Chiều 30/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). |
Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đánh giá, thời gian qua, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã phát huy vai trò quan trọng trong việc tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đất đai; nguồn thu từ đất đai đóng góp quan trọng cho ngân sách nhà nước; phân bổ nguồn lực đất đai đã bước đầu đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo việc làm mới, tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho Nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh;...
Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng: việc đánh giá thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua, nhiều chỉ tiêu chỉ mới đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chưa đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư;...
Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (đoàn Quảng Bình), Trần Đình Văn (đoàn Lâm Đồng) và nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, vì vậy phải đảm bảo có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn. Đặc biệt phải bảo đảm thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, đảm bảo an ninh lương thực,...
Đại biểu Mai Văn Hải (đoàn Thanh Hoá) cho rằng thời gian qua công tác quản lý đất đai theo quy hoạch, kế hoạch đã thống nhất, tập trung hơn. Đặc biệt công tác giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất đã theo quy hoạch và quy hoạch sử dụng đất. Việc cấp giấy chứng nhất quyền sử dụng đất có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đăng lý cấp giấy lần đầu khá cao. Việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2020 đã tạo ra nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng còn một số tồn tại, hạn chế như một số nội dung về quy hoạch, dự báo còn chưa sát thực tế dẫn tới quy hoạch treo. Việc thực hiện một số chính sách đất đai còn bất cập, phát sinh nhiều đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, thỉnh cầu của người dân. Việc công khai minh bạch quy hoạch để người dân tiếp cận được còn hạn chế…
Đại biểu đề xuất trong giai đoạn 2021-2030 cần xem xét quy hoạch, phân bổ hợp lý các loại đất tới tận các tỉnh thay vì đang dừng ở quy mô vùng. Có như vậy các tỉnh mới thấy được trách nhiệm trong triển khai thực hiện quy hoạch đất đai được phê duyệt. Cần đánh giá, dự báo sát tiềm năng đất phi nông nghiệp, nhất là việc chuyển mục đích sử dụng đất lúa, các loại đất khác sang đất phi nông nghiệp còn hạn chế.
Đặc biệt, theo đại biểu, cần có tiêu chí riêng cho đất ở để khai thác tối đa tiềm năng của loại đất này phục vụ phát triển kinh tế-xã hội, tránh tình trạng thời gian vừa qua một số địa phương đã khai thác nguồn đất này để xây dựng nông thôn mới. Đại biểu đề nghị xem xét, phân bổ các loại đất quy hoạch khu công nghiệp phải có sự rà soát, đánh giá lại, xem xét tính hợp lý.
Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định). |
Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang), cũng đề nghị Quốc hội phân cấp cho Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất đối với diện tích đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt.
Ngoài ra, Nghị quyết số 99/2020/NQ-CP của Chính phủ về đẩy mạnh phân cấp Nhà nước theo ngành, lĩnh vực, cũng như kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 273/TB-VP ngày 22/10/2021 về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng đã nêu cần đẩy mạnh phân cấp cho các địa phương với nguyên tắc: Việc nào, cấp nào sát thực tế hơn, giải quyết kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức và công dân thì giao cho cấp đó thực hiện.
Về quy hoạch đất trồng lúa cơ bản giữ được ổn định diện tích 3,5 triệu ha đất trồng lúa, nhiều ý kiến cho rằng, trên thực tế ở một số nơi, việc sử dụng đất trồng lúa để trồng các cây khác hoặc nuôi trồng thủy sản đang diễn ra và về mặt kinh tế có thể hiệu quả hơn.
Tuy nhiên, đất chuyên trồng lúa là loại đất đặc biệt có đặc trưng riêng, cùng với hệ thống thủy lợi được đầu tư rất lớn, trong thời gian dài. Do đó, các đại biểu nhấn mạnh, việc chuyển đổi đất chuyên trồng lúa sang sử dụng cho các mục đích nông nghiệp khác phải đi kèm điều kiện không hủy hoại các đặc trưng cơ bản nhất của đất lúa.
Về chỉ tiêu đất trồng lúa, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cho rằng, diện tích đất trồng lúa bị giảm sẽ dẫn đến nhiều lao động nông thôn bị thất nghiệp, trở thành lao động tự do. Có dự án thu hồi đất lúa xong thì bị bỏ hoang rất lãng phí, trong khi người dân không có đất sản xuất. Đó là chưa kể một số địa phương vẫn để tình trạng tự ý chuyển đổi đất lúa sang mục đích khác.
Đại biểu đề nghị xác định rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất lúa, khu vực nào cần chuyển đổi, khu vực nào cần giữ. Mặc dù về lâu dài, để phát triển kinh tế, cần có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng cần hạn chế thấp nhất việc chuyển đổi đất lúa sang đất khu công nghiệp vì đất này khó có thể bảo đảm quay trở lại trồng lúa.
Đại biểu cũng cho rằng, đối với địa phương có diện tích đất trồng lúa lớn, đề nghị Chính phủ có tổng kết thực hiện chính sách hỗ trợ để đưa ra các chính sách phù hợp hơn và có giải pháp tăng giá trị lúa gạo.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An). |
Khẳng định tiềm năng du lịch ở các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc còn rất lớn, đại biểu Hà Sỹ Huân (đoàn Bắc Kạn) đề nghị cần có các chính sách linh hoạt hơn trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phát triển các khu du lịch, dịch vụ trên nguyên tắc vừa bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, vừa bảo vệ tốt môi trường sinh thái.
Đồng thời, bên cạnh giữ vững độ bao phủ của rừng, giữ đất rừng, đại biểu cũng đề nghị cần có các chính sách hiệu quả để thu hút doanh nghiệp trồng cây dược liệu dưới tán rừng để khai thác tối đa tiềm năng kinh tế, lợi thế từ đất rừng.
Trong khi đó theo đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (đoàn Long An), định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030 là xây dựng nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thân thiện với môi trường, đẩy mạnh khoa học công nghệ trong xử lý chất thải nên các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến môi trường cần phải bám sát định hướng này.
Đại biểu kiến nghị Chính phủ cần rà soát chỉ tiêu này theo hướng giảm diện tích đất bãi thải, bố trí quy hoạch đất cho xử lý chất thải quy hoạch các điểm trung chuyển rác thải tại đô thị, khu vực nông thôn hợp lý.
Đại biểu cũng cho rằng cần phân tích, đánh giá toàn diện hơn để lựa chọn phương án quy hoạch sử dụng đất phù hợp, xác định diện tích đất quy hoạch cho xây dựng hạ tầng, thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng tính chống chịu, hạn chế, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt đối với Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, các đô thị ven biển.
Ngoài ra, một số ý kiến đại biểu đề nghị cần có các giải pháp hiệu quả để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác quy hoạch như: hệ thống quy hoạch sử dụng đất chưa đảm bảo đồng bộ, kết nối, thiếu tầm nhìn dài hạn; thông tin, số liệu, tài liệu đầu vào cho công tác lập quy hoạch còn hạn chế; dự báo sử dụng đất chưa sát với nhu cầu, việc phân bổ một số chỉ tiêu sử dụng đất chưa phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương; công tác giám sát, kiểm tra việc xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch chưa nghiêm và thường xuyên...
| Kinh nghiệm quốc tế trong phát triển bảo hiểm vi mô Chính phủ các nước đều coi việc phát triển bảo hiểm vi mô nói riêng và tài chính toàn diện nói chung là một trong ... |
| Cơ cấu lại nền kinh tế: Đẩy nhanh quá trình phục hồi, tận dụng cơ hội và tạo đà bứt phá Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế cần được thực hiện nhằm ... |