📞

Quảng Ninh sẽ có những đô thị thông minh

20:00 | 13/08/2016
Quảng Ninh đang tìm cách tiếp cận gần nhất các mô hình thành phố thông minh, thân thiện trên thế giới để có thể áp dụng, vận dụng xây dựng những đô thị thông minh tại địa phương.

UBND Quảng Ninh vừa tổ chức Hội thảo Thành phố thông minh, nhằm tìm kiếm các ý tưởng hay và giải pháp hiệu quả để đổi mới, nâng cao chất lượng quản lý Nhà nước, áp dụng mô hình thành phố thông minh tại tỉnh Quảng Ninh.

Thành phố thông minh là gì?

Mô hình Thành phố thông minh là thành phố được ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và các công nghệ thông tin hiện đại để quy hoạch đô thị. Trên cơ sở này, các công cụ của công nghệ thông tin và truyền thông được sử dụng một cách đồng bộ để thu nhận, phân tích và tích hợp thông tin về: vận hành thành phố, cuộc sống của người dân, bảo vệ môi trường, an toàn cộng đồng, các dịch vụ đô thị… một cách thông minh, giúp nền kinh tế đô thị tăng trưởng, phát triển bền vững. Hiện nay, phát triển đô thị thông minh đang được Mỹ, Anh, Pháp, Trung Quốc… áp dụng và trở thành một xu hướng cạnh tranh giữa các nước.

Công dân đến giao dịch tại Trung tâm hành chính công Thành phố Cẩm Phả, Quảng Ninh. (Nguồn: BQN).

Những kế hoạch tổng thể về xây dựng thành phố thông minh được các chuyên gia hàng đầu thế giới chia sẻ, tập trung vào các giải pháp: Xây dựng chính phủ điện tử; giao thông thông minh; y tế thông minh; kiểm định vệ sinh an toàn thực phẩm; phòng cháy chữa cháy; giáo dục, dạy nghề và đào tạo; môi trường thông minh; vườn ươm khoa học công nghệ… Trong đó, mỗi giải pháp đều được chỉ rõ những thuận lợi, thách thức và kiến nghị, đề xuất giải pháp để Quảng Ninh áp dụng trong thời gian tới.

Cụ thể, đối với giao thông thông minh, cần tập trung nâng cấp hệ thống đèn tín hiệu giao thông, đầu tư giám sát, sử dụng công nghệ thông tin để quản lý và điều khiển giao thông, phổ biến các thông tin giao thông công cộng nhằm giảm thiểu ùn tắc; Về xây dựng bệnh viện thông minh, cần phải xây dựng các bệnh viện hiện đại, đồng bộ, công năng thuận tiện với không gian ấm áp, phòng bệnh thân thiện, thoải mái, an toàn; thiết bị hiện đại, phương pháp điều trị và thuốc đạt tiêu chuẩn quốc tế; Trong việc quản lý môi trường, cần thành lập các trung tâm điều hành chung, nghiên cứu, áp dụng hệ thống giám sát chất lượng ven biển, hệ thống quan trắc chất lượng môi trường ven biển, triển khai các mạng lưới trao đổi thông tin quốc gia; Về giáo dục, cần nghiên cứu xây dựng các trường học thông minh, ứng dụng truyền hình vào giảng dạy, nâng cấp hệ thống quản lý giáo dục, chú trọng đào tạo cán bộ quản lý giáo dục, giảng viên…

Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long nhấn mạnh: “Tuy mô hình thành phố thông minh được nhiều nơi trên thế giới áp dụng, nhưng vẫn còn là mô hình mới đối với Việt Nam và Quảng Ninh.” Mục tiêu của Tỉnh là xây dựng hệ thống đô thị trên địa bàn theo hướng đô thị thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường và phù hợp xu hướng chung của thế giới. Bởi vậy, sự tư vấn, tham góp ý kiến của các chuyên gia, nhất là các chuyên gia quốc tế sẽ là những thông tin tốt để Quảng Ninh thống nhất từ nhận thức, hành động và lựa chọn những bước đi hiệu quả.

Tiếp tục tạo nên những đột phá mới

Những năm gần đây, Quảng Ninh liên tục có những cách làm hay, sáng tạo, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong cả nước, như thực hiện nhất thể hoá, cải cách hành chính, xây dựng các công trình từ mô hình hợp tác công - tư… Bước vào giai đoạn phát triển 2016-2020, trên cơ sở nền tảng đã tạo dựng, Tỉnh đặt mục tiêu tiếp tục tạo ra những đột phá mới, chiến lược, trong đó có mục tiêu xây dựng những đô thị thông minh.

Năm năm qua, Quảng Ninh đã có những bước đi rất chiến lược trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó nổi bật là: Quy hoạch, định hình lại không gian phát triển từ việc mạnh dạn đề xuất với Chính phủ được thuê tư vấn trong và ngoài nước tham gia vào việc xây dựng 7 quy hoạch chiến lược, theo hướng chuyển đổi phương thức phát triển từ “Nâu - nặng về công nghiệp khai khoáng sang Xanh - phát triển dịch vụ du lịch, công nghệ cao”; Chủ động xây dựng Đề án Đặc khu kinh tế Vân Đồn; Ứng ngân sách tỉnh và tự huy động nguồn lực để thực hiện 36 dự án theo hình thức đối tác công - tư với tổng mức đầu tư trên 32.560 tỷ đồng, như làm đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, Hạ Long - Vân Đồn… Mạnh dạn thí điểm thực hiện mô hình lãnh đạo công - quản trị tư, đầu tư công - quản lý tư, đầu tư tư - sử dụng công đối với nhiều dự án, công trình trên địa bàn.

Để có 7 tỷ USD vốn đầu tư vào địa bàn với các nhà đầu tư chiến lược như VinGroup, Sun Group, FLC…,  huy động sự tham gia của nhân dân vào kiến tạo phát triển kinh tế, Quảng Ninh đã thực hiện cải cách hành chính theo hướng tách dần dịch vụ công ra khỏi quản lý nhà nước. Cách làm này đã được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và đồng ý Quảng Ninh là tỉnh duy nhất của cả nước được thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh.

Riêng đối với phát triển khu vực nông nghiệp - nông thôn, Quảng Ninh đã tập trung cao độ cho chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) theo hướng lấy người dân làm chủ thể và động lực gắn với chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm mang những nét đặc trưng riêng. Qua 5 năm thực hiện, chương trình xây dựng NTM góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo các vùng quê Quảng Ninh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, góp phần đưa Quảng Ninh cơ bản phát triển theo hướng hiện đại hóa.