Khu công nghiệp Bắc Tiền Phong nằm trong khu kinh tế ven biển Quảng Yên, Quảng Ninh. (Nguồn: Hateco) |
Là một cực của tam giác phát triển Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, Quảng Ninh hội tụ đầy đủ các yếu tố thuận lợi về điều kiện vị trí, địa hình, tự nhiên, xã hội, kinh tế, con người, đủ tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu ra các thị trường quốc tế rộng lớn, nhất là với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á.
Lợi thế nổi trội
Nhận định về những lợi thế nổi trội của tỉnh Quảng Ninh, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, 2 lợi thế đặc biệt để Quảng Ninh thu hút đầu tư đó là: hạ tầng giao thông hiện đại và môi trường kinh doanh thuận lợi.
Theo ông Phạm Tấn Công: "Về môi trường kinh doanh thuận lợi, Quảng Ninh là địa phương đã 5 năm liên tiếp (từ năm 2017-2021) đứng đầu Việt Nam trong xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Môi trường kinh doanh thuận lợi đã trở thành thương hiệu và lợi thế lớn của Quảng Ninh, đưa Quảng Ninh thành điểm đến hấp dẫn đối với doanh nghiệp trong và ngoài nước. Việc đứng đầu cả nước về PCI, cũng cho thấy Quảng Ninh có chính quyền năng động, hiệu quả, thân thiện với các doanh nghiệp và nhà đầu tư".
Bên cạnh yếu tố vị trí địa lý, hạ tầng đồng bộ và môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, Chủ tịch VCCI cho rằng, Quảng Ninh còn được các chuyên gia đánh giá cao khi có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển bất động sản công nghiệp.
Hiện, Quảng Ninh có khoảng 548,61 ha đất công nghiệp đã được đầu tư hạ tầng sẵn sàng cho thuê. Con số này dự kiến là 3.658 ha vào năm 2025 và đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.904 ha.
Tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh Quảng Ninh khoá XIV diễn ra ngày 8/12, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Mạnh Cường cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh có 153 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 10,33 tỷ USD.
Các dự án đầu tư tập trung chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp, tiêu thủ công nghiệp, văn hóa, xã hội, du lịch, hạ tầng kỹ thuật, nông nghiệp, thương mại dịch vụ.
Trong 11 tháng đầu năm 2022, các cơ quan ban ngành của tỉnh Quảng Ninh đã cấp mới, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 26 dự án FDI với tổng vốn là 639,76 triệu USD đạt 64% cùng kỳ, bằng 49,22% kế hoạch năm 2022 (1.500 triệu USD).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Cường nhận định, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và các chính sách cách ly, hạn chế mở cửa; áp lực của lạm phát đè nặng lên nền kinh tế châu Âu và Mỹ; giá nguyên liệu đầu vào tăng cao; chuỗi cung ứng nguyên nhiên liệu bị đứt gãy; hoạt động xuất, nhập khẩu, thông quan hàng hóa, cước phí vận tải biên tăng cao... hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp FDI cũng bị ảnh hưởng.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Ninh thừa nhận: "Công tác thu hút đầu tư trong đó có FDI vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém chủ quan như: Công tác xúc tiến đầu tư thiếu tính đồng bộ và tính chiến lược; các hình thức xúc tiến đầu tư chưa đa dạng, lực lượng xúc tiến đầu tư mỏng; số dự án FDI có hàm lượng công nghệ cao, công nghệ phụ trợ còn ít, tiến độ triển khai thực hiện một số dự án còn chậm so với đăng ký đầu tư..."
Diện mạo đô thị Hạ Long ngày càng khang trang và hiện đại. (Ảnh: Hùng Sơn) |
Không chạy theo số lượng FDI
Trong Quy hoạch giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Quảng Ninh tiếp tục coi trọng nguồn lực FDI và sẽ thực hiện nhiều giải pháp để đưa nguồn lực này trở thành động lực phát triển quan trọng của địa phương.
Đại diện McKinsey Việt Nam - đơn vị tư vấn lập Quy hoạch chung tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030 cho biết, khi tính toán các nguồn lực để Quảng Ninh có thể thực hiện được các mục tiêu chiến lược trong phát triển kinh tế-xã hội, thì tỷ trọng vốn FDI chiếm khoảng 24% trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội.
Cũng theo đơn vị tư vấn này, Quảng Ninh phải có tư duy chiến lược, xác định rõ những ngành, lĩnh vực trọng tâm và xác định được những nhà đầu tư xứng đáng để dành những cơ chế ưu đãi tốt nhất. Như vậy, Quảng Ninh mới có thể đón được dòng vốn lớn cũng như mời gọi được các nhà đầu tư đúng lĩnh vực mà địa phương mong muốn.
Phó trưởng ban thường trực IPA Quảng Ninh Vũ Thị Kim Chi cho hay, trong công tác xúc tiến và thu hút đầu tư, Quảng Ninh sẽ không chạy theo số lượng, mà chọn chất lượng. Tỉnh còn nhiều dư địa để các nhà đầu tư lớn triển khai các tổ hợp sản xuất quy mô.
Bà Vũ Thị Kim Chi nhấn mạnh: "Quan điểm của tỉnh Quảng Ninh là tiếp tục thực hiện các phương thức xúc tiến đầu tư truyền thống, nhưng để tăng hiệu quả thì phải nâng tầm quy mô các sự kiện và thể hiện được sự trọng thị của tỉnh".
Còn theo Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy, địa phương xác định phải thu hút được các tập đoàn đa quốc gia, đa ngành, có vai trò dẫn dắt vào những ngành nghề, lĩnh vực mà tỉnh có lợi thế cạnh tranh vượt trội, tiềm năng khác biệt.
Trong đó có: du lịch, dịch vụ tổng hợp hiện đại, công nghiệp chế biến-chế tạo, các ngành công nghệ cao, công nghệ thông minh, công nghiệp phụ trợ, kinh tế biển, logistics, năng lượng sạch…
Để tiếp tục thu hút FDI, bên cạnh việc thực hiện các phương thức xúc tiến đầu tư truyền thống, Quảng Ninh đang cập nhật, chuẩn hóa bộ công cụ xúc tiến đầu tư mới nhất, bao gồm: hệ thống cơ sở dữ liệu, tài liệu xúc tiến đầu tư với hình thức thiết kế hiện đại, chuyên nghiệp bằng các ngôn ngữ: Anh, Việt, Hàn, Nhật, Trung; video clip xúc tiến đầu tư hiện đại và đầy đủ thông tin.
Bộ công cụ này cung cấp những vấn đề mà nhà đầu tư quan tâm khi tìm hiểu môi trường đầu tư tại Quảng Ninh, từ lực lượng lao động tới hạ tầng giao thông, điện, nước...
Cùng với đó, Quảng Ninh cũng chủ động tiếp cận tổ chức, cá nhân có sức ảnh hưởng và có vai trò quyết định; nhanh chóng hỗ trợ thủ tục đầu tư và tháo gỡ các vướng mắc cho doanh nghiệp.