Nhỏ Bình thường Lớn

Rác thải nhựa - còn hơn cả thảm họa Titanic

Halobate, một loại côn trùng sống trên mặt biển hiện đang đẻ trứng trên các mảnh rác thải bằng nhựa thay vì đẻ vào lớp gỗ mục hay vỏ ốc trên bờ biển. 1/10 loài cá đã ăn phải các mẩu nhựa vì lầm tưởng đó là thức ăn. Đây chỉ là hai trong số nhiều ví dụ cho thấy sự ảnh hưởng của rác thải bằng nhựa đối với hệ sinh thái biển.
Hàng nghìn tấn rác nhựa đã bị thải vào đại dương mỗi năm.

Nhà hải dương học David Gallo, Viện Hải dương học Woods Hole (Mỹ) bước lên bong tàu của mình neo đậu tại khu vực mà tàu Titanic đang yên nghỉ đã nhìn thấy túi ni lông, mảnh nhựa trôi nổi trên bề mặt đại dương và so sánh hình ảnh này với vụ chìm tàu Titanic.

Theo các nhà nghiên cứu thuộc Viện Hải dương học Scripps (Mỹ), ở khu vực nằm giữa Hawaii và bang California được gọi là "Bãi rác lớn của Thái Bình Dương", trong bốn thập kỷ qua, lượng rác thải nhựa đã tăng đến 100 lần. Hàng nghìn tấn rác nhựa đã bị thải vào đại dương mỗi năm và qua thời gian, dưới tác động của nắng và các luồng nước, đã vỡ vụn thành các mảnh nhỏ như những chiếc móng tay hoặc nhỏ hơn. Những mảnh rác thải này khó phát hiện bằng mắt thường và càng không thể nhìn từ vệ tinh.

Trong quá khứ các nhà khoa học luôn tin rằng nhựa trên đại dương không chỉ gây mất mĩ quan, mà còn là một hiểm họa đối với những loài sinh vật biển tưởng nhầm nó là thức ăn hoặc bị mắc kẹt trong đó. Dữ liệu từ cuộc nghiên cứu năm 2009 của Viện Scripps cho thấy cứ 10% số cá ở vùng biển nói trên đã nhầm nhựa là thức ăn. Theo ước tính, "các loài cá sống ở vùng nước dưới lớp nước bề mặt đã ăn từ 12.000-24.000 tấn nhựa/năm", báo cáo của Viện Scripps viết. Bên cạnh đó, loài chim thường ăn các miếng nhựa nhỏ bởi nhầm tưởng chúng là trứng cá. Trong khi, loài rùa biển lại thường xuyên nuốt phải các túi nhựa do chúng rất giống với loài sứa... Việc có thêm "chỗ để đẻ" cho Halobate khiến loài côn trùng này sinh sôi nảy nở với tốc độ rất nhanh. Loài côn trùng này ăn các sinh vật nhỏ và ấu trùng cá, do đó sự "bùng nổ dân số" Halobate cũng có nghĩa là ít thức ăn hơn cho loài khác, làm thay đổi lượng thực phẩm tự nhiên của đại dương.

Vốn là loại vật liệu được cho là rất bền vững, nhựa rác thải đang phân hủy với tốc độ đáng ngạc nhiên và thải ra các chất độc nguy hại vào nước biển. Tiến sĩ Katsuhiko Saido, nhà hóa học đến từ trường Đại học Nihon, Chiba, Nhật Bản, cho biết nhóm nghiên cứu của ông đã phát hiện ra rằng khi nhựa phân hủy nó thải ra các chất độc hại bisphenol nhóm A (BPA) và oligome PS, khiến cho tình trạng ô nhiễm trong nước biển càng thêm trầm trọng. BPA và oligome PS là những mối quan tâm lớn do chúng có thể phá vỡ hoạt động của các hormone trong cơ thể động vật và ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ sinh sản. Một số nghiên cứu tiến hành trước đó cũng đã chỉ ra rằng tiếp xúc với lượng nhỏ BPA sinh ra từ các loại thùng, chai nhựa có thể gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe.

Mặc dù rác thải nhựa là hiểm họa đáng báo động, nhưng hiện nay việc đánh giá đúng thực trạng vấn đề vẫn là một bài toán khó. Nhà hải dương học Giora Proskurowski thuộc Hiệp hội Giáo dục về Biển (Mỹ) cho biết, trung bình lượng mảnh vụn nhựa trong đại dương có thể cao hơn 2,5 lần so với các ước tính khi sử dụng phương pháp lấy mẫu nước bề mặt.

Ngoài ra, hiện khả năng "làm vệ sinh" cho bãi rác thải này là "hầu như không thể", theo nhà nghiên cứu Paul Rogers, do diện tích các vùng biển quá lớn. Do vậy, các nghiên cứu cũng chỉ dừng ở việc đưa ra lời kêu gọi các địa phương ra lệnh cấm sử dụng túi nhựa và các vật dụng bằng nhựa khác như chai, lọ… Hiện các biện pháp ngăn chặn là quan trong nhất. Bởi "một khi nhựa đã có mặt ở đại dương, để loại bỏ nó là rất khó và rất tốn kém", nhà nghiên cứu Goldstein nói.

Mai Anh