Tổng thống Angola Joao Lourenco. (Nguồn: AFP) |
Kiến nghị thành lập ủy ban đặc biệt trên do Liên minh quốc gia vì độc lập hoàn toàn của Angola (UNITA), đảng đối lập lớn nhất ở nước này đưa ra, đã bị bác bỏ với 123 phiếu chống và một phiếu trắng. Các nghị sĩ thuộc UNITA đã không tham gia bỏ phiếu.
Ông Lourenco đang lãnh đạo đất nước nhiệm kỳ thứ hai sau chiến thắng của đảng Phong trào Nhân dân giải phóng Angola (MPLA) trong cuộc tổng tuyển cử hồi năm 2022. Theo truyền thông địa phương, Hiến pháp nước này quy định tổng thống chỉ có thể bị phế truất vì các tội như phản quốc, làm gián điệp, nhận hối lộ, tham ô hoặc bị mất năng lực thực hiện nhiệm vụ vĩnh viễn.
Angola đã chứng kiến hàng loạt cuộc biểu tình kể từ khi chính phủ nước này cắt trợ cấp xăng dầu hồi tháng 6/2023. Đầu tháng 10, hơn 100 người đã bị bắt giữ khi cuộc biểu tình ở miền Đông dẫn tới xung đột bạo lực.
Biện pháp cắt giảm trợ cấp nhằm hạn chế chi tiêu chính phủ do nền kinh tế Angola phải hứng chịu tình trạng sụt giảm giá dầu làm suy yếu đồng nội tệ Kwanza. Tuy vậy, quyết định này đã dẫn đến chiều hướng tăng mạnh giá nhiên liệu.
Đảng cầm quyền Angola đã chứng kiến sự ủng hộ sụt giảm liên tục trong các cuộc bầu cử thời bình gần đây.
Vào năm 2012, MPLA đã giành chiến thắng với tỷ lệ 71,84% số phiếu so với 18,66% của UNITA. Trước đó, năm 2008, đảng này thắng áp đảo với 81,64% số phiếu.
Số ghế trong Quốc hội của đảng cầm quyền cũng đã giảm xuống từ 150 ghế trong cuộc bầu cử trước xuống còn 124 ghế, trong khi UNITA giành được gần gấp đôi lên 90 ghế trong tổng số 220 ghế Quốc hội.
MPLA đã lãnh đạo Angola trong gần 50 năm kể từ khi đất nước này giành được độc lập năm 1975, trước khi cuộc nội chiến nổ ra, kéo dài 27 năm và cướp đi sinh mạng của ít nhất 500 nghìn người. Cuộc bầu cử đa đảng ở Angola được tiến hành năm 1992.