Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn 2050 do Công ty Nihon Sekkei (Nhật Bản) thiết kế. Mục tiêu của quy hoạch lần này nhằm khai thác, phát huy những tiềm năng, lợi thế và cơ hội về vị trí địa lý của thị xã Quảng Yên là cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh, kết nối giữa Quảng Ninh và Hải Phòng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Phấn đấu xây dựng thị xã Quảng Yên trở thành đô thị loại III trước năm 2020 và trở thành thành phố văn minh, hiện đại trước năm 2030.
Thời kỳ mới, mô hình mới
Theo quy hoạch mới, thị xã Quảng Yên sẽ được quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa; phát triển theo hướng từ Bắc xuống Nam. Đây cũng là hướng phát triển kinh tế đô thị bằng kết nối của ba khu vực chức năng đô thị chính của các vùng: vùng công nghiệp công nghệ cao phía Bắc; vùng trung tâm Quảng Yên và vùng công nghiệp phía Nam. Quy hoạch cũng xác định việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Quảng Yên theo hướng công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp gắn với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phối cảnh quy hoạch thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn 2050. (Nguồn: BQN). |
Đồ án Quy hoạch chung xây dựng phát triển đô thị huyện Yên Hưng (tên cũ của Quảng Yên trước khi trở thành thị xã) đã được phê duyệt năm 2008. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, thị xã Quảng Yên đã chính thức được thành lập và với xu hướng phát triển mới, công nghệ, các nhân tố kinh tế xã hội mới, hệ thống giao thông mới đang dần hình thành tác động tới sự phát triển của thị xã Quảng Yên... là những yếu tố cho thấy sự cần thiết trong việc lập đồ án quy hoạch chung thị xã Quảng Yên.
Việc lập đồ án với mục tiêu chung nhằm cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh nói chung và thị xã Quảng Yên nói riêng, làm cơ sở phát triển mở rộng, nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, xây dựng chương trình phát triển đô thị theo tiêu chuẩn đô thị loại III và việc điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính, tổ chức các đơn vị trong ranh giới đô thị...
Quy hoạch được thực hiện trên quan điểm phát triển Quảng Yên trong cấu trúc của trục đô thị quan trọng thuộc mạng lưới phát triển kinh tế tỉnh Quảng Ninh. Theo đó, quy hoạch lần này kế thừa quy hoạch trước đây những mặt tích cực, khắc phục những hạn chế; yêu cầu đặt ra quy hoạch lần này thực sự phải hoàn toàn mới, sự khác biệt của quy hoạch lần này với quy hoạch trước về: hạ tầng, kiến trúc, phát triển đô thị, không gian liên kết vùng; Định hướng phát triển không gian đô thị Quảng Yên trở thành đô thị đặc thù ven sông biển với các ngành kinh tế chủ yếu: công nghệ cảng biển, thương mại, dịch vụ du lịch biển; quy hoạch phát triển không gian đô thị lấy tâm điểm là hai bên bờ cầu sông Chanh và ven sông Rút - là hai trung tâm đô thị hiện đại ven sông; về phát triển không gian khu công nghiệp lấy khu công nghiệp Đầm Nhà Mạc, khu Tiền Phong, Đồng Bái làm tâm điểm... gắn kết phát triển đô thị với hệ thống giao thông và liên kết vùng...
Đánh thức tiềm năng du lịch
Quảng Yên được đánh giá là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch. Là thị xã ven biển nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, tiếp giáp với 3 thành phố lớn là Hải Phòng, Hạ Long và Uông Bí, Quảng Yên có vị trí địa lý và hệ thống giao thông đường bộ, đường thuỷ thuận lợi cho phát triển du lịch. Không những vậy, Quảng Yên tự hào là một trong những địa phương có mật độ tập trung di tích cao nhất trong cả nước. Trên địa bàn thị xã hiện có trên 230 di tích lịch sử, văn hoá, trong đó có 45 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 12 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Đặc biệt, Quảng Yên còn có Di tích lịch sử Bạch Đằng, gồm 9 điểm di tích được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt. Cư dân Quảng Yên còn duy trì được nhiều phong tục tập quán cổ truyền của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ, nhiều lễ hội lớn đặc sắc được bảo lưu đến ngày nay như Lễ hội Tiên Công, Lễ hội Bạch Đằng, Lễ hội Xuống Đồng, Lễ hội Cầu Ngư...
Tại cuộc họp cho ý kiến về Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn 2050 mới đây, Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Long nhấn mạnh, đây là quy hoạch có tính khả thi rất cao, bởi hiện tại hầu hết trong các phân khu chức năng của quy hoạch đều đã và đang có các dự án được chấp thuận chủ trương nghiên cứu đầu tư, nhất là các dự án đầu tư về xây dựng đô thị xanh gắn với khu du lịch. Vì vậy, việc quy hoạch tiếp tục đề cao công tác bảo vệ rừng ngập mặn ở khu vực đảo Hà Nam, tôn trọng hiện trạng các công trình di tích lịch sử văn hóa từ thời Pháp; nghiên cứu phát triển cảng biển xác định đây là một trong những thế mạnh giao thông của Quảng Yên; kết nối 34km đê bao biển toàn bộ khu vực Hà Nam vừa là công trình phòng chống bão lụt vừa là tuyến giao thông kết nối 8 xã đảo…