Biến thể Delta đang khiến số ca mắc Covid-19 ở Sri Lanka tăng mạnh. (Nguồn: Reuters) |
Ngày 11/8, trước lời kêu gọi phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan của, ông Keheliya Rambukwella, Phát ngôn viên chính phủ kiêm Bộ trưởng Truyền thông Sri Lanka, cho biết quốc gia này vẫn chưa đến giai đoạn nguy kịch, ngay cả khi số ca tử vong trung bình hàng ngày vượt mức 100 người.
“Áp đặt giờ giới nghiêm và phong tỏa là biện pháp cuối cùng, nhưng chúng tôi vẫn chưa đến mức đó. Mục tiêu của chúng tôi là tiêm phòng cho tất cả người trên 18 tuổi vào tháng 9", ông Keheliya Rambukwella cho biết. "Mọi thứ sau đó thế nào thì tùy vào ý trời”.
Bình luận của người đứng đầu cơ quan truyền thông Sri Lanka được đưa ra bất chấp việc Hiệp hội Y tế Sri Lanka (SLMA) có “cảnh báo cuối cùng” đối với chính phủ để hạn chế đi lại của người dân ngay lập tức, nếu không thảm họa lớn hơn sẽ xảy ra.
“Chúng tôi đã đề nghị chính phủ thực hiện các bước khẩn cấp nhằm phong tỏa ít nhất trong 2 tuần”, người phát ngôn SLMA nói.
Ông Channa Jayasumana, quyền Bộ trưởng Y tế Sri Lanka gọi biến chủng Delta là "quả bom cực mạnh" đã phát nổ ở Colombo và đang lan rộng ra nơi khác.
Số người chết do Covid-19 hàng ngày ở Sri Lanka đạt kỷ lục 111 người hôm 9/8, cao hơn gấp đôi mức trung bình 40 ca tử vong/ngày trong tuần trước. Số ca nhiễm mới tăng gấp đôi, lên gần 3.000 ca trong tuần này.
Khoảng 11,2 triệu người, trong số 21 triệu dân ở Sri Lanka, đã được tiêm ít nhất một liều vaccine. Khoảng 3,2 triệu người đã được tiêm đủ hai mũi.
Theo Bộ Y tế Sri Lanka, tính đến nay đảo quốc này ghi nhận 333.000 ca mắc Covid-19, 5.222 ca tử vong.