Một góc vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. (Ảnh: Minh Mẫn) |
Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của tỉnh Quảng Ninh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết số 15-NQ/TU) đã cụ thể hóa mục tiêu “xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, là cửa ngõ, động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với hệ thống cảng biển nước sâu; trọng tâm là các địa phương Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Quảng Yên, Vân Đồn, Cô Tô, Hải Hà gắn với các ngành kinh tế biển; trở thành trung tâm du lịch quốc gia kết nối với các trung tâm du lịch quốc tế lớn của khu vực và thế giới thông qua đường biển”.
Nhiều tín hiệu vui
Quảng Ninh hiện có hơn 250km bờ biển, rộng trên 6.000 km2 mặt biển, trên 1.000 km2 diện tích hải đảo.
Tỉnh sở hữu hệ thống cảng, bến như: Cái Lân, Cửa Ông, Vạn Gia, Mũi Chùa, khu bến Yên Hưng… có năng lực bốc xếp cho tàu hàng vạn tấn, có nhiều tiềm năng khai thác, thuận lợi cho thúc đẩy phát triển ngành vận tải đường biển giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Bùi Văn Khắng, với những lợi thế nói trên, để phát triển bền vững kinh tế biển, Quảng Ninh đã, đang và sẽ tiếp tục huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng, hoàn thiện, khai thác tốt hệ thống kết cấu hạ tầng du lịch, dịch vụ gắn với hạ tầng giao thông đồng bộ.
Nhờ đó, kinh tế biển ở Quảng Ninh đã đạt được nhiều thành tựu, trong đó ngành du lịch và dịch vụ biển đang dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế-xã hội.
Thực tế, thời gian qua, địa phương này chú trọng phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp ven biển.
Giai đoạn 2019-2021, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông kết nối đến các khu công nghiệp, khu kinh tế đã được tỉnh quan tâm đầu tư như: Đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái đã hoàn thành đưa vào sử dụng; tuyến đường kết nối từ nút giao Phong Hải đến Khu công nghiệp Nam Tiền Phong, Dự án đường nốiKhu công nghiệp Việt Hưng với Khu công nghiệp Cái Lân cũng hoàn thành đưa vào khai thác.
Hiện tại, Quảng Ninh cũng đang tiếp tục triển khai các dự án, bao gồm: Xây dựng nút giao Đầm Nhà Mạc, nút giao Hạ Long Xanh và tuyến đường tốc độ cao ven sông nối cao tốc Hạ Long-Hải Phòng với thị xã Đông Triều (giai đoạn 1) rút ngắn khoảng cách từ thành phố Hạ Long về Đông Triều từ 80 km xuống còn trên 40 km, thời gian di chuyển từ 1 giờ 30 phút xuống còn khoảng 30 phút.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng phối hợp với Hải Phòng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo ưu tiên cân đối ngân sách địa phương để thực hiện Dự án đầu tư xây dựng cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân theo Chương trình hợp tác giữa thành phố Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh.
Tháng 9 vừa qua, sau nhiều năm vắng bóng mặt hàng container, 2 hãng tàu vận tải container quốc tế lâu đời và lớn nhất trên thế giới là MAERSK và SITC đã cập Cảng container quốc tế Cái Lân (CICT Cái Lân). Đây là tín hiệu tích cực sau đại dịch Covid-19, hoạt động cung ứng quốc tế được nối lại và Quảng Ninh đang là lựa chọn phù hợp khi hạ tầng được kết nối thuận lợi.
Theo đại diện hãng tàu MAERSK tại Việt Nam, trong hệ thống cảng khu vực miền Bắc, CICT Cái Lân là cảng nước sâu, một trong những cảng có hạ tầng hiện đại, đồng bộ, điều kiện tốt nhất hiện nay. Cảng được kết nối đồng bộ đến các khu vực bằng đường cao tốc mới, sở hữu nhiều khu công nghiệp với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, thiết bị tăng cao…
Đây là những điểm cộng tuyệt vời để hãng tàu lựa chọn, triển khai làm hàng container.
Việc 2 hãng tàu vận tải container quốc tế lớn chọn Quảng Ninh trong hành trình điểm đến là cơ hội mới để Quảng Ninh - địa phương đảm nhận trên 40% tổng lượng hàng hóa khu vực phía Bắc phát huy được thế mạnh lớn về khai thác cảng biển, kinh tế biển.
Cảng biển Quảng Ninh. (Nguồn: Vietnamnet) |
Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Ninh, năm 2022, mục tiêu giai đoạn 2022-2025 tốc độ tăng trưởng kinh tế biển đạt 11,5-12%, đóng góp của kinh tế biển vào cơ cấu GRDP của tỉnh đạt 22-23%; xây dựng Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ giao thương quốc tế với 13,286 triệu lượt khách du lịch biển, đảo đến Hạ Long-Cẩm Phả-Vân Đồn-Cô Tô; tổng thu từ du lịch 71.737 tỷ đồng, doanh thu dịch vụ cảng biển khoảng 25.000 tỷ đồng, tăng trưởng bình quân 17,5%/năm.
Đồng thời, chú trọng phát triển dịch vụ cảng hành khách, cảng hàng hóa, mở rộng hạ tầng cảng biển, nhất là khu dịch vụ hậu cần sau cảng…
Đại diện một số chuyên gia và hãng tàu cho rằng, để cảng biển trở thành mũi nhọn của nền kinh tế, trong giai đoạn đầu thực hiện kế hoạch, Quảng Ninh cần nhận diện rõ những khó khăn, tồn tại, đánh giá khách quan những mặt tích cực, hạn chế để phát triển kinh tế biển tương xứng với tiềm năng, lợi thế.
Song song với đó, cần phải có những giải pháp nhằm kích cầu hàng hóa; tiếp tục nâng cao chất lượng, dịch vụ cảng biển, nâng cao năng lực quản lý, khai thác tối đa công suất các bến cảng hiệu hữu.
Đặc biệt, đẩy nhanh tiến độ đầu tư dự án bến cảng tổng hợp. Phát triển các dịch vụ xếp dỡ hàng hóa tại khu neo đậu, chuyển tải hàng hóa và dịch vụ kho bãi phục vụ hàng tổng hợp. Xây dựng các trung tâm logistics thúc đẩy thu hút dịch vụ hàng hóa trong và ngoài tỉnh qua cảng.
Có thể khẳng định, sự quan tâm đầu tư, phát triển các dịch vụ tại Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai cùng những hoạt động sôi động hơn của các dịch vụ logistics tại các cảng hàng hóa là những chuyển biến tích cực, thể hiện sự nỗ lực và kiên định của Quảng Ninh trong việc phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, mặc dù được thực hiện trong những năm ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, với nhiều khó khăn và thách thức.
Đây cũng là tiền đề để Quảng Ninh tiếp tục thúc đẩy hơn nữa các dự án phát triển dịch vụ cảng nói chung và kinh tế biển nói riêng trong thời điểm hiện tại, góp phần xây dựng Quảng Ninh phát triển trở thành một trong các trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước trong tương lai.