Năm 1976, khi 12 tuổi, Tony Fernandes được đi máy bay từ Kuala Lumper đến London cùng cha. Cha Tony muốn con trai trở thành bác sĩ và đã đăng ký cho con vào trường y. Nhưng rồi Fernandes đã không trở thành bác sĩ. Chính quyết định của cha đưa Fernandes sang London đã định hướng nghề nghiệp của Tony Fernandes theo một cách hoàn toàn khác và không thể ngờ đến.
Không giống như phần lớn các cậu bé ở lứa tuổi này, Tony không khoái chí lắm việc trở thành phi công. Năm ấy Tony xin được về thăm nhà vào giữa kỳ nghỉ và cha mẹ không đồng ý do giá vé máy bay quá đắt. Ngưỡng mộ thành công của Freddie Laker trong việc cung cấp dịch vụ Skytrain (tàu chạy trên không bằng đệm từ) sang Mỹ cộng với thôi thúc muốn ai cũng có thể đi được máy bay, Fernandes thấy điều mình thực sự muốn là hãng hàng không giá rẻ của riêng mình.
Fernandes cuối cùng đã đạt được giấc mơ ngày nhỏ của mình, mặc dù theo một con đường không bình thường. Sau khi tốt nghiệp văn bằng kế toán trường Kinh tế London ông đã dành 14 năm kinh doanh trong lĩnh vực âm nhạc, đầu tiên làm cho Phòng ghi âm Virgin của Richard Branson với vị trí nhân viên kế toán rồi lên quản lý tài chính và sau đó sang làm giám đốc điều hành cho Warner Music ở Malaysia. Không lâu sau ông trở thành phó chủ tịch của Warner Music Group tại khu vực Đông Nam Á khi mới tròn 28 tuổi. Thời điểm đó, Fernandes đã được coi là một trong những doanh nhân trẻ tài năng hàng đầu Malaysia và khu vực Đông Nam Á.
Một điều ít người còn chưa biết về Anthony Francis Fernandes là niềm đam mê âm nhạc và những cống hiến của ông vào công cuộc bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống của Malaysia. Để ghi nhận những đóng góp tích cực của Anthony Francis Fernandes, Hoàng thân Malaysia Sultan Salahuddin đã từng trao tặng ông tước hiệu “Dato” hoàng gia cao quý.
Lo ngại về việc sáp nhập giữa Time Warner và AOL năm 2001, Fernandes nhanh chóng bán cổ phần của mình và rời Warner Music ngay sau khi thoả thuận sáp nhập hoàn tất.
Đến London, ông tình cờ xem chương trình truyền hình phỏng vấn Stelios Haji-Loannou, người sáng lập hãng Jet. Sáng hôm sau ông đến ngay trụ sở của Jet ở sân bay Luton để xem hãng hàng không bay giá rẻ này điều hành thế nào. Ông tự hỏi, nếu Jet có thể kiếm tiền được khi chở khách từ Luton (Anh) đến Barcelona (Tây Ban Nha) với giá 8 bảng, thì liệu ông có thể áp dụng mô hình ấy ở Malaysia được không?
Kế hoạch áp dụng giá rẻ cho chuyến bay đường dài đã được định hình. Ông đã đến gặp GE Capital để hỏi xem liệu mình có thể thuê chiếc Boeing 747 không. Nhưng theo lời khuyên của Conor McCarthy, một trưởng điều hành tại Ryanair, ông quyết định khởi đầu với việc kinh doanh đường bay ngắn.
Tháng 6/2001 ông tìm cách tiếp cận với Thủ tướng Malaysia khi đó, Mahathir Mohamad để xem liệu có thể giành được sự ủng hộ của giới quan chức về kế hoạch cạnh tranh với hãng hàng không độc quyền Malaysia Airlines không. Ông Mahathir chấp nhận nhưng với điều kiện Fernandes tiếp quản hãng hàng không hiện thời: AirAsia, một hãng hàng không có sở hữu của chính phủ đang bên bờ vực thẳm.
Tài sản AirAsia để lại là 2 chiếc Boeing 737 cũ kỹ, 40 triệu ringgit (tương đương11 triệu USD) tiền nợ. Mahathir đồng ý để lại cho Fernandes với giá 1 ringgit (26 cent). Thoả thuận này được ký kết chỉ 3 ngày trước khi ngành hàng không thế giới bị chấn động bởi sự kiện 11/9. Do rút được tiền cổ phần từ Time Warner, cầm cố ngôi nhà và kêu gọi thêm các nhà đầu tư, Fernandes chạy vạy chỉ vừa đủ vốn để điều hành kinh doanh, nhưng chỉ có thể sống sót khi việc kinh doanh này phải sinh lời ngay ngày đầu tiên.
Trước mắt phải giải quyết vấn đề nhân sự, Fernandes coi đó là yếu tố cốt lõi đối với sự sống còn của doanh nghiêp; do đó, ông đã áp dụng những chính sách đãi ngộ hào phóng để thu hút những kỹ sư, nhà quản lý tài năng về cho AirAsia, đặc biệt là những người từng có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực hàng không. Fernandes từng cho biết: “Mặc dù kinh nghiệm về lĩnh vực hàng không của tôi là con số không nhưng tôi lại có trong tay nhiều nhân tài và một số người trong số đó đã hướng dẫn tôi trong quá trình làm việc”.
Không ít doanh nhân và chính khách hoài nghi dự án của Fernandes. Không chỉ vì đó có vẻ là thời điểm khởi đầu không mấy thuận lợi, mà còn vì người ta cho rằng mô hình bay giá rẻ sẽ không thực hiện được ở châu Á. Tuy nhiên Fernandes cho rằng mình có thể thỏa thuận được tốt về những chiếc máy bay mà các hãng hàng không khác không còn dùng nữa. Ông cũng tin chắc rằng giá vé bằng 50% so với các đối thủ cạnh tranh có thể thuyết phục.
Và điều đó đã được chứng minh. Trong năm đầu tiền hoạt động, AirAsia đã vận chuyển trên 1 triệu hành khách. Chỉ một năm sau khi tiếp quản, AirAsia đã trang trải hết nợ nần. Fernandes hài lòng rằng ông đã tính toán thật hoàn hảo. Từ sự kiện 11/9/2001, chi phí thuê máy bay đã giảm 40%. Cùng với điều đó là sự xuống dốc của ngành hàng không khiến Fernandes rất có cơ hội chiêu được những nhân viên giàu kinh nghiệm. Ông tin rằng người du lịch Malaysia có thể nắm lấy cơ hội dịch vụ máy bay giá rẻ để tiết kiệm thời gian và tiền bạc.
Theo tính toán của Fernandes, khoảng 50% những người du lịch trên những chuyến bay tiết kiệm của châu Á sẽ là người lần đầu tiên đi máy bay. Trước khi áp dụng chính sách mới ở AirAsia, ông đã thống kê thấy chỉ có khoảng 6% người Malaysia từng được đi máy bay. Khi đang là người quản lý trong lĩnh vực kinh doanh đĩa nhạc, Tony lại bỏ tất để bước vào lĩnh vực hàng không đầy mạo hiểm do ông nghĩ mình còn trẻ và ông nhìn thấy cơ hội ở hàng không. Để di chuyển từ nơi này đến nơi kia ở Malaysia, phải mất đến gần một tháng lương, bởi vậy điều đó thôi thúc ông mạo hiểm. Khi khởi nghiệp, “điều quan trọng nhất là liệu thị trường có nhu cầu đối với sản phẩm của bạn hay không” và ông biết là thị trường rất cần được đi máy bay.
Năm 2009 này, cùng với sự hợp tác với các hãng hàng không nước ngoài như Thailand và Indonesia, AirAsia đang dự tính sẽ vận chuyển tới 22 triệu khách. Hãng cũng đã liên kết với với Jetstar Pacific Airlines ở Việt nam.
Số lượng các điểm đến của AirAsia đã tăng từ 6 lên đến 110. Với gần như tất cả phi đội hùng hậu là máy bay Airbus với 80 chiếc và 175 chiếc A320 hiện đại đã đặt hàng, AirAsia đã trở thành một trong những khách hàng hàng đầu của các nhà sản xuất máy bay của châu Âu.
AirAsia đã mở đường bay tới Australia, Trung Quốc và Ấn Độ. Không bao lâu sau, AirAsia bắt đầu nghĩ tới những đường bay dài hơn. 8 năm sau khi AirAsia ra đời, thương hiệu AirAsia X, chuyên về bay đường dài của AirAsia đã bắt đầu đường bay 5 ngày/tuần từ Kuala Lumpur đến London, với giá vé bình quân là 179 bảng (250 USD). Chiếc máy bay đầu tiên của AirAsia X, Airbus A330 đã được đặt tên là: “Semangat Sir Freddie” (Tâm hồn của Freddie). Vừa là sự thể hiện tình cảm với các doanh nghiệp kinh doanh hàng không và cũng là sự nhắc nhở rằng có rất ít tuyến bay đường dài giá rẻ tồn tại được lâu.
Đi con đường khác hẳn đối thủ
AirAsia liên tục đạt được lợi nhuận suốt từ khi được chuyển giao cho Fernandes, trừ nửa cuối năm 2008 khi Fernandes quyết định nới lỏng việc tích trữ nhiên liệu trong khi phần lớn các hãng hàng không khác lao vào mua tích trữ. Sau thành công ban đầu, AirAsia hiện đang có lợi nhuận hoàn toàn với giá dầu 40 USD/thùng trong khi một số đối thủ vẫn đang phải trả 100USD. Quyết định đó là mong muốn của Fernandes để phá bỏ thứ hạng.
Một cách làm khác người nữa là khi các hãng hàng không khác cắt bớt quảng cáo suốt thời gian bệnh SARS hoành hành năm 2003, AirAsia lại chi tiêu gấp 3 cho quảng cáo.
Fernandes cho rằng ông đến với ngành này mà không có đường hướng trước, nhưng thấy nó rập khuôn đến cứng nhắc. Ông muốn AirAsia phản ánh sự thông thoáng của mình, một con người cởi mở và sẵn lòng. Người ta thường xuyên nhìn thấy ông đội mũ lưỡi trai, áo phông mở cổ và quần jeans. Ông tự hào vì công ty thiếu cấp bậc (điều rất không bình thường ở châu Á), có nghĩa là ai cũng có thể có cơ hội thăng tiến làm công việc của bất cứ ai khác. AirAsia tuyển phi công có thể xuất thân từ người điều khiển hành lý và người phục vụ.
Về phần mình, Fernandes cũng làm đúng như điều mình nói. Hàng tháng ông dành 1 ngày làm người điều khiển hành lý. 2 tháng 1 lần ông dành một ngày ở phi hành đoàn; 3 tháng 1 lần ông làm nhân viên kiểm soát.
Fernandes cho rằng nếu bạn không nằm bò xuống sàn và chứng kiến điều gì đang diễn ra, bạn sẽ không thể có được những quyết định hiệu quả. Ông muốn đóng vai trò của các nhân viên để khẳng định rằng mình quyết định đúng đắn.
Theo ông tất cả những người quản lý khi cần đều có thể vác hành lý. Một số người muốn né tránh công việc này nhưng khi họ nhìn thấy CEO khuân hành lý, họ cũng làm theo. Đối với ông, bài học tốt nhất là tính kỷ luật và tập trung chú ý. Theo ông, ai cũng có khả năng, điều quan trọng là làm cho họ thể hiện tốt nhất khả năng của mình.
Không chỉ nổi tiếng là đứng thứ 24 trong 40 người có khối tài sản lớn nhất Malaysia với 230 triệu USD, Fernandes còn được biết tới là chiến lược gia trẻ tuổi trong lĩnh vực kinh doanh. Với những nỗ lực và khả năng của mình, Tony Fernandes được tặng không ít các giải thưởng lớn gồm: Giải thưởng của báo International Herald Tribune; CEO của năm 2003 do American Express Corporate Services and Business Times trao tặng; nằm trong số 25 ngôi sao của Tạp chí Business Week trao tặng năm 2005. Tháng 5/2008, AirAsia tiếp tục gây tiếng vang khi được Tổ chức Hàng không châu Á Thái Bình Dương (CAPA) trao giải thưởng danh giá nhất của ngành hàng không – “Hãng hàng không của năm”.Theo VieTimes