📞

Quý 2/2017, các tuyến xe buýt tại Hà Nội có wifi miễn phí

09:02 | 30/11/2016
Đó là thông tin được ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Vận tải Hà Nội cung cấp tại buổi họp giao ban báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 29/11.

Cũng theo thông tin từ đại diện Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, thành phố đã đưa vào hoạt động một số tuyến xe buýt mới với chất lượng cao như xe mới, màu sơn, nhận diện thương hiệu mới, đồng phục nhân viên mới, wifi miễn phí.

Đến nay, Tổng công ty đã lắp đặt wifi miễn phí trên 15 tuyến với 200 xe. Theo kế hoạch, trong Quý 2 năm 2017, tất cả các tuyến xe buýt trên địa bàn thành phố đều được lắp đặt wifi miễn phí.

Tại buổi giao ban, ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho biết, trên địa bàn Thủ đô hiện nay, mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt gồm 97 tuyến, trong đó 73 tuyến buýt có trợ giá; 11 tuyến buýt không trợ giá, 9 tuyến buýt kế cận; 4 tuyến thí điểm. Dự kiến sản lượng vận chuyển các tuyến buýt trợ giá đạt 395,7 triệu lượt.

Ông Hà Huy Quang, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phát biểu. (Ảnh: AD)

Đặc biệt, trong tháng 12/2016, thành phố dự kiến tiếp tục đưa vào vận hành 4 tuyến mới gồm: Nhổn – Tây Đằng, Yên Nghĩa – Phú Túc; Yên Nghĩa – Sơn Tây, Kim Mã – Nội Bài, đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 101 tuyến.

Cũng theo thông tin từ Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trong năm 2016, mạng lưới tuyến xe buýt tiếp tục được mở rộng, cải thiện, hợp lý hoá. Trong năm, nhiều huyện ngoại thành và khu đô thị mới đã có xe buýt phục vụ như huyện Quốc Oai, Xuân Mai, khu đô thị Xa La, Văn Phú, Linh Đàm, Mỹ Đình, Tứ Hiệp, Kiến Hưng.

Đại diện Tổng Cty Vận tải Hà Nội cho biết, Tổng Công ty đã thành lập Xí nghiệp xe buýt nhanh để trực tiếp tiếp nhận, xây dựng phương án tổ chức vận hành khai thác tuyến buýt nhanh (BRT) theo yêu cầu của UBND Thành phố. Công ty hiện đang hoàn thiện mô hình tổ chức và tuyển dụng bộ máy nhân sự điều hành, nhân viên phục vụ và hoàn thiện cơ sở vật chất cho tuyến buýt nhanh BRT.

Về tuyến buýt nhanh này, được biết, TP. Hà Nội đang xây dựng phương án tổ chức vận hành, trước mắt giải quyết tần suất 5phút/chuyến, từ Kim Mã đến Yên Nghĩa mất 45 phút.

Theo ông Hà Huy Quang, năm 2017, thành phố sẽ điều chỉnh dịch vụ cho 33 tuyến để đưa vào vận hành BRT và 14 tuyến buýt đưa tổng số tuyến toàn mạng lên 115 tuyến. Thành phố cũng phát triển thêm 300 nhà chờ mới cũng như đổi mới, đa dạng hoá hình thức bán vé và các loại vé cho khách du lịch, triển khai các dự án ứng dụng công nghệ vé thông minh phù hợp với nhu cầu của hành khách.

Về chất lượng phục vụ trên xe buýt, ông Quang nhận định, chất lượng phục vụ của xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực. Các chuyến lượt vận hành được bảo đảm chiếm tỷ lệ cao (99,8%). Các chuyến lượt được quản lý và kiểm soát hiệu quả hơn (số chuyến lượt bỏ giảm 8%, số vi phạm giảm 6%).

Bên cạnh đó, đại diện lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cũng thẳng thắn nhìn nhận, vẫn còn một số bất cập, tồn tại cần được tiếp tục quan tâm khắc phục, cải thiện như mạng lưới tuyến thiếu ổn định, một số tuyến còn chưa hợp lý về lộ trình, độ dài chưa hấp dẫn người đi xe.

Biểu đồ vận hành vẫn đối mặt với nguy cơ bị phá vỡ do ùn tắc giao thông trên tuyến dẫn đến hiện tượng khách phải chờ lâu hoặc lúc quá vắng khách, lúc quá tải vào giờ cao điểm. Hiện tượng ứng xử chưa đúng mực, thiếu văn minh, vận hành xe chưa tuân thủ luật giao thông vẫn còn tồn tại ở một bộ phận nhỏ lái xe và nhân viên phục vụ.