Nhỏ Bình thường Lớn

Quảng Ninh tìm cách tái cơ cấu nông nghiệp

Xuất phát từ yêu cầu khách quan nội tại của ngành nông nghiệp Quảng Ninh, Sở NN&PTNT đã triển khai lập đề cương Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững tỉnh Quảng Ninh”. Mục tiêu của Đề án nhằm xây dựng ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả, nâng cao giá trị, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp; cải thiện đời sống cho nông dân, giảm nghèo bền vững; bảo vệ môi trường sinh thái...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu (ngoài cùng bên phải) thăm vùng chuyên canh rau an toàn tại Thị xã Quảng Yên.

Những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đã đạt được những kết quả đáng kể với sự tăng trưởng cả về giá trị sản xuất và giá trị gia tăng, qua đó, góp phần đảm bảo an ninh lương thực trên địa bàn. Ngành nông nghiệp đang chuyển đổi theo hướng gia tăng quy mô sản xuất hàng hóa, là ngành sản xuất mang lại nguồn thu nhập chính cho hơn 50% dân cư của Tỉnh.

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp Quảng Ninh đang bộc lộ rõ một số hạn chế như: Tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, chưa bền vững; chưa hình thành những vùng nông sản hàng hóa chủ lực an toàn; không đủ sức cạnh tranh trên thị trường nội, xuất khẩu; sản xuất cơ bản vẫn phát triển theo chiều rộng... Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp cũng gây tác động tiêu cực làm ô nhiễm môi trường đất, nguồn nước, không khí...

Chủ trì cuộc họp ngày 13/5, cho ý kiến về đề cương Đề án, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Huy Hậu nhấn mạnh, Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm số 1 mà ngành Nông nghiệp cần triển khai thực hiện trong năm 2014. Theo đó, Sở NN&PTNT cần nhanh chóng chọn đơn vị tư vấn và hình thành một tổ công tác chuyên trách để trong tháng 10/2014 Đề án phải hoàn thành. Để Đề án mang tính khả thi, hiệu quả, thống nhất lộ trình thực hiện đề án sẽ triển khai trong giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời, ngành nông nghiệp cần lấy mốc từ năm 2010 để đánh giá thực trạng, quá trình phát triển nông nghiệp Quảng Ninh.

Đối với mục tiêu của Đề án, Phó Chủ tịch Đặng Huy Hậu yêu cầu Sở NN&PTNT cần xem xét lại một số mục tiêu, trong đó có mục tiêu về giá trị gia tăng ngành nông nghiệp (giai đoạn sau 2015 có thể tăng hơn 3-4%) và đến năm 2015, số xã đạt tiêu chí nông thôn mới phải trên 65% (thay vì 60% như trong đề cương). Phó Chủ tịch cũng yêu cầu, việc ứng dụng khoa học công nghệ phải được triển khai mạnh mẽ và triệt để hơn. Riêng đối với giải pháp quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ngành Nông nghiệp cần xem xét lại việc hình thành các vùng sản xuất lúa sang hướng nâng cao chất lượng để tăng giá trị của sản phẩm...

Yên Ninh