📞

Rào cản của lao động trẻ Việt Nam trong thị trường việc làm

09:45 | 03/03/2024
Nhiều chuyên gia cho rằng, kỹ năng thấp đã hạn chế sự tham gia của lực lượng lao động trẻ Việt Nam trong thị trường việc làm.
Năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam chiếm 27% lao động cả nước. (Nguồn: TTXVN)

Việt Nam đang ở giai đoạn “cơ cấu dân số vàng”. Dự báo giai đoạn này sẽ kéo dài đến khoảng năm 2038. Tận dụng thời cơ, phát huy ưu thế của nhân lực trẻ, tăng cường trang bị các kỹ năng nghề thích ứng với thị trường lao động là rất cần thiết, góp phần nâng cao năng suất lao động, phát triển đất nước.

Rào cản nào cho thị trường lao động?

Các chuyên gia khẳng định trong bất kỳ quốc gia nào, thanh niên luôn là lực lượng dân số quan trọng cấu thành lực lượng lao động chủ yếu của nền kinh tế, là nhóm xã hội giữ vai trò quan trọng trong phát triển của quốc gia.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng và cũng đồng thời trong quá trình già hóa dân số. Tính chung năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên là 52,4 triệu người. Số thanh niên (từ 15-24 tuổi) thất nghiệp năm 2023 khoảng 437.300 người, chiếm trên 41% tổng số người thất nghiệp.

Cũng trong năm 2023, lực lượng lao động đã qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ ở nước ta chiếm 27% lao động cả nước. Con số này cho thấy thách thức không nhỏ trong việc nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của người lao động, trong đó có lực lượng lao động trẻ.

Nói về những thách thức đối với lực lượng lao động trẻ, nhiều ý kiến cho rằng, kỹ năng thấp chính là “rào cản” đối với lao động thanh niên Việt Nam trong thị trường việc làm. Vì vậy, nâng cao kỹ năng của lao động thanh niên, tạo điều kiện cho lao động trẻ tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết.

Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), cứ sau 5 năm, 30% kỹ năng nghề nghiệp hiện tại của người lao động sẽ không được sử dụng nữa, phải thay thế bằng những kỹ năng mới. Điều này đòi hỏi lao động trẻ trong các doanh nghiệp cần được trang bị không chỉ kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải được trang bị kỹ năng thích ứng với sự thay đổi.

Tổ chức Lao động quốc tế cho rằng, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều nghề truyền thống mất đi nhưng nhiều nghề mới, công việc mới sẽ xuất hiện, tạo cơ hội có việc làm cho lao động trẻ. Để tận dụng cơ hội này, thanh niên, ngoài việc cần trang bị những kỹ năng nghề nghiệp thông qua đào tạo nghề để có việc làm thỏa đáng, cần phải được trang bị những kỹ năng mềm, kỹ năng thích ứng để có thể làm việc trong môi trường 4.0, có năng lực ứng phó với hoàn cảnh, nhất là với những rủi ro phi truyền thống.

Là những người tiếp thu nhanh khoa học công nghệ, có tính năng động cao, chiếm tỷ lệ chủ yếu trong lực lượng lao động qua đào tạo nghề, thanh niên cần tích cực rèn luyện, trang bị các kỹ năng, tận dụng tốt các thời cơ giúp đáp ứng thị trường lao động.

Tiến sĩ Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP. Hồ Chí Minh khẳng định, hiện ở Việt Nam vẫn tồn tại sự chênh lệch giữa kỹ năng của người lao động có và các kỹ năng mà thị trường lao động cần, dẫn đến tỷ lệ sử dụng lao động qua đào tạo còn thấp, trong khi thị trường lại thiếu lao động có trình độ, kỹ năng nghề.

Nhiều tổ chức quốc tế đã cho rằng kỹ năng nghề sẽ là “đơn vị tiền tệ quốc tế mới” trong thị trường lao động tương lai, bởi nó đem lại năng lực cạnh tranh tốt hơn, năng suất lao động cao hơn.

Trong bối cảnh hiện nay, lực lượng lao động có kỹ năng có ý nghĩa quyết định tới năng suất lao động của chính người lao động và doanh nghiệp. Đối với lao động trẻ, các kỹ năng nghề càng quan trọng, giúp họ đứng vững trong thị trường lao động hiện tại và tương lai, đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế.

“Đón đầu” thị trường lao động

Theo đại diện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, nâng cao kỹ năng của lao động thanh niên, tạo điều kiện cho lao động thanh niên Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế và đây là thách thức lớn, đòi hỏi hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phải thay đổi mạnh mẽ.

Bên cạnh đó là tăng cường dự báo thị trường lao động, tổ chức đào tạo, đặc biệt là đào tạo tạo các ngành mới, “đón đầu” nhu cầu thị trường lao động là những được các cấp, các ngành triển khai, góp phần cung ứng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trẻ cho thị trường lao động.

Từ góc độ địa phương, ông Đặng Minh Thông, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, thông tin là địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhu cầu lao động lớn, tỉnh rất quan tâm thúc đẩy đào tạo nghề, nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động, nhất là lao động trẻ. Các ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền cho thanh niên về vị trí vai trò của giáo dục nghề nghiệp, tầm quan trọng của kỹ năng lao động, đồng thời các cơ quan chức năng gắn kết chặt chẽ để hỗ trợ người học tìm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp các cơ sở đào tạo.

Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ lao động trên địa bàn qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ đạt 30%, tỷ lệ lao động có các kỹ năng công nghệ thông tin đạt 80%, đồng thời thu hút 40%-50% học sinh tốt nghiệp Trung học Cơ sở và Trung học Phổ thông vào hệ thống giáo dục nghề nghiệp, bổ sung nguồn lao động trực tiếp, trẻ, năng động cho các doanh nghiệp, đơn vị.

Nâng cao kỹ năng, tạo điều kiện cho lao động thanh niên Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng nhân lực toàn cầu là yêu cầu cấp thiết đặt ra của nền kinh tế. (Nguồn: TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề cho quốc gia đang phát triển, có công nghiệp hiện đại.

Cùng với đó, địa phương tạo thuận lợi để các cơ sở đào tạo tham gia thị trường đào tạo nhân lực quốc tế, đầu tư phát triển Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trường thực hiện chức năng trung tâm đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao, tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 và G20.

Liên quan đào tạo nghề cho thanh niên tiếp cận kỹ thuật công nghệ, đáp ứng nhân lực cách mạng công nghiệp, từ cơ sở đào tạo, ông Nguyễn Khánh Cường Hiệu, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (đóng tại tỉnh Đồng Nai) cho rằng cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang làm thay đổi mạnh phương thức và công nghệ sản xuất, dây chuyên sản xuất được hiện đại hoá.

Từ đó, nguồn nhân lực qua đào tạo cần bảo đảm về kiến thức, kỹ năng “cứng” (về năng lực số, công nghệ, lập trình, tương tác giữa người với người máy...) và kỹ năng “mềm” (khả năng tư duy sáng tạo, làm việc nhóm, ứng phó khó khăn, rủi ro) mới đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động trong nền kinh tế số.

(theo TTXVN)