng và người điều khiển phương tiện. Không những thế, một số tuyến ĐTNĐ do địa phương quản lý chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải ngày càng tăng như: Luồng sông Sinh đoạn cửa luồng có nhiều tàu pha sông biển ra vào làm hàng các cảng bến tại khu vực, tần suất hoạt động trên luồng của các loại tàu đạt thấp do cạn; luồng sông Trới do tình hình biến đổi dòng chảy, các dự án san lấp dọc tuyến và sự bồi lắng từ mưa lũ thượng nguồn nên một số đoạn không đảm bảo an toàn và tiêu chuẩn cấp luồng.
Lãnh đạo Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh cho biết: Hệ thống giao thông thủy nội địa trên địa bàn tỉnh là những tuyến pha sông, biển, nhiều điểm chồng lấn với tuyến hàng hải, bị chi phối mạnh bởi thuỷ triều, thời tiết; hệ thống luồng tuyến quanh co, phức tạp với hàng nghìn đồi núi, đảo đá che khuất tầm nhìn. Với đặc thù này không chỉ gây khó khăn cho cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ quản lý luồng tuyến mà còn có nguy cơ mất an toàn giao thông thường xuyên. Chính vì vậy, để thực hiện tốt quy hoạch giao thông vận tải đường thủy, cũng như tận dụng tối đa về lợi thế vận tải đường biển và vận tải thủy nội địa của tỉnh nhằm phục vụ hàng hoá xuất nhập khẩu và tiêu dùng góp phần thúc đẩy kinh tế cảng biển phát triển, trong thời gian tới sẽ tham mưu với tỉnh dành nguồn kinh phí để nạo vét các luồng tuyến cùng các biện pháp đảm bảo ATGT ĐTNĐ. Nâng cấp, xây dựng các bến tàu khách đi du lịch tại các đảo, các tuyến tàu khách cao tốc phát triển các phương tiện vận chuyển khách du lịch và các phương tiện phà, tàu khách đảm bảo tiêu chuẩn, có đầy đủ tiện nghi và trang bị an toàn. Bởi lẽ đây chính là cơ sở để đầu tư xây dựng và phát triển mạng lưới giao thông thủy nội địa hợp lý và thống nhất trong toàn tỉnh, có quy mô phù hợp với từng địa phương, từng vùng, tạo điều kiện khai thác tiềm năng hiện có, đồng thời phát triển năng lực của ngành GT-VT nói chung.
Thanh Quân