Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Nguồn: TTXVN) |
Chiều 20/10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chủ trì buổi họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, Kỳ họp thứ 8 sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 21/10, dự kiến bế mạc vào sáng 30/11, theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Kỳ họp được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 từ ngày 21/10 đến hết ngày 13/11; Đợt 2 từ ngày 20/11 đến sáng 30/11, trong đó Quốc hội sẽ làm việc 4 ngày thứ bảy.
Dự kiến tổng thời gian làm việc của Kỳ họp là 29,5 ngày.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật, giám sát tối cao, xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế-xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 15 luật, bao gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia.
Quốc hội cũng xem xét thông qua 3 nghị quyết quy phạm pháp luật, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự; Nghị quyết của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hải Phòng; Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội xem xét, cho ý kiến 13 dự án Luật, bao gồm: Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi); Luật Hóa chất (sửa đổi); Luật Nhà giáo; Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế Thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Việc làm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội (trong đó có báo cáo về tình hình thiệt hại, mức độ ảnh hưởng của cơn bão số 3 và giải pháp khắc phục hậu quả sau bão), ngân sách nhà nước năm 2024 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025...; xem xét các báo cáo về công tác tư pháp, phòng chống tham nhũng, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân.
Quốc hội cũng xem xét công tác nhân sự thuộc thẩm quyền; xem xét, quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035; tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Đặc biệt, Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam; xem xét, quyết định chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Thông tin về công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ 8, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị diễn ra vào sáng mai (21/10), Quốc hội sẽ xem xét các nội dung dự kiến trình Kỳ họp và xem xét thông qua chương trình Kỳ họp Quốc hội, trong đó có nội dung về công tác nhân sự sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình chính thức của Kỳ họp.
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp trình Quốc hội thông qua, tại ngày họp đầu tiên (21/10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định.
Ngoài ra, Quốc hội cũng bố trí thời gian trong chương trình để thực hiện công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền.
Khái quát một số điểm mới của Kỳ họp thứ 8, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, với tính chất quan trọng của kỳ họp này, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc.
Kỳ họp này có nhiều nội dung nhất, nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án luật lớn với phương pháp tiếp cận làm việc mới, trong đó có các đề án, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp nhiều phiên, làm việc với Chính phủ và tài liệu được gửi đến đại biểu Quốc hội sớm hơn các phiên trước. Với trên 80 đề án thì hiện có 132/154 đầu tài liệu chính thức đã được gửi tới đại biểu Quốc hội.
Một điểm mới nữa của Kỳ họp thứ 8 là Quốc hội dự kiến sẽ họp 4 ngày thứ bảy; Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp một ngày thứ bảy, để cho ý kiến về 4 nội dung với tinh thần là “Chính phủ trình lúc nào Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem lúc đó” và “Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẵn sàng làm cả buổi tối.”
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất về việc giảm thời gian đọc tài liệu trên hội trường để dành thêm thời gian cho Quốc hội thảo luận; tăng thảo luận ở tổ và giảm thảo luận tại hội trường về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước để nhiều đại biểu phát biểu hơn.
Cùng với đó, sẽ tăng thời lượng các nội dung Quốc hội thảo luận được truyền hình trực tiếp để nhân dân có điều kiện theo dõi và giám sát hoạt động Quốc hội.