Chương trình hòa nhạc trực tuyến "Chia sẻ để gần nhau hơn" kêu gọi ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19 diễn ra tối 27/6. (Nguồn: BTC) |
Số tiền đã chuyển vào Quỹ kể trên do 358.572 tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong cuộc chiến với dịch Covid-19, Đảng và Nhà nước đặt mục tiêu sớm tiêm vaccine miễn phí cho toàn dân nhằm đảm bảo miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, kinh phí mua vaccine rất lớn, nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước sẽ khó đáp ứng mục tiêu phòng, chống dịch.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc kỳ vọng số dư của Quỹ sẽ đạt con số 11.000 tỷ đồng, cùng với khoản tiền 14.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để đảm bảo có 150 triệu liều vaccine tiêm cho 75 triệu người dân trong cả nước.
Bên cạnh việc tiếp nhận ủng hộ Quỹ vaccine phòng chống Covid-19, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành Thông tư số 41/2021/TT-BTC hướng dẫn về tổ chức, hoạt động, quản lý, sử dụng và kế toán, quyết toán, công khai tài chính Quỹ, bảo đảm công khai minh bạch, hiệu quả.
Để quản lý chặt chẽ, hiệu quả số tiền ủng hộ, số dư tiền chuyển vào Quỹ ở các ngân hàng thương mại đến cuối ngày được chuyển hết về Sở Giao dịch Kho bạc Nhà nước và chuyển tiếp ngay về Ngân hàng Nhà nước.
Trong thời gian số tiền trong Quỹ tạm thời nhàn rỗi, Kho bạc Nhà nước tiến hành đấu thầu để gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại, lựa chọn ngân hàng có lãi suất cạnh tranh nhằm giúp Quỹ tăng trưởng.
Theo thông tin tại cuộc họp sáng 2/7 của Ban chỉ đạo Chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 năm 2021-2022, vaccine về Việt Nam sẽ tập trung các tháng 9-10 và dự kiến, trong tháng 7 sẽ tiếp nhận từ 8-10 triệu liều vaccine qua cơ chế COVAX và các hợp đồng đã ký.
Hiện Việt Nam đã có các hợp đồng, thoả thuận cung ứng trong năm 2021 (hiện có khoảng 105 triệu liều vaccine từ các nguồn cung ứng khác nhau được cam kết phân bổ cho Việt Nam), nhưng tình trạng khan hiếm vaccine xảy ra trên quy mô toàn cầu (trong tháng 6-9/2021), do đó, lộ trình vaccine về nước ta sẽ có tình trạng chậm trễ chung.