Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký phát biểu bế mạc Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XIV. (Nguồn: BQN) |
Khẳng định, kết thúc Quý I/2022, Quảng Ninh cơ bản đạt được các chỉ tiêu kinh tế-xã hội quan trọng đề ra, giữ được địa bàn “an toàn, ổn định, phát triển trong trạng thái bình thường mới”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký, nhấn mạnh tới mục tiêu hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 đã đề ra. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận khối lượng công việc còn quá lớn và đòi hỏi chất lượng, tiến độ rất khắt khe, nhất là trong khâu điều hành, tổ chức thực hiện, tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở cần thống nhất trong nhận thức và quyết tâm cao trong hành động.
Kỳ họp thứ 7 (kỳ họp chuyên đề), HĐND tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra và thông qua 14 nghị quyết quan trọng với sự thống nhất cao của các đại biểu HĐND tỉnh.
Những tín hiệu phục hồi tích cực
Sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần, trước tình hình dịch Covid-19 trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng có diễn biến phức tạp, nhưng với sự chủ động tiêm phòng dịch bệnh cho những người đủ điều kiện, bảo đảm tuyệt đối an toàn, Quảng Ninh sớm đạt tỷ lệ bao phủ cao nhất và hoàn thành chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 sớm nhất cả nước;
Vì vậy, toàn tỉnh vẫn cơ bản kiểm soát tốt tình hình, chăm lo bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo đảm ổn định đời sống kinh tế xã hội trong trạng thái bình thường mới. Với mức tăng trưởng kinh tế GRDP quý I/2022 ước đạt 8,01%, mặc dù chưa đạt kịch bản kỳ vọng đặt ra, nhưng là mức cao so với bình quân chung cả nước.
Tốc độ thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt và vượt mục tiêu kịch bản đề ra, tổng thu ước đạt 12.550 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ, trong đó thu nội địa ước đạt 9.700 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ.
Ngành du lịch bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng sau hơn 2 năm do đại dịch Covid-19 gây ra đang có tín hiệu phục hồi tích cực.
Trong bối cảnh đó, để sớm khắc phục những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời gian để đẩy nhanh phát triển kinh tế-xã hội và phục hồi ngành du lịch của tỉnh hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 đã đề ra, nhất là thực hiện có hiệu quả chủ đề công tác năm;
Chỉ tiêu tăng trưởng GRDP trên 10%, thu hút FDI 6 tháng đầu năm thu hút khoảng 2 tỷ USD, thu hút khoảng 10 triệu lượt khách du lịch, có 4 địa phương cấp huyện và tỉnh Quảng Ninh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh những kết quả tích cực, tại Kỳ hợp, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, tồn tại, yếu kém cần sớm tập trung khắc phục đó là: Dư địa tăng trưởng còn rất lớn, song tốc độ tăng trưởng của khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực dịch vụ, khu vực công nghiệp và xây dựng đều không đạt kịch bản đề ra.
Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công ở cả cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã có chuyển biến nhưng vẫn ở tỷ lệ thấp, phân bổ một số nguồn vốn không đạt tiến độ đề ra; công tác chuẩn bị đầu tư còn nhiều lúng túng, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, địa phương trong tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng, đất san lấp, thủ tục pháp lý. Hiệu lực, hiệu quả, kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 06 của Tỉnh ủy gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới còn rất hạn chế.
Tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhìn chung còn chậm, ảnh hưởng nhất định tới hoạt động thu hút đầu tư. Tình hình khiếu kiện trong nhân dân liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng ở một số nơi vẫn còn tiềm ẩn phức tạp.
Chậm xây dựng Đề án và chưa có nhiều giải pháp hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng. Hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực, nhất là quản lý tài nguyên, khoáng sản, đầu tư công, đất đai... có mặt vẫn còn hạn chế.
Tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật tuy đã được kiềm chế, kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát ở một số cơ quan, địa phương, đơn vị chưa có nhiều chuyển biến theo chỉ đạo của cấp trên.
Thống nhất những vấn đề quan trọng
Trên cơ sở ý kiến thảo luận của đại biểu, báo cáo giải trình của các cơ quan chức năng, Kỳ họp đã thông qua 14 nghị quyết với sự thống nhất của 100% đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh dự họp, thể hiện rõ trách nhiệm trước Đảng bộ, chính quyền, cử tri và Nhân dân toàn tỉnh, trong đó phải kể đến những nghị quyết mang tính bước ngoặt, nhằm khắc phục những hạn chế, thống nhất nhận thức và hành động ở tất cả các cấp, ngành, địa phương, quyết tâm hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu, mục tiêu năm 2022 đã đề ra.
Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đoạn qua huyện Vân Đồn. (Nguồn: BQN) |
Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án đầu tư công vốn ngân sách tỉnh Quảng Ninh đối với 2 dự án: (i1) Dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phổi Quảng Ninh: Bệnh viện Phổi Quảng Ninh được xác định là cơ sở y tế quan trọng trong hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe nhân dân của tỉnh và ngành than vì Quảng Ninh là tỉnh công nghiệp đặc biệt với ngành công nghiệp khai thác than nên bệnh phổi nghề nghiệp có tỷ lệ mắc cao trong các đối tượng là công nhân khai thác than.
Đây là một trong các công trình quan trọng chào mừng 60 năm thành lập Tỉnh 30/10/1963 - 30/10/2023 được quan tâm đầu tư xây dựng, nâng cấp đồng bộ, hiện đại, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm khám chữa bệnh về phổi, các bệnh đường hô hấp của khu vực và cả nước nhằm đáp ứng nguyện vọng, nhu cầu chăm sóc, khám chữa bệnh của Nhân dân và công nhân ngành Than cũng như nhu cầu được thụ hưởng thành quả phát triển của tỉnh và của ngành Than. (i2) Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, mở rộng Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh (giai đoạn 2021-2025); sau khi đã sáp nhập trường Cao Đẳng Giao Thông cơ điện Quảng Ninh vào Trường Cao Đẳng Việt - Hàn, theo hướng trở thành trường đào tạo nghề chất lượng cao.
Nghị quyết về bổ sung, điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước, chi ngân sách địa phương; phân bổ, điều chỉnh dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2022: Nghị quyết thực hiện điều chỉnh dự toán giữa ngân sách tỉnh và ngân sách huyện do thay đổi mô hình quản lý của 177 trạm y tế với số tiền 194.796 triệu đồng; điều chỉnh dự toán do thực hiện giải thể Ban Xây dựng nông thôn mới; phân bổ 170 tỷ đồng kinh phí còn lại của Chương trình phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; phân bổ nguồn vốn chi đầu tư phát triển cho 11 dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán và giao Ủy ban nhân dân tỉnh căn cứ vào danh mục các dự án trọng điểm đã được cấp có thẩm quyền cho ý kiến, thứ tự ưu tiên đầu tư, xem xét, quyết định phân bổ chi tiết để thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư của các dự án.
Nghị quyết điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án có sử dụng vốn ngân sách. thông qua điều chỉnh chủ trương đối với 4 dự án, gồm: (i1) Dự án Đường bao biển nối thành phố Hạ Long với thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; (i2) Dự án Đường tuần tra đến các Mốc 1339,1340,1341 trên địa bàn huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh; (i3) Dự án Đường ven sông kết nối từ Đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều (đoạn từ nút giao Đầm Nhà Mạc đến Đường tỉnh 338); (i4) Dự án Đường nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng (tại Km6+700) đến đường tỉnh 338.
Nghị quyết về kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 sang năm 2022. Thông qua danh mục 72 dự án kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân sang năm 2022 với yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, đảm bảo đến hết 31/12/2022 giải ngân 100% kế hoạch vốn và kiên quyết xử lý các trường hợp cam kết giải ngân nhưng không thực hiện trong năm 2022.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm hoàn toàn về nguyên nhân, lý do, căn cứ thực hiện và các vấn đề có thể phát sinh do việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công thuộc ngân sách địa phương quản lý. Giao Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã, thành phố giám sát việc triển khai thực hiện các dự án kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công đảm bảo tuân thủ đúng các quy định pháp luật, tiến độ cam kết
Nghị quyết về thông qua danh mục dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất, thu hồi đất và chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện các dự án, công trình trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nghị quyết thông qua: (i1) Danh mục 69 dự án, công trình thu hồi đất; điều chỉnh tên, địa điểm, diện tích dự án, thu hồi các loại đất đối với 7 dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua do phải điều chỉnh quy hoạch, mặt bằng hướng tuyến dự án; (i2) Danh mục 62 dự án, công trình thông qua nhu cầu chuyển mục đích đất lúa và đất rừng phòng hộ; (i3) Danh mục 30 dự án, công trình quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác với tổng diện tích 307,92 ha; điều chỉnh diện tích dự án, diện tích chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác đối với 3 dự án, công trình đã được HĐND tỉnh thông qua do phải điều chỉnh quy hoạch dự án..
Nghị quyết về việc điều chỉnh cục bộ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống y tế tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nâng quy mô mạng lưới các bệnh viện tuyến tỉnh: (i1) Bệnh viện Phổi Quảng Ninh: Duy trì 200 giường bệnh và bệnh viện hạng II trong giai đoạn 2016 - 2020 và nâng quy mô lên 330 giường bệnh vào năm 2022 .(i2) Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí: Nâng quy mô giường bệnh điều trị lên 1.200 giường bệnh vào năm 2022, 1.300 giường bệnh vào năm 2025 và 1.500 giường bệnh vào năm 2030 để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân và từng bước xây dựng lộ trình đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất đồng bộ, hiện đại.