Quy định thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu năm 2023. (Nguồn TVPL) |
Các chế độ bảo hiểm xã hội
Căn cứ quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 thì có thể hiểu bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.
bảo hiểm xã hội bao gồm 2 loại cơ bản là bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện, tương ứng với mỗi loại sẽ có những chế độ tương ứng, cụ thể như sau:
(1) Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia. bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm các chế độ:
- Ốm đau;
- Thai sản;
- Tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
- Hưu trí;
- Tử tuất.
(2) Bảo hiểm xã hội tự nguyện là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người tham gia được lựa chọn mức đóng, phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình và Nhà nước có chính sách hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội để người tham gia hưởng chế độ hưu trí và tử tuất. bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm các chế độ:
- Hưu trí;
- Tử tuất.
Trong đó, chế độ hưu trí là một chế độ cực kỳ quan trọng nhằm giúp người tham gia bảo hiểm xã hội có một khoản thu nhập (hay được gọi là lương hưu) để đảm bảo những nhu cầu sống cơ bản đã hết tuổi lao động theo quy định của pháp luật.
Quy định thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu
Căn cứ quy định tại Điều 54, 55, 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019) thì có thể thấy, để được hưởng lương hưu thì người tham gia bảo hiểm xã hội (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện) cần phải đáp ứng đủ 2 điều kiện về tuổi nghỉ hưu và thời gian đã tham gia bảo hiểm xã hội.
Trong đó, đối với điều kiện về thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thì yêu cầu:
- Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc: Phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên, trừ trường hợp lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn thì phải có đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
- Đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện: Phải có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Cách tính mức hưởng lương hưu mới nhất
Mức hưởng lương hưu được tính căn cứ vào tỷ lệ hưởng lương hưu theo mức lương đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, công thức như sau:
Lương hưu hàng tháng = Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH
Trong đó:
(1) Tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng
- Tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nam: Tham gia bảo hiểm xã hội đủ 20 năm thì được hưởng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm thì cộng thêm 2%, tối đa 75%.
Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì ngoài lương hưu, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần.
- Tỷ lệ hưởng lương hưu đối với lao động nữ: Thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 15 thì được hưởng 45%, sau đó cứ thêm mỗi năm thì cộng thêm 2%, tối đa 75%.
Trường hợp người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì ngoài lương hưu, người lao động sẽ được hưởng trợ cấp một lần.