📞

Ra mắt Trung tâm Việt Nam học tại Osaka, Nhật Bản

Chu An 17:40 | 09/10/2024
Trung tâm Việt Nam học là một cơ sở phối hợp nghiên cứu, đào tạo chuyên sâu về Việt Nam, cung cấp dữ liệu, kiến thức đa chiều, đồng thời góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước Nhật Bản-Việt Nam.

Ngày 7/10, Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản tại Osaka đã phối hợp với Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tổ chức buổi lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học.

Lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Dự buổi lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học có ông Ngô Trịnh Hà, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Osaka; ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN); bà Lê Thương, Hiệu trưởng trường Việt ngữ cây tre; GS. Shimizu Masaaki, Đại học Osaka; TS. Bùi Văn Tuấn, trường Đại học Hà Nội, cố vấn Trung tâm, đại diện các trung tâm dạy tiếng Việt tại Nhật Bản và đông đảo cán bộ của Trung tâm, cộng đồng kiều bào Việt Nam tại tỉnh Osaka.

Phát biểu tại sự kiện, Tổng Lãnh sự Ngô Trịnh Hà bày tỏ vui mừng được tham dự và đồng tổ chức sự kiện ra mắt Trung tâm Việt Nam học tại Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản tại Osaka.

Tổng Lãnh sự đánh giá cao việc thành lập Trung tâm sẽ mở ra một giai đoạn mới định hướng phát triển Hiệp hội, trong bối cảnh quan hệ Nhật Bản-Việt Nam đang phát triển hết sức tốt đẹp và ngày càng có nhiều nhu cầu hiểu biết, cũng như hợp tác giữa hai bên trong các lĩnh vực, từ chính trị - kinh tế, văn hóa - xã hội đến du lịch - thể thao...

Phó Chủ nhiệm Ủy ban NVNONN Nguyễn Mạnh Đông chúc mừng Hiệp hội Xúc tiến hợp tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản mặc dù còn rất “non trẻ”, mới thành lập ngày 15/8, nhưng đã nhanh chóng bắt nhịp, nỗ lực tổ chức các hoạt động kết nối, phối hợp xây dựng Trung tâm Việt Nam học đầu tiên tại Nhật Bản.

Ông Ngô Trịnh Hà phát biểu tại Lễ ra mắt Trung tâm Việt Nam học. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Việc bản tồn văn hóa và tiếng Việt không chỉ có ý nghĩa về mặt tinh thần mà còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và hội nhập của cộng đồng người Việt Nam tại Kansai, là cầu nối văn hóa giữa hai nước.

Với tư cách là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác NVNONN, Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Bộ Ngoại giao mong muốn cộng đồng người Việt tại khu vực Kansai phát huy hiệu quả mô hình Trung tâm Việt Nam học để bà con kiều bào tại các địa bàn khác học tập, tiếp thu và nhân rộng.

Thay mặt cán bộ, giáo viên Trung tâm Việt Nam học, bà Lê Thương báo cáo về việc thành lập Trung tâm. Theo bà, Trung tâm sẽ là nguồn tri thức hàn lâm, là cơ sở sáng tạo và phát triển tri thức về Việt Nam trên các lĩnh vực, như: kinh tế, xã hội, chính trị, lịch sử và văn hóa.

Đây sẽ là nơi bồi đắp dữ liệu, kiến thức về Việt Nam có chất lượng, phục vụ các cơ quan chính phủ và tư nhân của Nhật Bản, nhằm thúc đẩy quan hệ Nhật Bản-Việt Nam trên nhiều lĩnh vực.

Bà Lê Thương cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của các hoạt động dạy và học tiếng Việt tại Nhật Bản, trong bối cảnh kết nối kinh tế giữa hai nước ngày càng phát triển ở mọi cấp độ, với nhiều tỉnh, thành của cả hai quốc gia đã ký kết các thỏa thuận hợp tác, trở thành các địa phương kết nghĩa, cùng nhau phát triển.

Các đại biểu tham dự sự kiện từ các điểm cầu theo hình thức trực tuyến. (Nguồn: Ủy ban Nhà nước về NVNONN)

Tham dự Lễ ra mắt, Giáo sư Shimizu Masaaki , Trưởng Bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka, Nhật Bản bày tỏ mong muốn qua Trung tâm sẽ tăng cường các thỏa thuận hợp tác giữa bộ môn tiếng Việt, Khoa Ngoại ngữ, Đại học Osaka với một số trường đại học của Việt Nam.

Không chỉ trao đổi sinh viên, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên giữa trường và đối tác Việt Nam trong học tập, nghiên cứu, giảng dạy và làm việc có thời hạn, Trung tâm còn đóng vai trò cầu nối để kết nối Hội nghiên cứu Việt Nam tại Nhật Bản với các chuyên gia Việt Nam học ngày càng sâu sắc, toàn diện hơn.