TIN LIÊN QUAN | |
Số ca sốt xuất huyết đã chững lại | |
Các dấu hiệu bệnh sốt xuất huyết cần đến viện ngay lập tức |
Dù chưa đến thời điểm “đỉnh dịch” sốt xuất huyết (SXH) nhưng số ca mắc trên địa bàn cả nước đã tăng vọt. Đáng chú ý, tại Hà Nội, dịch có diễn biến bất thường khi đến sớm hơn mọi năm, số bệnh nhân mắc cao nhất miền Bắc, thứ hai cả nước. Số nhập viện quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối.
Vấn đề mà người dân quan tâm đặt ra là: Tại sao quyết liệt phòng chống mà vẫn nhiều ca mắc bệnh, áp dụng hết các “bài” rồi mà không dập được, không khống chế được số lượng mắc. Tại sao nỗ lực nhiều nhưng không giải quyết được? Để giảm số mắc và khống chế tối đa tử vong, phải làm thế nào?
Hà Nội tăng cường vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy phòng dịch. (Ảnh: A.D) |
Nhiều nguyên nhân “cộng hưởng”
Theo TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 80.555 trường hợp mắc SXH, 24 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2016, số mắc tăng 33,5%, số tử vong tăng bảy trường hợp. Riêng Hà Nội, tính đến ngày 9/8, đã ghi nhận 13.982 mắc, 1.538 ổ dịch, bảy ca tử vong, số mắc cao gấp 17 lần so với cùng kỳ, nhiều quận huyện số mắc vượt 20 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Phân tích về nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng dịch bệnh SXH, TS. Trần Đắc Phu cho rằng, do mùa Hè đến sớm, nhiệt độ trung bình tại hầu hết các khu vực cao hơn những năm trước, tại khu vực miền Nam, cả nhiệt độ và lượng mưa đều tăng cao so với các năm trước đây dẫn đến vector truyền bệnh phát triển mạnh; tốc độ đô thị hóa nhanh, môi trường tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ, lán trại không được quan tâm xử lý dẫn đến phát sinh các ổ lăng quăng của muỗi truyền bệnh.
Bên cạnh đó, sự chủ động, phối hợp của người dân với cơ quan chức năng trong công tác phòng chống SXH tại một số địa phương chưa cao; việc triển khai biện pháp phun hóa chất và diệt lăng quăng ở khu vực thành thị gặp nhiều khó khăn, không triệt để, không có biện pháp giám sát, kiểm tra, xử phạt cụ thể; một số nơi bệnh gia tăng do nhiều năm không có dịch nên miễn dịch cộng đồng giảm.
“Ý thức tự phòng bệnh của người dân chưa cao, nhiều hộ gia đình không hợp tác trong phun hóa chất xử lý ổ dịch. Các năm trước tại Hà Nội chỉ ghi nhận hai tuýp gây bệnh là D1 và D2 thì hiện nay đã phát hiện thêm tuýp D4 trong bốn tuýp virus Dengue gây bệnh là D1, D2, D3, D4, làm tăng nguy cơ số trường hợp mắc bệnh”, TS. Phu nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nguyên nhân chính khiến dịch SXH bùng phát dữ dội tại một số nước châu Á và vượt ngoài tầm kiểm soát là do một chủng mới về SXH mà hệ miễn dịch của con người chưa có sức chống lại.
Với bệnh nhân sốt xuất huyết được chỉ định điều trị tại nhà thì nên nghỉ ngơi tại giường; uống đủ nước hoặc sữa, nước hoa quả; bổ sung các dung dịch điện giải ozesol, nước cơm. Uống paracetamol hạ sốt, uống đủ và đúng liều. Tuyệt đối không uống aspirin, ibuprofen. Không uống kháng sinh. Hạ sốt cho trẻ nhỏ: Cho trẻ uống paracetamol với liều 10-15mg/kg cân nặng, 4-6 giờ/lần, lau mát cho trẻ bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật, sốt cao. Các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến viện: chảy máu (các chấm hay đốm màu đỏ trên da); chảy máu mũi, lợi; nôn ra máu; đi ngoài phân đen; kinh nguyệt ra nhiều/chảy máu âm đạo; nôn liên tục; đau bụng dữ dội; lơ mơ, rối loạn ý thức hoặc co giật; xanh tím, tay và chân lạnh ẩm; khó thở. |
Các biện pháp “dập dịch”
Trước tình hình dịch SXH bùng phát mạnh trên diện rộng, Bộ Y tế đã họp khẩn và đưa ra các biện pháp phòng dịch là: tránh muỗi đốt, nằm màn, dùng kem chống muỗi, mặc quần áo dài, dùng các bình xịt muỗi, hương muỗi; diệt muỗi, diệt lăng quăng, hướng dẫn phun thuốc diệt muỗi đúng kỹ thuật; tuyên truyền để diệt ổ lăng quăng tại khu dân cư, trường học, chợ, công trường xây dựng...
Riêng Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu tăng cường phun hoá chất diệt muỗi, diệt bọ gậy trên diện rộng. Tất cả máy đeo vai, máy phun công suất lớn do các tỉnh lân cận Hà Nội chuyển về đã được đưa đến các quận, huyện phục vụ chiến dịch phun hóa chất diện rộng.
“Biện pháp cấp bách là phun “hạ hoả” trong nhà, tập trung ở bệnh viện, trường học, lán chợ khu dân cư, phun đeo vai trong nhà từ sân vườn, cửa đến tận từng nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ đạo.
Cảnh giác với các dấu hiệu SXH
Theo BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhiệt đới TW, thường trong ba ngày đầu, người bệnh sẽ sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Từ ngày thứ tư trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao, song chính giai đoạn này lại có thể xảy ra biến chứng nặng.
Biến chứng thứ nhất là tình trạng tăng tính thấm thành mạch và cô đặc máu. Bệnh nhân sẽ không cảm nhận được mà nó chỉ thể hiện qua các chỉ số xét nghiệm. Dựa vào kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ quyết định có phải truyền dịch hay không. Những trường hợp thoát mạch quá nhiều có thể dẫn tới dấu hiệu cảnh báo trước sốc như: mệt lả, đau tức vùng gan, buồn nôn, nôn... Ở trẻ nhỏ có thể chỉ thấy triệu chứng li bì hoặc bứt rứt vật vã, tiểu ít, bỏ bú.
Biến chứng thứ hai là xuất huyết do giảm tiểu cầu. Bệnh nhân có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dưới da...
Hiện tất cả các cơ sở y tế ở các tuyến đều có khả năng chữa trị được SXH. Vì vậy, bệnh nhân không nhất thiết phải đến tuyến TW gây quá tải, lây nhiễm chéo. Chỉ trong trường hợp bệnh nhân bị sốc, suy tạng, y tế tuyến cơ sở sẽ hồi sức ban đầu và chuyển bệnh nhân lên tuyến trên.
Hà Nội huy động tổng lực phun hóa chất diệt muỗi diện rộng Từ ngày 14/8 đến hết tháng 8/2017, Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội tổ chức phun hóa chất trên diện rộng tại địa ... |
Tăng cường phòng chống sốt xuất huyết Trước tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, Việt Nam nằm trong khu vực lưu ... |
7 tháng, cả nước có gần 60.000 ca sốt xuất huyết Trong 7 tháng đầu năm, cả nước đã ghi nhận gần 60.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, 17 trường hợp tử vong. So với cùng ... |