Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường chiều ngày 25/10. |
Dự kiến buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe: Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi).
Buổi chiều, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi); sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).
* Trước đó, ngày 28/9/2023, tại Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến đối với Tờ trình về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao quá trình chuẩn bị Hồ sơ về điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Hồ sơ đã cơ bản đầy đủ theo quy định của Luật Đầu tư công.
Để đủ điều kiện trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tiếp thu, tập trung làm rõ một số nội dung, trong đó chỉ trình Quốc hội xem xét, quyết định 2 nội dung gồm: thời gian thực hiện Dự án và vốn bố trí cho Dự án; đề nghị xem xét đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 6, không ban hành một Nghị quyết riêng.
Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, tỉnh Đồng Nai căn cứ quy định của pháp luật để quyết định theo thẩm quyền đối với các nội dung khác.
Việc điều chỉnh các nội dung của dự án thuộc thẩm quyền của Chính phủ phải đánh giá tác động kỹ lưỡng, tuân thủ pháp luật, bảo đảm hiệu quả của Dự án, lợi ích của Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của người dân trong vùng chịu ảnh hưởng của Dự án.
Về thời gian thực hiện Dự án: thống nhất trình Quốc hội cho phép kéo dài thời gian thực hiện Dự án đến hết năm 2024; đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn, thuyết phục hơn nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm tiến độ, chậm trình điều chỉnh thời gian thực hiện Dự án để tạo đồng thuận khi báo cáo Quốc hội.
Về vốn bố trí cho Dự án: đề nghị Chính phủ làm rõ số kinh phí chưa giải ngân hết của năm 2020 và năm 2021 đối với số tiền 2.510,372 tỷ đồng đã hủy bỏ theo quy định chưa hay đang cho phép chuyển nguồn. Trường hợp đang để ở chuyển nguồn, đề nghị làm rõ trách nhiệm việc không hủy bỏ số kinh phí này theo quy định. Chính phủ căn cứ quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và đầu tư công đề xuất phương án bố trí vốn cho Dự án trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị bổ sung đánh giá việc điều chỉnh về thời gian chuẩn bị và thực hiện Dự án “đến hết năm 2024” thay vì hoàn thành trước năm 2021 có ảnh hưởng như thế nào đến thời gian và lộ trình thực hiện giai đoạn 1 của Dự án được nêu tại khoản 6 của Nghị quyết số 94/2015/QH13…
* Về dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi), ngày 28/9, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 7 đã giải trình, tiếp thu, chỉnh lý đối với dự án luật này.
Phát biểu tại Phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Thị Lệ Thủy cho biết, đến nay, đã có 137 lượt góp ý cho dự thảo Luật với 609 ý kiến. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết ban hành Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.
Đến thời điểm này, dự thảo Luật đã là phiên bản chính thức thứ 7, chưa kế các phiên bản phụ khác theo từng đợt hội thảo xin ý kiến. Dự thảo Luật theo phiên bàn gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH gồm 10 chương 86 Điều.
Qua rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, dự thảo Luật đã thể chế và cụ thể hóa đầy dù quan điểm, chính sách của Đảng trong toàn bộ dự thảo Luật, quan trọng nhất là Kết luận 36 của Trung ương về bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Cụ thể hóa và bám sát vào 4 chính sách lớn đã được Chính phủ trình theo tờ trình số 162 và được Quốc hội thống nhất bao gồm: bảo đảm an ninh nguồn nước; kinh tế nước, xã hội hóa ngành nước và bảo vệ, phòng chống tác hại do nước gây ra.
Tất cả những ý kiến đóng góp, kiến nghị, đề xuất tại phiên họp được tiếp tục nghiên cứu, thẩm tra, chỉnh lý để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trước khi trình Quốc hội đóng góp ý kiến, xem xét tại kỳ họp thứ 6.