📞

Quay lưng với Nga, châu Âu tìm lối đi mới, nước chung nhau mỏ khí đốt, nước sang tận châu Phi mua hàng

Bảo Hà 07:58 | 21/04/2022
Các quốc gia châu Âu đang tích cực tìm kiếm nhà cung cấp khí đốt mới, sau khi quay lưng với nguồn cung truyền thống từ Nga nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine.
Các nước châu Âu đang chạy đua với thời gian tìm kiếm nguồn cung khí đốt mới thay thế Nga. (Nguồn: AFP)

Theo đài truyền hình quốc gia NOS của Hà Lan, Berlin đã thông qua kế hoạch của Công ty sản xuất và thăm dò khí đốt Hà Lan ONE-Dyas để bắt đầu vận hành mỏ khí đốt gần các đảo Schiermonnikoog và Borkum thuộc quần đảo Frisian ở Biển Bắc.

Giám đốc điều hành ONE-Dyas Chris de Ruyter van Steveninck cho biết, mỏ trên có thể có 60 tỷ m3 khí đốt. Tuy nhiên, Hà Lan chỉ tiêu thụ 40 tỷ m3/năm, trong khi Đức tiêu thụ tới 90 tỷ m3/năm.

Phía Đức ban đầu phản đối việc khoan dầu trong khu vực được chỉ định, cách 20 km về phía Bắc của quần đảo, nhưng sau đó đã thay đổi quan điểm do tình trạng thiếu khí đốt hiện nay liên quan cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Sau khi Nga phát động một chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine từ hôm 24/2, Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga trong tương lai gần.

Đặc biệt, Đức còn tuyên bố sẽ ngừng nhập khẩu than, dầu từ Nga vào cuối năm nay và chấm dứt sự phụ thuộc vào khí đốt Nga vào giữa năm 2024.

Trong khi đó, ngày 20/4, Italy và Angola đã ký thỏa thuận nhằm phát triển các dự án khí đốt tự nhiên mới và tăng cường xuất khẩu khí đốt từ quốc gia miền Nam châu Phi này sang Italy.

Phát biểu khi kết thúc chuyến thăm Angola, Ngoại trưởng Italy Luigi Di Maio cho biết: "Hôm nay chúng tôi đã đạt được một thỏa thuận quan trọng khác với Angola để tăng nguồn cung cấp khí đốt. Chúng tôi đang thực hiện cam kết đa dạng hóa các nguồn năng lượng”.

Trong khi đó, Bộ trưởng chuyển đổi sinh thái Italy Roberto Cingolani đã mô tả thỏa thuận trên là quan trọng nhằm tạo động lực cho quan hệ đối tác giữa nước này và Angola trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và đào tạo về công nghệ và môi trường.

Ngoại trưởng Di Maio, Bộ trưởng Chuyển đổi sinh thái Cingolani và Giám đốc điều hành của tập đoàn năng lượng khổng lồ ENI Claudio Descalzi đang có chuyến công du Angola và Cộng hòa Congo, trong bối cảnh Thủ tướng Italy Mario Draghi muốn bổ sung hai nước này vào danh sách các nhà cung cấp khí đốt để thay thế Nga.

Trong chặng dừng chân tại Cộng hòa Congo ngày 21/4, phái đoàn Italy dự kiến ký một thỏa thuận tương tự như với Angola.

Các thỏa thuận năng lượng mới với Angola và Cộng hòa Congo có thể mang lại cho Italy thêm 5 tỷ m3 và 1,5 tỷ m3 khí đốt tự nhiên mỗi năm. Cùng với lượng khí đốt nhập khẩu thêm từ Algeria, Italy sẽ thay thế được hơn một nửa số lượng mà họ nhập khẩu từ Nga, sớm nhất là vào đầu năm 2023.

Ông Francesco Galietti, người đứng đầu công ty tư vấn Policy Sonar có trụ sở tại Rome, nhận xét “đây là một cuộc chạy đua với thời gian để đảm bảo Italy có đủ dự trữ khí đốt và dầu mỏ cho mùa Đông tới”.

(theo Dutch News, AFP)